Luật sư Phạm Tấn Thuấn nhận định, hành vi như vậy của Công ty An Thịnh Phát, cụ thể là ông Nguyễn Đức Tiến, đã có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản sản (qui định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2017).
Chiếm đoạt… “cần câu cơm”
Như Báo Công lý đã thông tin, thời gian qua, nhiều người liên tục gửi đơn tố cáo ông Nguyễn Đức Tiến – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Vận tải và Du lịch An Thịnh Phát (gọi tắt là Công ty An Thịnh Phát, trụ sở chính tọa lạc tại số 40/64 Lê Đức Thọ, phường 7, quận Gò Vấp, TP.HCM) về hành vi chiếm đoạt tài sản của họ.
Văn phòng Công ty An Thịnh Phát tại số 378 Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp) đã đóng cửa, không hoạt động
Ngoài các nạn nhân mà Báo Công lý đã nhắc đến trong bài viết Công ty An Thịnh Phát thuê xe rồi chiếm đoạt, anh Dương Đình Tuất (cũng là một nạn nhân của ông Tiến) cho biết, ngày 7/2/2017, anh có ký hợp đồng với Công ty An Thịnh Phát, cho công ty này thuê 1 xe ô tô hiệu Toyota Innova, màu bạc, biển số 51A – 21965 (giá trị ước tính hiện nay khoảng 600 triệu đồng), thời hạn cho thuê là 1 năm (từ ngày 7/2/2017 đến ngày 7/2/2018). Theo hợp đồng, ngày 7 hàng tháng, Công ty An Thịnh Phát sẽ thanh toán 10 triệu đồng tiền thuê xe cho anh Tuất và anh được lấy xe về 1 ngày để bảo dưỡng.
Thế nhưng, đến ngày 7/12/2017, anh Tuất gọi điện thoại cho ông Tiến và bà Nguyễn Thị Thu Thảo (nhân viên Công ty An Thịnh Phát) thì không liên lạc được. Lúc này, anh Tuất bắt đầu tìm hiểu thì biết rằng, chiếc xe của mình cùng tiền cho thuê xe đã… “cao chạy xa bay” theo ông Tiến. Anh Tuất cũng cho hay, định vị gắn theo xe anh mất tín hiệu vào ngày 10/1, vị trí cập nhật tại 523 Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, TPHCM.
Nhiều nạn nhân của Công ty An Thịnh Phát đang ngày đêm lo lắng, tìm cách lấy lại xe bị chiếm đoạt
Điều đáng nói nhất là đến thời điểm này, hợp đồng cho thuê xe giữa anh Tuất và Công ty An Thịnh Phát đã hết hiệu lực. Mặc dù vậy, công ty này vẫn chưa giao trả xe cho chủ. Thay vào đó, ông Tiến còn cung cấp số điện thoại của chủ xe cho nhiều người lạ gọi đến đòi tiền chuộc xe. Trong đó, một người tên Dũng (theo anh Tuất thì ông Tiến cho biết, ông Dũng này còn có biệt hiệu Dũng đen và là công an quận 10) gọi cho vợ của anh Tuất đòi trả 140 triệu đồng thì người này mới cho chuộc xe về.
Còn theo anh N. T. H. T (nạn nhân của ông Tiến), cũng bằng “chiêu thức” như trên, ông Tiến cho biết, xe của nhiều nạn nhân đang bị Hiển “gấu” (các nạn nhân cho biết người này là “đồng nghiệp” làm ăn chung với Tiến) giữ. Đồng thời, ông Tiến cũng cung cấp số điện thoại của Hiển “gấu” để những người bị hại gọi điện “thương lượng” chuộc xe.
Nguyễn Đức Tiến báo cho nạn nhân biết Hiển “gấu” đang giữ xe của họ
Không chỉ vậy, liên quan đến vụ Công ty An Thịnh Phát chiếm đoạt hàng loạt ô tô của đối tác, anh Lê Nguyễn Anh Tuấn (người bị ông Tiến chiếm đoạt xe ô tô biển số 51G – 37640) còn ngậm ngùi chia sẻ: “ Ông Tiến đã chiếm đoạt xe ô tô của tôi, khiến tôi mất đi “cần câu cơm” và thu nhập bị sụt giảm đáng kể. Hơn nữa, thời gian qua vì lo lắng, chạy vạy tìm lại xe mà tôi thường xuyên “mất ăn, mất ngủ”, thậm chí bỏ bê công việc. Việc xe của mình “không cánh mà bay” khiến tôi bị dồn vào ngõ cụt, thiếu hụt đủ thứ. Trong khi để có xe cho thuê, tôi phải vay tiền mua xe, giờ còn chưa trả nợ hết ngân hàng… Tôi khốn khó đủ điều!”.
“Số điện thoại lạ” gọi cho nạn nhân đòi tiền chuộc xe nhưng lại nhắn tin “phủi trách nhiệm”
Có dấu hiệu vi phạm Bộ luật Hình sự
Ở một diễn biến khác, sau nhiều ngày tìm hiểu, theo dõi các đối tượng đáng ngờ, đến ngày 12/3, anh Đinh Long Hải (nạn nhân của ông Tiến) phát hiện xe ô tô của mình (biển số 51G – 288.88, chiếc xe đã bị ông Tiến chiếm đoạt) đang đậu tại quán cà phê Phương Đông (thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM). Ngay sau đó, anh Hải nhanh chóng trình báo việc này với công an.
Biên bản làm việc ngày 12/3 ghi nhận chiếc xe của anh Hải đang được chủ quán cà phê Phương Đông (Bà Điểm, Hóc Môn) quản lí
Theo đó, qua làm việc với các bên, lực lượng công an xác định xe của anh Hải đang được ông Phạm Văn Tuấn quản lí và sử dụng. Mặc dù vậy, anh Hải vẫn không thể lấy được xe về vì lí do ông Tuấn nói rằng xe này ông đang thuê lại của Tiến. Do đó, Điều tra viên Nguyễn Văn Tỉnh (thuộc đội 8, Phòng PC45, Công an TPHCM) đã lập biên bản làm việc, ghi nhận việc các bên thống nhất để xe của anh Hải tại quán cà phê nêu trên và giao cho bà Phượng (chủ quán cà phê này) quản lí, nhằm chờ quyết định xử lý chính thức của cơ quan điều tra rồi xử lý tiếp.
Hợp đồng cho thuê xe của anh Dương Đình Tuất và Công ty An Thịnh Phát
Ở góc độ pháp lý, liên quan đến việc Công ty An Thịnh Phát thuê xe rồi chiếm đoạt như đã nói ở trên, Luật sư Phạm Tấn Thuấn (Đoàn luật sư TPHCM) nhận định, hành vi như vậy của Công ty An Thịnh Phát, cụ thể là ông Nguyễn Đức Tiến, đã có dấu hiệu phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản (qui định tại điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2017). Đồng thời, Luật sư Thuấn cũng cho biết, điểm 4, điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2017 qui định, phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.
Ngoài ra, Luật sư Thuấn còn nhận định, trong trường hợp những người biết rõ xe mà mình đang chiếm giữ, cầm cố không phải là xe của ông Tiến mà là xe của các nạn nhân nhưng vẫn cố tình không trả lại cho các chủ xe, thì những người này đang có dấu hiệu phạm tội Chiếm giữ trái phép tài sản, qui định tại điều 176, Bộ luật hình sự năm 2017.
“Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2017 qui định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản, cụ thể như sau: 1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. 2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”. Luật sư Phạm Tấn Thuấn |