Điều 23 Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về thiệt hại do tài sản bị xâm phạm theo hướng: Bổ sung quy định về thời điểm để xác định hiện trạng tài sản làm căn cứ tính toán mức bồi thường là thời điểm thiệt hại xảy ra.
Ảnh minh họa
Quy định về “Thời điểm để xác định hiện trạng tài sản” là quy định được Luật bổ sung trên cơ sở “luật hóa” từ các quy định của một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN năm 2009.
Quy định cụ thể hơn việc xác định thiệt hại phát sinh do việc không sử dụng, khai thác tài sản thì thiệt hại được xác định là thu nhập thực tế bị mất. Theo đó, đối với những tài sản trên thị trường có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định phù hợp với mức giá thuê trung bình 1 tháng của tài sản cùng loại hoặc tài sản có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng, tác dụng và chất lượng tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 Luật TNBTCNN năm 2017.
Đối với những tài những tài sản trên thị trường không có cho thuê, thu nhập thực tế bị mất được xác định trên cơ sở thu nhập trung bình của 3 tháng liền kề do tài sản bị thiệt hại mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm thiệt hại xảy ra.
Luật TNBTCNN năm 2017 bổ sung quy định về thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế. Theo đó, trường hợp người bị thiệt hại không thể thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế đã có hiệu lực và đã phải thanh toán tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế đó thì thiệt hại được xác định là số tiền phạt theo mức phạt đã thỏa thuận và khoản lãi của khoản tiền phạt đó. Trường hợp khoản tiền phạt đó là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính là khoản lãi vay hợp pháp theo quy định của BLDS. Trường hợp khoản tiền phạt đó không phải là khoản vay có lãi thì khoản lãi được tính theo lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của BLDS tại thời điểm quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật TNBTCNN năm 2017. Đây quy định mới được Luật bổ sung nhằm bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại mà nhất là đối với doanh nghiệp.
Luật TNBTCNN năm 2017 sửa đổi, bổ sung quy định về tính mức lãi suất cho phù hợp với quy định của BLDS đối với căn cứ tính thiệt hại là khoản lãi của khoản tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các khoản tiền bị tịch thu, thi hành án, khoản tiền đã đặt để bảo đảm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp khoản tiền đó không phải là khoản vay có lãi (khoản 4 Điều 23) và khoản lãi của khoản tiền phạt do vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự, kinh tế trong trường hợp khoản tiền phạt đó không phải là khoản vay có lãi (khoản 5 Điều 23). Theo đó, căn cứ tính lãi từ “lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm giải quyết bồi thường” thành “lãi suất phát sinh do chậm trả tiền trong trường hợp không có thỏa thuận theo quy định của BLDS”.
Luật TNBTNN 2017 quy định bổ sung thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết là phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết để cho tương thích với quy định về các thiệt hại Nhà nước không bồi thường (Điều 32 Luật TNBTCNN năm 2017) nhằm tránh việc hiểu nhầm rằng Nhà nước không bồi thường trong mọi trường hợp thiệt hại xảy ra do tình thế cấp thiết.
Về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút:
So với Điều 46 của Luật TNBTCNN năm 2009, Điều 24 Luật TNBTCNN năm 2017 đã kế thừa có chọn lọc các quy định hiện hành về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, “luật hóa” nhiều quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật TNBTCNN năm 2009. Trên cơ sở đó đã sửa đổi toàn diện quy định về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút theo hướng phân loại trường hợp tính thu nhập thực tế của người bị thiệt hại là cá nhân và người bị thiệt hại là tổ chức.
So với Luật TNBTCNN năm 2009, Điều 25 và Điều 26 Luật TNBTCNN năm 2017 đã kế thừa có chọn lọc các quy định hiện hành về thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết và thiệt hại về vật chất do sức khỏe bị xâm phạm, “luật hóa” nhiều quy định tại các văn bản hướng dẫn thi hành Luật năm 2009 trong các lĩnh vực cụ thể, đến nay đã thi hành ổn định và không có vướng mắc trên thực tế. Đồng thời, Luật TNBTCNN năm 2017 cũng quy định và lượng hóa một số loại thiệt hại cụ thể trong hai nhóm thiệt hại nêu trên với mức định lượng cụ thể để tạo thuận lợi hơn cho cơ quan giải quyết bồi thường trong quá trình xác minh thiệt hại và giải quyết yêu cầu bồi thường.
Cụ thể, Luật TNBTCNN năm 2017 đã lượng hóa mức bồi thường đối với 2 loại thiệt hại này trong các trường hợp là “lương tối thiểu vùng” thay vì “lương tối thiểu” trước đây để thống nhất và phù hợp với quy định về thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút (Điều 24).
So với Điều 48 Luật TNBTCNN năm 2009, thiệt hại về vật chất do người bị thiệt hại chết tại Điều 25 Luật TNBTCNN năm 2017 đã quy định cụ thể hơn thiệt hại là chi phí cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian khám bệnh, chữa bệnh trước khi chết được xác định là 01 ngày lương tối thiểu vùng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho 01 ngày chăm sóc người bị thiệt hại.
Ngoài ra, Điều 26 Luật TNBTCNN năm 2017 đã bỏ quy định dẫn chiếu bồi thường thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút so với Điều 49 Luật TNBTCNN năm 2009.
Điều 27 Luật TNBTCNN năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung toàn diện quy định về thiệt hại về tinh thần theo hướng: Bổ sung một số thiệt hại về tinh thần đối với: trường hợp áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn (khoản 1 Điều 27); trường hợp công chức bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật (khoản 6 Điều 27) và trường hợp giữ người trong trường hợp khẩn cấp (điểm a khoản 3 Điều 27) để phù hợp với việc quy định bổ sung các trường hợp này vào phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính tại điểm a khoản 5 Điều 17 là “áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn”; khoản 14 Điều 17 là “Ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật đối với công chức từ Tổng Cục trưởng và tương đương trở xuống” và trong hoạt động tố tụng hình sự tại khoản 1 Điều 18 là “Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.
Luật TNBTCNN 2017 quy định nâng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với các trường hợp bị áp dụng biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính, bị đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (khoản 2 Điều 27) và bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự (khoản 3 Điều 27) cao hơn so với trước đây; tăng mức bồi thường đối với trường hợp thiệt hại về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm (khoản 5 Điều 27) từ 30 tháng lương cơ sở lên thành 50 tháng lương cơ sở (khoản 5 Điều 27).