Chuyển động

Lượng khí thải metan toàn cầu gần mức cao kỷ lục vào năm 2024

Hồng Anh 07/05/2025 - 18:28

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vừa cho biết, sản lượng nhiên liệu hóa thạch kỷ lục đã khiến lượng khí thải metan - một trong những nguyên nhân khiến trái đất nóng lên - ở mức cao lịch sử vào năm ngoái, đồng thời cảnh báo về sự gia tăng rò rỉ lớn từ các cơ sở dầu khí.

Việc cắt giảm lượng khí thải metan - nguyên nhân chỉ đứng sau carbon dioxide khiến trái đất nóng lên - là điều cần thiết để đáp ứng các mục tiêu quốc tế về biến đổi khí hậu và là một trong những cách nhanh nhất để kiềm chế sự gia tăng nhiệt độ trái đất.

Tuy nhiên, IEA cảnh báo, các quốc gia đang đánh giá thấp tình trạng ô nhiễm khí metan trong lĩnh vực năng lượng của họ. IEA ước tính lượng khí thải cao hơn khoảng 80% so với tổng lượng khí thải mà các chính phủ báo cáo cho Liên hợp quốc.

ro-ri-khi-metan.jpeg
Việc rò rỉ khí metan diễn ra chủ yếu trong quá trình sản xuất năng lượng, cơ sở hạ tầng như đường ống dẫn khí đốt. (Ảnh: AFP)

Ngành năng lượng chịu trách nhiệm cho khoảng một phần ba lượng khí metan do các hoạt động của con người thải ra. Đó là metan rò rỉ từ đường ống dẫn khí đốt và cơ sở hạ tầng năng lượng khác. Ngoài ra, cũng có một lượng lớn khí metan được xả ra trong quá trình bảo trì thiết bị.

Giải quyết vấn đề này được coi là một trong những cách dễ nhất để giảm lượng khí thải vì việc bịt những lỗ hổng rò rỉ thường có thể được thực hiện với rất ít chi phí. "Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất cho thấy việc giảm phát thải khí metan không đạt được tham vọng đã đặt ra", Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho biết.

Báo cáo Global Methane Tracker của IEA cho biết, hơn 120 triệu tấn metan đã được thải ra từ lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch vào năm 2024, gần mức cao kỷ lục vào năm 2019.

Với hơn 25 vệ tinh theo dõi các cột khí từ các cơ sở nhiên liệu hóa thạch và các nguồn khác, việc theo dõi lượng khí thải metan toàn cầu từ không gian đang ngày càng trở nên dễ dàng hơn.

IEA cho biết, vệ tinh Sentinel 5 của châu Âu đã phát hiện ra lượng khí metan phát thải từ các cơ sở dầu khí đã tăng lên mức cao kỷ lục vào năm 2024. Những vụ rò rỉ lớn này đã được quan sát thấy trên khắp thế giới.

Các giếng dầu khí bị bỏ hoang và các mỏ than là những nguồn rò rỉ đáng kể khí metan vào khí quyển, IEA cho biết.

Khoảng 40% lượng khí thải metan đến từ các nguồn tự nhiên, chủ yếu là vùng đất ngập nước. Phần còn lại là từ các hoạt động của con người, đặc biệt là nông nghiệp và lĩnh vực năng lượng.

Vì lượng thải ra rất lớn nhưng có thời gian tồn tại tương đối ngắn, khí metan là mục tiêu chính mà các quốc gia muốn cắt giảm lượng khí thải nhanh chóng. Hơn 150 quốc gia đã cam kết sẽ giảm 30% phát thải khí metan vào năm 2030.

Trong khi đó, các công ty dầu khí đã cam kết cắt giảm lượng khí thải metan vào năm 2050.

IEA ước tính rằng việc cắt giảm khí metan do ngành nhiên liệu hóa thạch thải ra sẽ làm chậm đáng kể sự nóng lên toàn cầu, ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu khoảng 0,1 độ C vào năm 2050.

"Điều này sẽ có tác động to lớn. Nó có thể so sánh với việc loại bỏ tất cả lượng khí thải CO2 từ ngành công nghiệp nặng trên thế giới chỉ trong một lần", báo cáo cho biết.

Khoảng 70% lượng khí thải metan hàng năm từ lĩnh vực năng lượng có thể tránh được bằng các công nghệ hiện có. Nhưng chỉ có 5% dầu và khí đốt toàn cầu đáp ứng các tiêu chuẩn phát thải "gần bằng không", IEA cho biết.

Tổ chức tư vấn năng lượng Ember cho biết ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch cần giảm 75% lượng khí thải metan vào năm 2030 nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải tổng thể xuống mức 0 vào giữa thế kỷ này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lượng khí thải metan toàn cầu gần mức cao kỷ lục vào năm 2024