Luật sư Nhâm Thị Lan, Trưởng VPLS Hoàng Phát: Xử phạt xe không chính chủ, cần có lộ trình

16/11/2012 06:30
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày qua, dư luận quan tâm về việc triển khai áp dụng xử phạt các vi phạm giao thông đường bộ theo quy định mới tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ, có nêu việc xử phạt người điều khiển phương tiện mà không phải là chủ sở hữu phương tiện đó.

Theo đó, từ ngày 10-11-2012, các cơ quan chức năng tăng mức xử phạt một số hành vi vi phạm giao thông đường bộ, trong đó có hành vi của chủ xe ôtô, xe máy không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.

Phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nhâm Thị Lan, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Phát để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

PV: Thưa Luật sư, quan điểm của bà về việc xử phạt đối với xe không chính chủ theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ?

LS Nhâm Thị Lan: Đây không phải phạt do xe không chính chủ mà việc xử phạt nhằm vào hành vi không sang tên đổi chủ theo quy định của pháp luật trong giao dịch mua bán đối với tài sản có đăng ký. Tôi cho rằng, việc người dân lo lắng là điều dễ hiểu bởi quy định về xử phạt tại Nghị định 71 với mức phạt khá cao, sẽ đánh trực tiếp vào “hầu bao” của người dân, đúng vào thời điểm điều kiện chung của người dân đang rất khó khăn và phải thắt chặt chi tiêu. Mặt khác, việc giải thích của cơ quan nhà nước chưa rõ ràng nên gây hiểu nhầm trong nhân dân.

Luật sư Nhâm Thị Lan, Trưởng VPLS Hoàng Phát: Xử phạt xe không chính chủ, cần có lộ trình

Luật sư Nhâm Thị Lan

Thực chất, quy định về việc sang tên đối chủ đối với mô tô, xe máy và ôtô cũng như việc xử phạt đã có từ lâu. Tuy nhiên, do sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng nên những năm qua không thực hiện hoặc thực hiện không triệt để dẫn đến hậu quả như hiện nay là nhiều người khi mua bán xe đã không thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ. Để xảy ra tình trạng này một phần không nhỏ trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng.

PV: Theo bà, Nghị định 71 có hiệu lực và được thi hành vào thời điểm này có phù hợp với thực tế hay không?

Luật sư Nhâm Thị Lan, Trưởng VPLS Hoàng Phát: Xử phạt xe không chính chủ, cần có lộ trình

Kiểm tra, xử lý chủ phương tịên vi phạm

LS Nhâm Thị Lan: Theo tôi, quy định của pháp luật có hiệu lực đương nhiên sẽ phải thi hành. Tuy nhiên, cần hội đủ các điều kiện thì việc thi hành sẽ hiệu quả. Thứ nhất, cần có lộ trình cụ thể để thực hiện tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu và nắm rõ các quy định của pháp luật về việc xử phạt, hiểu được quyền và lợi ích của mình khi thực hiện việc sang tên đổi chủ trong quá trình mua bán. Thứ hai, mức xử phạt hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân trong thời buổi khó khăn này bởi thực tế trong quá trình thực thi pháp luật ở nước ta cho thấy không phải bao giờ mức phạt cao cũng thể hiện được tính răn đe, ngăn ngừa mà ngược lại, mức phạt cao sẽ làm cho quy định của pháp luật khó có khả năng thực thi. Thứ ba, Chính phủ cần xem lại để hạ thấp mức thuế trước bạ để người dân tự giác thực hiện các quy định về sang tên đổi chủ khi mua bán mô tô, xe máy và ôtô.

PV: Việc thực thi Nghị định 71, nhìn từ góc độ một người áp dụng pháp luật, theo bà ai là người được hưởng lợi nhiều nhất? Những bất cập khi thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ?

LS Nhâm Thị Lan: Trước hết, lợi ích được nhìn thấy rõ nhất từ phía các cơ quan chức năng như: tạo nguồn thu từ thuế khi sang tên đổi chủ, dễ quản lý khi thực hiện xử phạt vi phạm hành chính hoặc điều tra các vụ tai nạn giao thông, các vụ phạm pháp hình sự mà đối tượng sử dụng ôtô, mô tô, xe máy để phạm tội… Đối với người dân, việc sang tên đổi chủ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người sở hữu phương tiện đó, nhằm chứng minh tài sản là hợp pháp.

Việc sang tên đổi chủ đối với mô tô, xe máy và ôtô đến thời điểm hiện nay mới ráo riết triển khai là chậm so với quy định của pháp luật. Chính vì thế, việc thực hiện thủ tục sẽ gây nhiều bất cập như: người dân ồ ạt đi thực hiện tại các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ gây nên nhiều hệ lụy (sách nhiễu, phiền hà, tiêu cực…), nhiều xe đã đổi chủ nhiều lần nên người chủ sở hữu hiện tại không thể tìm được người ban đầu đứng tên trong đăng ký xe; phí trước bạ quá cao làm cho người dân khó có khả năng đáp ứng và tìm cách trốn tránh việc sang tên trước bạ…

Tóm lại, dưới góc độ một người áp dụng pháp luật và một người dân, tôi cho rằng: Việc áp dụng quy định về xử phạt với mức cao như Nghị định 71 hiện nay là chưa thực sự phù hợp với điều kiện của người dân, theo đó, khả năng thực thi sẽ không cao như mong đợi.

PV: Vậy bà có kiến nghị gì đối với các cơ quan chức năng?

LS Nhâm Thị Lan: Xuất phát từ sự chưa phù hợp với điều kiện thực tế thi hành pháp luật của nước ta và điều kiện kinh tế của người dân, tôi đề nghị: Thứ nhất, cần giảm mức thu thuế đối với thủ tục sang tên trước bạ khi người dân thực hiện thủ tục sang tên đổi chủ đối với phương tiện có đăng ký. Thứ hai, cần giảm thiểu các bước thực hiện thủ tục để người dân có thể dễ dàng và nhanh chóng thực hiện việc sang tên, đổi chủ đối với ôtô, mô tô,  xe máy. Thứ ba, các cơ quan chức năng cần có lộ trình cụ thể cho vấn đề này (giải thích, tuyên truyền) để người dân tiếp cận rộng rãi, nắm bắt và hiểu rõ được quy định của pháp luật cũng như ý thức được quyền lợi của mình. Có như vậy mới nâng cao ý thức tự giác của người dân và việc thực thi pháp luật mới thực sự đem lại hiệu quả.

PV: Cảm ơn luật sư!

Minh Giang (thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư Nhâm Thị Lan, Trưởng VPLS Hoàng Phát: Xử phạt xe không chính chủ, cần có lộ trình