“Má cứ tham gia BHXH tự nguyện, về già có đồng là vui”

Lan Trần| 15/10/2019 11:12
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với nhiều người dân, việc tham gia BHXH tự nguyện không chỉ đơn thuần là việc có được sự đảm bảo tương lai khi về già mà còn là tình cảm, là sự quan tâm của những người thân trong gia đình.

Dù vừa bận trông cháu, vừa tranh thủ trò chuyện với chúng tôi, bà Huỳnh Thị Liễu ở xã Tam Ngọc, Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam vẫn rạng rỡ nhắc đến việc được cả gia đình động viên tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện. Bởi với bà, đây không chỉ là việc bà sẽ có được đồng lương hưu khi về già và còn là tình cảm của chồng, của con khi lo cho lương lai của bà.

“Ưng nhận lương hưu”

Sinh năm 1963, bà Nguyễn Thị Liễu từng làm hộ lý tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần. Trong quá trình làm việc cô Liễu tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2004 và đến thời điểm nghỉ hưu, tháng 4/2018, bà Liễu có 14 năm 3 tháng tham gia BHXH bắt buộc.

“Khi nghỉ hưu tôi cũng nghĩ nhiều, vì ông xã tôi cũng đã từng nhận lương hưu một lần. Tôi cũng băn khoăn việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện rồi biết có được nhận bao nhiêu”, bà Liễu chia sẻ. Trước những băn khoăn của bà, chính chồng và các con đã động viên để cô tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

“Con tui bảo má cứ tham gia BHXH tự nguyện để tuổi già có đồng cũng vui. Má còn được BHYT nữa”, bà Liễu vui vẻ nói. Chính nhờ có sự động viên của chồng, con, bà Liễu đã quyết định đóng một lần gần 72 triệu đồng cho số thời gian 5 năm 9 tháng còn thiếu để đủ điều kiện nhận lương hưu. Và đến tháng 4/2019, bà đã nhận tháng lương hưu đầu tiên.

“Nhận một cục rồi cũng tiêu hết. Giờ tôi ưng nhận lương hưu rồi”, bà Liễu khẳng định. Chính nhờ có sự đảm bảo lâu dài về tương lai, giờ bà Liễu đang sống hạnh phúc, an yêu cùng chồng, con và các cháu ở thành phố Tam Kỳ.

“Má cứ tham gia BHXH tự nguyện, về già có đồng là vui”

Theo ông Nguyễn Đức Hòa (bên phải), tham gia BHXH tự nguyện vừa đảm bảo tương lai khi về già, vừa không phiền con cái

Giống như trường hợp của bà Liễu, ông Nguyễn Đức Hòa sinh năm 1959 ở An Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam cũng đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện để về già không trở thành gánh nặng cho con cái. Là một nhân viên tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Nam, ông Hòa đủ tuổi về hưu vào tháng 2/2019. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, ông mới có 17 năm 8 tháng tham gia BHXH bắt buộc.

“Tôi quyết định tham gia BHXH tự nguyện ngày từ đầu. Gia đình,bạn bè khi biết quyết định của tôi đều ủng hộ bởi đây là quyết định đúng đắn. Tôi cũng có nhờ bạn bè tính toán, nếu nhận một lần tôi được khoảng 120 triệu, và tôi thấy việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để có lương hưu lâu dài tốt hơn”, chú Hòa cho biết. Sau những suy nghĩ tìm hiểu thấu đáo, ông Hòa đã bỏ ra khoảng 41 triệu đồng để đóng cho 3 năm 4 tháng còn thiếu và hiện đã nhận lương hưu hàng tháng.

“Xung quanh tôi có một số người khi về già mà không có tiền lương hưu liền trở thành gánh nặng cho con cái, chưa kể khi ốm đau không có BHYT thì cuộc sống rất khó khăn”, ông Hòa nhận xét.

Giải pháp hiệu quả để đảm bảo tương lai cho tuổi già

Theo số liệu của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập thấp lại bấp bênh. Hơn nữa, vì không còn sức khỏe để lao động nên đa số phải sống phụ thuộc. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, chỉ có khoảng 27% là có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại, 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái.

Rõ ràng để giải quyết những khó khăn khi về già, có thể đảm bảo cho tương lai lâu dài không phải phụ thuộc vào con cái, BHXH tự nguyện chính là giải pháp hiệu quả. Bởi với BHXH tự nguyện, khi đến tuổi nghỉ hưu và đủ số năm đóng, người tham gia sẽ được hai chế độ là lương hưu và tử tuất. Cùng với đó là được cấp thẻ BHYT để người tham gia được đảm bảo về chăm sóc sức khỏe. Thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu được tính ưu việt của BHXH tự nguyện. Sự chuyển biến về nhận thức đã giúp cho công tác phát triển BHXH tự nguyện những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực mà trường hợp của ông Hòa, bà Liễu nói trên là minh chứng.

Theo số liệu báo cáo của BHXH Việt Nam, đến hết tháng 9, cả nước đã vận động được 463.105 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 94,4% kế hoạch giao, tăng 26.017 người so với tháng 8/2019, và tăng 192.326 người so với tháng 12/2018; theo kế hoạch mục tiêu trong ba tháng cuối năm phải phát triển tiếp 27.600 người.

Riêng tại Quảng Nam, tính đến hết tháng 7/2019, đã có hơn 4000 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 1.892 người so với cuối năm 2018. Theo ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam, trong những tháng cuối năm, BHXH tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với ngành Thuế, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội…để tiến hành rà soát các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể có sử dụng lao động đã đi vào hoạt động, nhưng chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động để có kế hoạch mở rộng nguồn thu, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. Ngoài ra tiếp tục phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức hội nghị tuyên truyền, tọa đàm, đối thoại, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.

“BHXH tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và tinh thần phục vụ đối tượng; đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động đẩy mạnh thực hiện giao dịch điện tử đối với hồ sơ tham gia BHXH, BHYT và giải quyết hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị và người lao động”, ông Nguyễn Thanh Danh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Má cứ tham gia BHXH tự nguyện, về già có đồng là vui”