Văn hóa - Du lịch

Lưu giữ giá trị ca trù trong bối cảnh hiện đại

VL- Nguyễn Tân 08/04/2025 10:50

Với biến thiên của lịch sử, từng có thời điểm ca trù đối mặt với nguy cơ mai một, bị quên lãng. Tuy nhiên, sau 16 năm kể từ khi được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể, loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc này đang hồi sinh mạnh mẽ, tạo nên những tín hiệu tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Từ cung vua đến đời thường

Ca trù được xuất hiện từ thời Lý, biên khảo do nhà nghiên cứu âm nhạc và văn học sử Đỗ Bằng Đoàn cùng Đỗ Trọng Huề, ca trù là một hình thức ca hát trong cung đình, được tầng lớp hoàng thân, quý tộc và giới nho sĩ ưa chuộng.

Sự phát triển của ca trù qua các thời kỳ diễn ra phức tạp và đa dạng về hình thức. Thời kỳ đầu, là ban nữ nhạc trong nội cung, mang tính chất của một loại hình nhã nhạc cung đình. Khi được sử dụng với mục đích giải trí cho giới quan lại, nho sĩ qua hình thức “hát chơi”, nó mang đậm tính chất nhạc thính phòng.

Đặc biệt, với hình thức “hát cửa đình” và trình diễn trước hương án các vị thành hoàng, ngoài sân đình trước đông đảo nhân dân, là nghệ thuật thính phòng mà yếu tố đại chúng, phản ánh tính linh hoạt và sức sống bền bỉ của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Đến thế kỷ XIX, ca trù phát triển rực rỡ, đạt đến trình độ hoàn thiện về cả âm luật. Giai đoạn này ghi dấu ấn với sự góp mặt của nhiều văn nhân tài tử như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến…

Họ sáng tác những bài hát mới có ý tứ sâu sắc mà lời lẽ trau chuốt, đạt đến mức tinh hoa ca từ. Nhờ đó, ca trù bước vào thời kỳ hoàng kim, dần lấn sang lĩnh vực văn học, trở thành một loại hình nghệ thuật dân gian kết hợp hài hòa giữa tính hàn lâm bác học và dân dã, hoạt động sôi nổi tại các phố thị, đặc biệt là chốn kinh kỳ.

Những năm đầu thế kỷ XX, xã hội thực dân phong kiến khiến cho nghệ thuật ca trù vốn có không gian sinh hoạt đặc biệt nay rơi vào khó khăn về nhiều mặt: Đội ngũ sáng tác, người biểu diễn và môi trường công chúng.

Ba yếu tố đó đã có tác động quyết định đến sự thay đổi về phương thức và mục đích hoạt động của ca trù. Điều đặc biệt ở chỗ số lượng ca quán, cô đầu và khách nghe hát không hề giảm sút nếu không muốn nói là đông đảo hơn nhưng tính chất đã không còn thuần nhất.

Giai đoạn 1945–1975, do ảnh hưởng của hai cuộc kháng chiến, ca trù gần như vắng bóng trong đời sống văn hóa nghệ thuật miền Bắc. Tuy nhiên, nó không hoàn toàn biến mất. Trong những mái nhà nhỏ, tiếng đàn nhịp phách vẫn thỉnh thoảng vang lên qua đôi tay của các nghệ nhân gắn bó cả đời với ca trù.

Họ âm thầm tụ họp, cùng nhau cất lên những giai điệu cổ truyền và cả những bài hát ngợi ca đất nước, anh hùng dân tộc, như một cách để giữ lửa cho nghề, cho ký ức nghệ thuật không bị lãng quên.

Linh hồn ca trù là ca nữ

Ca trù có lối hát phong phú và đa dạng. Bài hát chủ yếu là các tác phẩm thuộc những thể thơ văn tiêu biểu của người Việt nhưng phổ biến nhất vẫn là “hát nói”, một thể văn vần có tính cách tự do phóng khoáng, và có tính văn học cao.

Lời lẽ, ca từ của ca trù mang tính ít lời nhiều nghĩa, giàu chất thơ, mang nhiều cảm xúc, sâu lắng. Nội dung có đủ các thể loại từ trữ tình lãng mạn đến sử thi hùng ca, triết lí, giáo huấn…

Bởi vậy, trong nghệ thuật ca trù, từ soạn giả, ca nương, kép đàn cho đến người thưởng thức thường là bậc văn sĩ, trí thức, những người tài hoa về thơ văn, âm nhạc, mới có thể thẩm được cái du dương, luyến láy, da diết, xoắn xuýt lấy hơi thở của người ca nữ, hay thứ thanh âm trầm đục của đàn đáy và tiếng cắc tõm giòn tan của trống chầu.

