Nhiều chuyên gia nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học Thận nhân tạo ngày 31/10, dù ở bất kỳ bệnh viện nào, tuyến Trung ương hay tỉnh, huyện, tai biến trong chạy thận luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra.
Theo PGS.TS Nguyễn Nguyên Khôi - Nguyên Trưởng khoa Thận nhân tạo (Bệnh viện Bạch Mai) - chuyên gia đầu ngành về thận nhân tạo, hiện cả nước có trên 5.200 máy chạy thận nhân tạo song mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu lọc thận nhân tạo với trên 35.000 bệnh nhân.
Giá chạy thận nhân tạo ở Việt Nam thuộc diện thấp nhất thế giới (khoảng 30 USD/lần so với thế giới là 70-300 USD/lần), trong khi chi phí việc đầu tư cho hệ thống lọc thận rất tốn kém. Dù vậy, với mục tiêu an toàn cho người bệnh, các cơ sở y tế đều đang cố gắng để nâng chất lượng lọc thận nhân tạo.
Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp
Chia sẻ về các biến chứng liên quan đến xử lý nước và dịch lọc thận nhân tạo, TS.BS Nguyễn Hữu Dũng -Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, tai biến trong chạy thận luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra, dù ở bất cứ bệnh viện nào.
Đặc biệt trong lọc máu, bên cạnh những biến chứng lâm sàng cần xử lý cấp cứu thì còn một số biến chứng liên quan đến xử lý nước RO và dịch lọc không thấy ngay được mà có thể gây biến chứng lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng sống của bệnh nhân.
Theo TS Dũng, trung bình 15-20% mẫu nước và dịch lọc trong chạy thận nhân tạo bị nhiễm khuẩn nặng. Nguyên nhân chủ yếu do chưa tuân thủ đúng các quy trình sát trùng hệ thống xử lý nước, máy thận và hệ thống ống phân phối nước. Vi khuẩn phát triển trong dịch lọc máu chủ yếu thuốc nhóm gram âm, đôi khi có thể tìm thấy nấm.
“Nước có vai trò quan trọng trong quá trình dọc máu. Mỗi lần lọc thận trong khoảng 4 giờ, máu bệnh nhân phải tiếp xúc với khoảng 120 lít nước dịch lọc, trong khi người bình thường mỗi ngày máu chỉ tiếp xúc với 2 lít nước (ít hơn 60 lần). Nếu nước bị ô nhiễm, nhiễm khuẩn, nhiễm hóa chất thì sẽ khiến bệnh nhân gặp các phản ứng sốc, rét run, tụt huyết áp, buồn nôn, đau cơ... nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Nếu thường xuyên lọc máu bằng nước nhiễm khuẩn, bệnh nhân có thể bị suy giảm miễn dịch, xơ vữa mạch máu”, TS Dũng phân tích.
Thời gian qua đã xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khiến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong và sự cố chạy thận nhân tạo xảy ra ở Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh Nghệ An khiến nhiều người phải cấp cứu cũng được xác định do nguồn nước chạy thận không bảo đảm.
Do đó, để đảm bảo an toàn trong lọc thận nhân tạo, các bệnh viện cần phải có người chuyên trách về hệ thống xử lý nước và người này cần được đào tạo liên tục. Cùng đó, định kỳ thử test nước và dịch lọc tại các vị trí quy định, định kỳ khử khuẩn hệ thống ống dẫn nước, ghi chép đầy đủ vào sổ nhật ký nước...