Lương và phạt hành chính: Bài toán khó cho nhà giáo

Ngô Chuyên| 08/10/2018 18:57
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nghề giáo là nghề vinh quang nhưng với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng như hiện tại mà lại cộng thêm tiền phạt hành chính thì sẽ khiến cho những người “gieo con chữ” khó “toàn tâm toàn ý”.

Bộ nên nhìn nhận một cách khách quan

Trong Điều 29 của Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục có đưa ra các mức: 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục; 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.

Lương và phạt hành chính: Bài toán khó cho nhà giáo

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.

Về vấn đề này, thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn Hà Nội chia sẻ: “Khi xử phạt ai sẽ là người bỏ tiền? Với gia đình rất nghèo, nếu con bị phạt 10-20 triệu đồng thì cha mẹ có tiền để bỏ ra hay không? Nếu xảy ra cãi vã,  bố mẹ trách vì con mà bố mẹ phải bỏ ra mấy chục triệu, như vậy hình ảnh thầy cô trong mắt học sinh sẽ ra sao, sự bao dung sự yêu thương của thầy cô sẽ thế nào?

“Nói chung 2 điều này nên được đưa ra khỏi Dự thảo, còn các điều khác thì tôi ủng hộ, thậm chí liên quan đến dạy thêm học thêm. Chúng ta đã quy định về việc dạy thêm học thêm rồi nhưng vẫn chưa hiệu quả. Nếu mức xử phạt hành chính này được áp dụng sẽ tăng tính răn đe nhiều hơn”, thầy Bình nhấn mạnh.

“Việc dạy thêm học thêm thì chỉ có một số ít thầy cô không tuân thủ quy định. Những quy định này không phải để ngăn chặn thầy cô dạy thêm học thêm mà mục đích chính là giúp các thầy cô làm đúng quy định để không bị xử phạt hành chính”, thầy Bình nhấn mạnh.

Còn điều 32 trong Dự thảo cho biết: 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học; 2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học. Thầy Bình tâm tư: "Tôi cảm thấy hơi buồn, vì nhà giáo khi đứng trên bục giảng thì rất trọng danh dự và hiện nay nhà giáo vẫn đang thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo, Luật viên chức, công chức cũng đang điều chỉnh hành vi đó. Nhưng trong Nghị định này có phạt tiền đối với nhà giáo khi xúc phạm danh dự, hay thân thể người học. Tôi nghĩ là không nên đưa vào vì lương của nhà giáo đang khá thấp, chỉ từ 4-5 triệu đồng/ tháng, chi phi cho bản thân và gia đình đã hết sức khó khăn. Đặc biệt những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn thì giáo viên còn chịu rất nhiều thiệt thòi, thế mà thêm xử phạt này thì tôi thấy không phù hợp".

"Nếu dùng đồng tiền để xử phạt những hành vi như thế trên thì không nên, hành vi đạo đức cần quy định trong những quy định khác, những chế tài khác. Mà những quy định này đã có trong những quy định của ngành, viên chức nhà nước làm công tác giáo dục rồi tôi nghĩ là không cần thiết để đưa vào đây", thầy Bình bày tỏ.

Lương và phạt hành chính: Bài toán khó cho nhà giáo

Các thầy cô giáo theo đuổi nghề giáo bởi sự yêu nghề. Ảnh Ngô Chuyên.

“Trong quan hệ giữa thầy và trò xưa nay là quan hệ tôn kính và uy nghiêm, dù thế nào mối quan hệ đó có những khía cạnh đạo đức và văn hóa. Nếu dùng tiền để xử lý thì không phù hợp”, thầy Bình chia sẻ.

Thầy cô đứng ở bục giảng chịu rất nhiều áp lực

Thầy Bình tâm sự, thời nào cũng thế người thầy người cô theo đuổi nghề giáo bởi sự yêu nghề, có thể trước chưa chọn nghề nhưng trong cuộc sống thì đứng trước học sinh của mình hầu hết thầy cô đều muốn dạy bảo các em kiến thức, đạo đức, cách ứng xử trong cuộc sống.

Học sinh trong quá trình phát triển, hình thành nhân cách, mỗi con người đều có đặc điểm khác nhau, tâm lý khác nhau. Có em hư, có em ngoan, có những em thầy cô phải dùng những điều trong nội quy nhà trường để điều chỉnh hành vi các em trên cơ sở tình thương yêu.

Thầy cô phải chịu rất nhiều áp lực bài vở, kiểm tra, áp lực từ cấp trên nhà trường, phòng, sở, bộ rồi áp lực phụ huynh, xã hội, những áp lực đó làm thầy cô cảm thấy bức bối. “Nếu chúng ta lại thêm những điều để xử lý hành vi sai phạm thầy cô thì áp lực đó càng lớn, từ đó sẽ làm thầy cô mất đi tâm huyết, mất đi tình yêu nghề, mất đi cảm hứng nghề nghiệp. Như vậy, thầy cô sẽ co mình lại, chỉ làm tròn bổn phận, thôi kệ muốn làm gì thì làm. Tôi nghĩ, đối với ngành giáo dục, đặc biệt giáo dục con người thì phải có những cách ứng xử văn minh, tế nhị, đúng môi trường giáo dục”, thầy Bình nhấn mạnh.

"Trong giai đoạn hiện nay, thầy cô chịu rất nhiều áp lực, áp lực từ đồng lương giáo viên nhỏ nhoi cơm áo gạo tiền, danh dự nhân phẩm và cuộc sống. Các mối quan hệ làm cho thầy cô băn khoăn. Tôi mong rằng xã hội nên nhìn nhận nghề giáo viên, công tác giáo dục có cái nhìn thiện cảm, bao dung hơn”, thầy Bình chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lương và phạt hành chính: Bài toán khó cho nhà giáo