Nữ hát chính phải là người có thanh sắc vẹn toàn, được đào tạo bài bản, công phu, vừa hát vừa gõ nhịp phách, kĩ thuật hát rất tinh tế, điêu luyện, nắn nót, trau chuốt từng câu, từng lời. Kế tiếp là nhạc công, thường gọi là kép đàn.

Người này chơi đàn đáy luyến láy, nhặt khoan, lúc thánh thót, lúc ngân nga rất hòa nhịp với giọng hát của ca nương. Một phần không thể thiếu khác đó là người nghe, được gọi là công chúng.

PGS.TS Đặng Hoành Loan, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cho biết: "Về trang phục, sẽ có tiến triển theo thời gian và không gian, như khi hát trong cung đình phải mặc phục trang của nữ nhạc như áo năm thân trong gấm ngoài the là loại áo sang trọng, ở vùng quê thì mặc áo yếm còn khi hát ở phố thị thì người ta bắt đầu mặc áo dài mới.

Thế tức là trang phục ca trù đi song hành, phù hợp với các không gian văn hoá của cuộc sống, không có những bắt buộc rằng phải thế này, rằng phải thế kia đấy là một trong những điều tạo nên sự tuyệt vời cho nghệ thuật ca trù"

398-202504081539081.png
PGS. TS Đặng Hoành Loan: Việc thực hành loại hình Ca trù thì không nên thay đổi vì đấy là di sản thế giới, mọi người đều phải có trách nhiệm bảo tồn , lưu giữ, truyền dạy, vì vậy cho thấy trách nhiệm của nhà nước và người dân trong việc bảo tồn di sản đấy là rất lớn. Ảnh: Nguyễn Tân

Các ca nương ngày nay khi hát thì trang phục lịch lãm, đoan trang. Quần lĩnh, áo đoạn hoa, khăn nhung, tóc đuôi gà, các đào nương chỉ nhìn thẳng, không đánh mắt đưa tình, cợt nhả với quan khách nghe hát.

Cũng không được tự tiện nhận tiền thưởng của khách. Họ chinh phục người nghe bằng âm thanh, nhả chữ buông lời, hút hồn khách bằng nghệ thuật thanh nhạc chứ quyết không thể hiện các kiểu hành động tầm thường dung tục.

Chuyển mình trong đời sống

Nếu trước đây, ca trù xa lạ với cộng đồng, bị nhiều người trẻ quay lưng hoặc ái ngại tham gia vì nó là nghệ thuật khó, bây giờ ngày càng nhiều người trẻ yêu mến, gắn bó. Bất kỳ Câu lạc bộ ca trù nào cũng có người trẻ tham gia nhưng cũng có những thách thức khi.

Lượng khán giả quan tâm, yêu thích hát ca trù tuy có tăng lên, song hát ca trù vẫn tiếp tục phải chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc hiện đại, văn hóa du nhập từ nước ngoài. Bên cạnh đó, đặc thù nghệ thuật này quá uyên thâm, bác học nên số người hiểu, người nghe và người thích như đối với một số loại hình nghệ thuật biểu diễn khác là rất khiêm tốn.

Vượt qua những trở ngại đó, tùy vào điều kiện và khả năng của các địa phương, các giáo phường, câu lạc bộ đều chung tay cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội góp phần bảo tồn hát ca trù với những biện pháp bảo vệ khác nhau.

Đến với một trong những không gian sinh hoạt cũng như truyền dạy ca trù đối với lớp trẻ. Nhà hát ca trù Bích Câu theo thời gian vẫn gắn bó mật thiết với việc giữ gìn nét đẹp văn hoá truyền thống. Vào thời điểm mỗi cuối tuần tiếng hát lại cất lên tại Bích Câu Đạo Quán trong lớp giảng dạy ca trù miễn phí được mở ra nhằm nuôi dưỡng những thế hệ non trẻ cho nghệ thuật âm nhạc truyền thống.

