Vừa qua, Lý Nhã Kỳ đã bay từ Tp Hồ Chí Minh ra Hà Nội và vượt gần 400 km lặn lội lên Cao Bằng để khánh thành trường mầm non do cô xây dựng cho trẻ nhỏ xã Khau Sớ, huyện Hà Quảng.
Khau Sớ là xã giáp biên giới Việt Nam- Trung Quốc, bà con dân tộc sống rải rác ở khắp các vùng núi rừng, đường đi lại vô cùng khó khăn, cheo leo, hiểm trở, đời sống của bà con cũng vất vả do không có đất canh tác nông nghiệp, giao thông không thuận lợi nên việc giao thương không dễ dàng, bà con cũng không có nghề nghiệp nào khác. Tuy đời sống còn nhiều khó khăn nhưng bà con rất chú trọng đến chuyện học hành của các em nhỏ, dù nhà rất xa đi tới trường phải vượt qua chặng đường sỏi đá, đèo dốc nhưng các gia đình vẫn cần mẫn đưa các em nhỏ đi học cái chữ mỗi ngày. Cảm động với tinh thần học tập của các em nhỏ, chứng kiến việc các em mầm non Khau Sớ nhỏ xíu ngày ngày phải đi học xa, lại học ở một ngôi trường là căn nhà gỗ ghép tạm ở một sườn núi, rất thiếu thốn cơ sở vật chất, gió lùa tứ phía, nắng dội bốn bề, Lý Nhã Kỳ đã quyết định xây trường mới bằng gạch khang trang cho các em nhỏ để khích lệ tinh thần học tập của các em và các gia đình bà con dân tộc tại đây.
Lễ khánh thành ngôi trường nhỏ cho các em bé mầm non Khau Sớ diễn ra vào buổi sáng chớm đông, nắng lên ngọt lịm trên cao, nhưng gió đã se se lạnh thổi qua các sườn núi, lùa qua các khe gỗ ghép của lớp học cũ. Chỉ mới chớm đông nhưng các bé đã phải mặc áo dày để đi học, cô giáo lớp nói, ít ngày nữa nếu vẫn học ở lớp học này, các em lạnh lắm vì cái lạnh vùng cao đã lạnh, lớp học mong manh này sẽ còn lạnh hơn rất nhiều. Nên, mùa đông các gia đình thường lười cho con đi học, giáo viên cùng cán bộ xã thường phải đi vận động khá vất vả. Năm nay, các bé có lớp mới to đẹp được xây kiên cố, các bé và gia đình sẽ không sợ mùa đông. Niềm hạnh phúc ấy khiến những người dân Khau Sớ hân hoan, ngày khánh thành như một ngày hội, họ đã tề tựu ở trường từ sáng sớm để chờ đợi Lý Nhã Kỳ, người được xem như “cô tiên” với các em nhỏ vùng cao này.
Giản dị mặc bộ đồ quần tây đen, áo sơ mi trắng, Lý Nhã Kỳ xuất hiện trước sự ngạc nhiên của bà con bởi vẻ xinh đẹp, tinh khôi của cô giữa nắng mai vùng rừng núi. Bà con đón Lý Nhã Kỳ bằng nụ cười, ánh mắt xen lẫn những ngạc nhiên về sự xuất hiện của một “cô tiên” thực thụ, dù bẽn lẽn, ngại ngần nhưng một số bà con có điện thoại có thể chụp ảnh đã mạnh dạn xin chụp hình kỷ niệm với Lý Nhã Kỳ. Sự thân thiện, quan tâm của Lý Nhã Kỳ giúp bà con nhanh chóng thấy gần gũi, và liên tục tấm tắc về vẻ đẹp của “cô tiên”.
Bà con càng ngạc nhiên, yêu mến “cô tiên” hơn khi Lý Nhã Kỳ đã thử địu một em nhỏ đang nằm trên lưng mẹ bằng dây địu của bà con. Lạ người, em nhỏ khóc mếu khiến Cựu đại sứ du lịch không khỏi hoang mang, lo lắng nhưng cũng đã trổ tài đu đưa cho em nín dần, nín dần trong sự thích thú của bà con. Những nụ cười hạnh phúc đã không ngớt nở trên môi những người cán bộ, người dân và Lý Nhã Kỳ.
