Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC: Luật sư bắt buộc phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa

Mai Thoa| 07/03/2020 07:24
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra việc chủ tọa phiên tòa buộc phải mời Luật sư (LS) ra khỏi phòng xử án. Sau những sự cố xảy ra, hầu hết những “người trong cuộc” đều cho rằng mình đã tuân thủ đúng quy định pháp luật và khó tìm được quan điểm chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, mỗi vụ án diễn ra ở những góc độ khác nhau, nhưng trọng tâm xuyên suốt luôn phải tuân theo quy định của pháp luật, đó là: “Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”. Có như vậy mới đảm bảo sự tôn nghiêm, đảm bảo để Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý.

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC (Giảng viên của Học viện Tư pháp, Học viện Tòa án) là người có  nhiều kinh nghiệm thực tế và giảng dạy về lĩnh vực nêu trên.

Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh thẩm quyền của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa và sự chấp hành của LS tham gia tố tụng.

PV: Ông có quan điểm như thế nào về việc chủ tọa phiên tòa mời LS rời khỏi phòng xử từ những vụ việc như vừa qua?

Luật sư Phạm Công Hùng: Tôi cho rằng, trước hết để đảm bảo tính uy nghiêm của phiên tòa và quy định của pháp luật, HĐXX và người tham gia tố tụng phải tuyệt đối tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa; điều đó thể hiện sự tôn nghiêm của Tòa án. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là người nhân danh Nhà nước để xem xét và đưa ra các phán quyết với các vấn đề liên quan đến hình sự, dân sự và hành chính (liên quan đến con người, tài sản...).

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC: Luật sư bắt buộc phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa

Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC

Vậy nên, cũng giống như bất kỳ người tham gia tố tụng nào khác, LS cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Khi chủ tọa phiên tòa xét thấy cần phải ra quyết định buộc LS rời khỏi phòng xử án thì trước tiên LS phải chấp hành ngay với thái độ đúng mực. Sau đó, LS sẽ thực hiện quyền của mình để kiến nghị lên Tòa án. Vì tại thời điểm đó, quyết định của chủ tọa sẽ có hiệu lực pháp luật ngay.

Tôi cho rằng, chúng ta cũng không cần phải bàn nên hay không nên đưa ra quyết định đó bởi pháp luật đã quy định và trao quyền cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Chủ tọa phiên tòa khi quyết định buộc LS rời khỏi phòng xử án cũng cần phải xem xét thấu đáo, bởi quyết định đó đồng nghĩa với việc quyền được bào chữa của bị cáo (hoặc một khách hàng nào đó) bị ảnh hưởng. Nên khi nào thấy thực sự cần thiết và buộc  phải thực hiện thì mới nên làm.

Bên cạnh đó, khi chủ tọa phiên tòa mới tuyên bố là buộc LS rời  khỏi phòng xử án thì hãy để cho LS tự rời đi. Nếu họ không tự nguyện chấp hành mới yêu cầu lực lượng hỗ trợ tư pháp cưỡng chế. Thẩm quyền của chủ tọa phiên tòa chỉ giới hạn cho đến khi LS rời khỏi phòng xử án. 

Tôi cũng muốn nhấn mạnh thêm rằng, LS tham gia phiên tòa phải ý thức được rằng, khi chủ tọa phiên tòa quyết định thì phải chấp hành ngay, để đảm bảo sự tôn nghiêm của Tòa án, tính nghiêm minh của pháp luật, không làm mất thời gian của phiên tòa. Việc khiếu nại/kiến nghị là quyền của LS nhưng phải thực hiện sau đó.

PV: Từng là Thẩm phán chủ tọa nhiều phiên tòa và tham gia giảng dạy nhiều nơi, ông chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này  như thế nào?

LS Phạm Công Hùng: Là người từng giảng về kỹ năng xử lý tình huống tại phiên tòa cho các Thẩm phán tôi thấy rằng, thực tế có nhiều trường hợp LS trình bày những vấn đề xung quanh mà không đi vào trọng tâm vụ án với mong muốn để HĐXX hiểu rõ hơn hoàn cảnh dẫn đến hoặc bản chất sự việc… và chấp nhận.

Thẩm phán thay vì ngắt lời LS (tình huống này dễ gây bức xúc cho LS dẫn đến việc xung đột và chủ tọa phải mời ra khỏi phòng xử) cũng cần phải học hỏi những kỹ năng xử lý tình huống mềm dẻo, linh hoạt. Chủ tọa phiên tòa cần giải thích để LS hiểu rằng những vấn đề mình trình bày hay nhấn mạnh đã được HĐXX hiểu và xem xét, dành thời gian đi vào trọng tâm vấn đề.... Như vậy sẽ không tạo nên sự xung đột, ngắt lời gây phản ứng cho LS hoặc phải dùng đến biện pháp cưỡng chế.

Khi mọi việc được giải quyết mềm mại, phiên tòa sẽ nhân văn, văn minh hơn. Đây cũng là cách mà tôi áp dụng trong suốt nhiều năm làm công tác xét xử nên chưa bao giờ phải mời LS ra khỏi phiên tòa cả. Vì khi thực hiện điều đó phải cân nhắc đến quyền được bào chữa của bị cáo, cũng như quyền bảo vệ khách hàng tại phiên tòa của LS. Thông thường, tôi  không để sự việc bị xung đột đến mức phải mời LS ra khỏi phòng xử.

PV: Vậy theo ông, những quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực này hiện nay đã đầy đủ hay chưa?

Luật sư Phạm Công Hùng: Pháp luật về tố tụng hình sự và hướng dẫn của TANDTC đã quy định khá đầy đủ về lĩnh vực này. Điều 256 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định: “ Mọi người trong phòng xử án phải tôn trọng Hội đồng xét xử, giữ gìn trật tự và tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa”.

Hoạt động của LS tại Tòa án nói riêng và các cơ quan tố tụng nói chung rất cần được tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi. Tuy nhiên, phiên tòa diễn ra đúng trình tự và bảo vệ được quyền lợi tốt nhất cho các bị can, bị cáo thì người tham gia tố tụng bắt buộc phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa.

Tuy nhiên, Thẩm phán có đầy đủ quyền điều hành phiên tòa theo luật định cũng cần cân nhắc trong áp dụng pháp luật. Có thể tùy từng trường hợp cụ thể áp dụng linh hoạt, lúc nào cần áp dụng buộc phải rời khỏi phiên tòa hay áp dụng phương thức khác tinh tế, hiệu quả hơn; để phiên tòa không căng thẳng, và LS hay đương sự có thể bộc bạch hết được ý chí nguyện vọng của mình, chủ tọa lắng nghe, thấu hiểu và quyết định… có như vậy các phán quyết của Tòa án mới đảm bảo công bằng, bảo vệ công lý.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TANDTC: Luật sư bắt buộc phải tuân theo sự điều hành của chủ tọa phiên tòa