398-202504081539082.png
Không gian sinh hoạt diễn xướng tại Bích Câu Đạo Quán. Ảnh: Nguyễn Tân

Nghệ nhân ưu tú Vân Mai, Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Bích Câu kể lại: "khi đã được công nhận là Nghệ nhân ưu tú, thì tôi có mở lớp dạy miễn phí cho các bạn từ năm 2008 đến nay, số lượng các bạn trẻ tham gia nhiều nhưng lại giảm dần theo thời gian. Mục đích ban đầu của các em là học cho biết, nhưng sau đó hầu hết đều kêu khó, rồi bỏ cuộc. Tôi nghĩ, đó là vì các em chưa thực sự yêu thích loại hình nghệ thuật này chứ nếu thật sự đam mê thì sẽ thành công. Lớp học của tôi đã đào tạo được 2 ca nương là Trần Chinh và Minh Hằng đã đạt được thành công với loại hình nghệ thuật ca trù”.

398-202504081539083.png
Nghệ nhân Vân Mai giới thiệu với du khách nước ngoài về lối hát ca trù. Ảnh: Nguyễn Tân

Loại hình nghệ thuật được nhân rộng như vậy việc phát hiện được các nhân tố trẻ đã khó, việc nuôi dưỡng được nhân tố này cũng có nhiều thách thức, ca trù cần nhiều yếu tố, muốn học phải rất công phu và nhiều thời gian. Để đào tạo được một ca nương, kép đàn phải mất 5 - 7 năm.

“Khó khăn nhất là kỹ thuật hát. Trong tất cả các loại hình âm nhạc dân tộc, kỹ thuật hát của ca trù là khó nhất, bởi nó đòi hỏi phải ém hơi, nhả chữ. Ém một hơi nhả ra một chữ sẽ tạo thành hột, đây là điểm cốt lõi làm nên hồn cốt của loại hình nghệ thuật này.

Ca trù không chỉ đơn thuần là hát, mà còn phải nảy hột. Nảy hột phải có kỹ thuật, chịu khó rèn luyện mới có được hơi chắc. Hột trong ngôn ngữ của các loại hình nghệ thuật khác gọi là luyến. Song, ca trù lại không luyến theo kiểu mượt mà như hát chèo, nó có một nét rất riêng” Nghệ nhân ưu tú Vân Mai chia sẻ

Đến nay, nhờ sự phát triển của các phương tiện truyền thông, nghe nhìn, người ta cũng dễ dàng tiếp cận hơn bằng cách tự học qua băng đĩa của các nghệ nhân đi trước. Đó cũng là cách để rút ngắn thời gian học. Nhưng để có những người thực sự xuất sắc đòi hỏi cả một quá trình khổ luyện trong nhiều năm.

398-202504081539094.jpg
Diễn xướng ca trù tại một hội quán ở Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Tân

"Cuộc sống là muôn vàn các sáng tạo đã cho chúng ta những di sản nghệ thuật, từ đấy chúng ta có thể sáng tạo ra nhiều cách thức biểu diễn, nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau dựa trên cơ sở của nghệ thuật truyền thống.

Cần con người hiện đại có trách nhiệm bảo tồn, vừa lưu giữ, phát huy và vừa phát triển. đấy là cách tốt nhất mà chúng ta không bị hạn chế, không bị hạn hẹp trong tư duy của mỗi con người và chúng ta hãy chấp nhận với nhau rằng, dòng chảy của cuộc đời nó giống như một dòng sông không bao giờ dừng lại.

Thế nên nghệ thuật cổ truyền nằm trong đời hiện đại nó cũng sẽ chuyển đổi theo đời sống, điều đấy là điều tất yếu và chúng ta hãy đón chờ nghệ thuật ca trù 100 năm sau có gì thay đổi" PGS.TS Đặng Hoành Loan khẳng định.

Với di sản ca trù, Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác gìn giữ và phát huy giá trị di sản quý báu này, đặc biệt chú trọng đến việc truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bên cạnh sự hỗ trợ của thành phố, nhiều địa phương có câu lạc bộ ca trù đã chủ động bố trí địa điểm, chuẩn bị trang phục và hỗ trợ kinh phí để tổ chức các lớp dạy hát cho thanh thiếu niên.

Để thế hệ trẻ có thể gắn bó lâu dài với ca trù, ngoài sự đam mê và nhiệt huyết từ chính các em, còn cần đến sự đồng hành, khích lệ từ chính quyền địa phương cũng như từ các cá nhân và tổ chức yêu mến, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lưu giữ giá trị ca trù trong bối cảnh hiện đại