Trước giờ khai trương trường học mới, các em nhỏ vẫn học ở lớp học cũ. Lớp học tuy cũ kỹ, vách hở toang hoang với nền đất lạnh, nhưng được cô giáo và các em nhỏ dọn dẹp khá sạch sẽ, gọn gàng và xin xắn. Cả xã chỉ có hơn chục em nhỏ học mầm mon, vì lượng dân ở đây cũng rất thưa thớt, tuy nhiên, đó là cả nỗ lực lớn của cô giáo, các cán bộ và gia đình. Tham dự lớp học của các em, ngắm nhìn các em nhỏ học bài, rất ngoan ngoãn và chịu khó, nghe các em đọc những bài thơ thấm đẫm tình yêu thương gia đình, đất nước, Lý Nhã Kỳ thực sự hạnh phúc, cô tin rằng những gì cô đang làm sẽ góp phần giúp các em có một tương lai tốt hơn, khỏe mạnh hơn trong ngôi trường mới. Cô thực sự trân trọng khi biết, những đôi chân nhỏ xinh này để có thể đi học đã phải tự vượt chặng đường rất dài mỗi ngày trên những con đường sỏi đá, đường núi quanh co để đến lớp. Nhiều em được bà, được mẹ đưa đi học trên lưng, nhưng nhiều em phải tự đi bộ đi học một mình. Vùng giáp biên còn nhiều khó khăn nên bà con sinh sống ở đây cũng thưa thớt, cách 1-2 ngọn núi mới có một gia đình ở, các em đi lại khá vất vả.
Ngôi trường mới đẹp đẽ, đầy đủ cơ sở vật chất mà Lý Nhã Kỳ với vai trò Chủ tịch Quỹ hỗ trợ phát triển y tế và giáo dục Việt Nam đã xây dựng nằm ngay bên cạnh lớp học cũ. Trường mầm non Khau Sớ được xây dựng gồm có một lớp học to đẹp, với số kinh phí xây dựng hơn 300 triệu đồng, có đầy đủ đèn điện, quạt mát, mái lợp chống nóng, nền đá hoa giúp tránh mưa, chống nắng rất tốt, là niềm mơ ước của tất cả các gia đình bà con ở Khau Sớ. Chủ tịch Quỹ Lý Nhã Kỳ cũng quan tâm đặc biệt khi xây dựng nhà vệ sinh tự hoại hiện đại cho các em, sắm cả bồn chứa nước để các em sinh hoạt. Ở mảnh đất vùng biên này, nước vô cùng hiếm hoi, bà con phải đợi chờ từng ngày mưa, tích từng giọt nước, bồn chứa nước sẽ đảm bảo điều kiện sinh hoạt, vệ sinh cho các em mỗi ngày. Cô giáo Mã Thị Hiền, cô giáo của lớp mẫu giáo Khau Sớ hạnh phúc chia sẻ, cô tin rằng với lớp học mới, cô sẽ vận động được hết các gia đình cho con nhỏ đi học.
Sự chăm ngoan của các em nhỏ, nỗ lực của cán bộ xã, huyện và cô giáo trong việc vận động đưa các em nhỏ vùng biên tới trường học chính là động lực để Lý Nhã Kỳ tiến hành khảo sát thêm các địa điểm trường học khó khăn vùng cao để cùng hỗ trợ làm được thêm cho các em những ngôi trường mới đẹp đẽ, khang trang, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn. Trong các hoạt động vì cộng đồng, Lý Nhã Kỳ luôn dành những quan tâm đặc biệt của mình đến điều kiện học tập, đời sống của các em nhỏ, những mầm non của đất nước. Đem được niềm vui, tiếng cười đến cho các em, là niềm hạnh phúc và là động lực để thành công hơn trong cuộc sống của Lý Nhã Kỳ.
Photo: Dương Minh