Nhằm luật hóa các nguồn chứng cứ đã có trên thực tiễn hiện nay, bảo đảm việc giải quyết vụ án kịp thời, Luật TTHC 2015 quy định bổ sung một số nguồn chứng cứ, các biện pháp thu thập chứng cứ, thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ…
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự
Theo Luật TTHC 2010, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự nhờ và được Toà án chấp nhận tham gia tố tụng. Họ phải được Tòa án cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Để bảo đảm thực hiện nguyên tắc “bảo đảm tranh tụng trong xét xử”, Luật TTHC 2015 quy định: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người được đương sự yêu cầu và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời, Luật quy định cụ thể thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự tại các khoản 4, 5 Điều 61.
Như vậy, thay vì cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, Tòa án phải xác nhận vào Giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có xác nhận của Tòa án là giấy tờ chứng minh tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong một vụ án cụ thể.
Về người phiên dịch, Luật TTHC 2010 không quy định về người phiên dịch của người khuyết tật. Luật TTHC 2015 bổ sung quy định người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc người biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, người khuyết tật nói được coi là người phiên dịch. Quy định này phù hợp với quy định của Luật Người khuyết tật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Về kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính, Luật TTHC 2010 không quy định việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính trong trường hợp sáp nhập, chia, tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính.
Một phiên tòa hành chính
Để giải quyết vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, Luật TTHC 2015 bổ sung quy định mới về trường hợp sáp nhập, chia, tách, giải thể, điều chỉnh địa giới hành chính trong một đơn vị hành chính mà đối tượng của quyết định hành chính có sự thay đổi thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ra quyết định hành chính có trách nhiệm tham gia tố tụng với tư cách là người bị kiện tại Tòa án nơi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyết định hành chính bị kiện. Cơ quan tiếp nhận đối tượng của quyết định hành chính bị kiện phải tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Luật TTHC 2010 chỉ quy định trách nhiệm bồi thường của Tòa án khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng với yêu cầu của đương sự mà gây thiệt hại; không quy định căn cứ thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Luật TTHC 2015 quy định bổ sung Tòa án có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật hoặc không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà không có lý do chính đáng, gây thiệt hại cho người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Điều 72). Đồng thời, bổ sung quy định mới về căn cứ thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời tại Khoản 2 Điều 74.
Quy định này nhằm bảo đảm phù hợp với Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Nâng cao trách nhiệm của TAND trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tránh việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời một cách tùy tiện, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.
Về chứng cứ, chứng minh
Về nguồn chứng cứ, Luật TTHC 2010 quy định nguồn chứng cứ gồm: các tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được; vật chứng; lời khai của đương sự; lời khai của người làm chứng; kết luận giám định; biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ; kết quả định giá, thẩm định giá tài sản.
Luật TTHC 2015 bổ sung các nguồn chứng cứ mới là: dữ liệu điện tử; văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực.
Quy định này nhằm luật hóa các nguồn chứng cứ đã có trên thực tiễn hiện nay; Bảo đảm đồng bộ với các luật khác (BLTTHS, BLTTDS, Luật Giao dịch điện tử…).
Về xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ, Luật TTHC 2010 chỉ quy định quyền, trách nhiệm xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án, Viện kiểm sát; Tòa án có thể tự mình xác minh, thu thập chứng cứ khi đương sự có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết; không quy định rõ việc thu thập chứng cứ trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.
Luật TTHC 2015 quy định bổ sung các biện pháp thu thập chứng cứ do đương sự tự mình thực hiện, phân biệt với các biện pháp thu thập chứng cứ do Tòa án tiến hành, cụ thể là đương sự tự mình thu thập chứng cứ bằng các biện pháp sau: Thu thập tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, thông điệp dữ liệu điện tử; Thu thập vật chứng; Xác định người làm chứng và lấy xác nhận của người làm chứng; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cho sao chép hoặc cung cấp những tài liệu có liên quan đến việc giải quyết vụ án mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang lưu giữ, quản lý; Yêu cầu UBND cấp xã chứng thực chữ ký của người làm chứng; Yêu cầu Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ nếu đương sự không thể thu thập tài liệu, chứng cứ; Yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định, định giá tài sản; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật.
Luật TTHC 2015 quy định rõ Tòa án chỉ được tiến hành thu thập chứng cứ trong các trường hợp do luật định; Bổ sung quy định: trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm, có thể tiến hành 2 biện pháp thu thập chứng cứ là: Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng; Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Quy định này bảo đảm thực hiện nguyên tắc về cung cấp tài liệu, chứng cứ (Điều 9); Tránh tình trạng Tòa án tự mình thu thập chứng cứ không đúng thẩm quyền, ảnh hưởng đến tính khách quan trong việc xác định sự thật của vụ án.
Về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ khi có yêu cầu cung cấp của Tòa án, Viện kiểm sát (các Điều 10, 93): Luật TTHC 2010 chưa quy định rõ việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp được đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát khi đã hết thời hạn luật định (15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu).
Luật TTHC 2015 quy định rõ trường hợp hết thời hạn mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện yêu cầu của Tòa án, Viện kiểm sát mà không có lý do chính đáng có thể bị xử lý theo Điều 318 của Luật TTHC và quy định khác của pháp luật có liên quan. Việc xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không phải là lý do miễn nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát.
Quy định này nhằm bảo đảm có chế tài xử lý, đảm bảo tính khả thi đổi với quy định về quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang quản lý, lưu giữ cung cấp tài liệu, chứng cứ và bảo đảm việc giải quyết vụ án kịp thời.
Về thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ, Luật TTHC 2010 không quy định cụ thể thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ. Luật TTHC 2015 bổ sung quy định cụ thể về thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ. Theo đó thời gian giao nộp tài liệu, chứng cứ không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Đối với trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, đương sự mới giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp trước đó thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự phải giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm (Điều 133).
Quy định này nhằm bảo đảm quyền tiếp cận, trao đổi tài liệu, chứng cứ của các bên để thực hiện tốt việc tranh tụng; Tránh kéo dài thời gian giải quyết vụ án do việc xuất trình chứng cứ muộn.