Nghề luật sư không giống như những ngành nghề bình thường khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì yêu cầu về việc hành nghề luật sư còn phải tuân thủ theo quy chế đạo đức nghề nghiệp.
Thu mới ngấp nghé thôi, thế mà lòng người đã chùng xuống nhiều lắm. Ngồi bên quán cà phê nhỏ giữa lòng Hà Nội mà tôi cứ ngỡ mình vẫn còn đang được sống, được trải nghiệm trên nước Mỹ bởi cũng vào dịp mùa thu năm ngoái tôi có cơ hội đặt chân lên nước Mỹ. Bầu trời năm ấy cũng lung linh, dịu dàng giống như mùa thu Hà Nội vậy, cảm giác đó tôi vẫn giữ vẹn nguyên. Phải chăng, giữa bao hối hả, tấp nập của cuộc sống mùa thu như một làn gió tràn vào tâm hồn, mát rượi và dịu êm.
Người ta hay nói “ Luật sư” là một nghề khô khan và cứng nhắc. Có phải chăng bởi quan điểm ấy mà tạo hóa đã có một ứu ái hơn cho nghề Luật sư khi mà ngày truyền thống luật sư 10/10 cũng chính là lúc tiết thu xốn xang. Đây cũng là thời gian mà giới Luật sư như chúng tôi có cơ hội được nhìn lại quá trình hoạt động nghề của mình.
Luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng VPLS Interla
Bản thân tôi là một luật sư, có thể đối với “các cây đa, cây đề” trong giới thì quá trình hoạt động trong nghề của tôi cũng không phải quá dài nhưng đủ để tôi có những sự trăn trở cho riêng mình. Đặc biệt, thật vinh dự khi tôi được gặp gỡ với các Thẩm phán, các Luật sư tại Mỹ trong chuyến đi “Giao lưu và học hỏi kinh nghiệm”- một chương trình do Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tổ chức.
Chuyến đi lần ấy đã để lại trong tôi những khoảnh khắc đáng nhớ khi mà tôi được tiếp xúc với một nền tư pháp hiện đại bậc nhất thế giới. Ở đó, các Luật sư có thể phát huy được hết các vai trò của mình, có thể bằng khả năng, trí thức của bản thân, nhân danh bản thân mình bảo vệ tối đa cho thân chủ của họ mà không bị bất kỳ một thế lực nào cản trở hoặc dè chừng.
Luật sư là hiện thân cho người bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, là người đứng ra bảo vệ người yếu thế, mắc oan sai trong xã hội…. Nghề luật sư không giống như những ngành nghề bình thường khác vì ngoài những yêu cầu về kiến thức và trình độ chuyên môn thì yêu cầu về việc hành nghề luật sư còn phải tuân thủ theo quy chế đạo đức nghề nghiệp. Xuất phát từ tính chất, đặc thù của nghề luật sư, nó đòi hỏi luật sư còn phải là người có khối óc thông minh, tấm lòng trong sáng, dũng cảm, biết lấy pháp luật và đạo đức xã hội làm cơ sở hoạt động mới xứng đáng với sự tin cậy và tôn vinh của xã hội.
Tại Mỹ, nghề luật sư có phạm vi hoạt động rất rộng và có hiệu quả, đặc biệt Luật sư đã được phát huy tối đa vai trò của mình trong các hoạt động pháp lý của người dân. Nghề luật ở Mỹ rất được trân trọng vì thế mà rất nhiều giao dịch trong xã hội đều thông qua Luật sư từ những việc rất nhỏ nhất như vi phạm giao thông, kê khai thuế cho đến ly dị, thừa kế và các loại giao dịch theo hợp đồng.
Luật sư được thay mặt, đại diện để trực tiếp giải quyết các công việc mà không cần phải xin phép hoặc được sự chấp thuận của bất kỳ một cơ quan nào. Luật sư được phát huy tối đa các quyền của mình trong hoạt động pháp lý, chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như đảm bảo tính thượng tôn của pháp luật,….
Không thể phủ nhận ở Việt Nam vai trò của nghề luật sư trong xã hội ngày một được nâng cao, chất lượng, uy tín của luật sư ngày một lớn hơn, luật sư đang dần khẳng định được vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp thông qua việc giải quyết hàng trăm nghìn vụ án và thực hiện các hoạt động tư vấn pháp lý cho người dân.
Tuy nhiên đâu đó vẫn còn những sự "quan liêu", "ỳ ạch" khiến mọi việc trở nên bế tắc, rơi vào lối mòn tư duy. Chẳng hạn như khi thực hiện công việc liên quan đến thủ tục hành chính; giúp đỡ về pháp luật trong trường hợp giải quyết khiếu nại; dịch thuật, xác nhận giấy tờ, các giao dịch...., nhiều cơ quan hành chính nhà nước lại là người cản trở, cho rằng hành vi xác lập của luật sư không phù hợp với pháp luật.
Ngoài ra, trong quá trình hành nghề có rất nhiều vụ án mà khi chúng tôi tiếp cận và nhận thấy được rất nhiều sai phạm, rất mong muốn được báo cáo trực tiếp với các cấp lãnh đạo vì chúng tôi hiểu là rất có thể bộ máy tham mưu của họ chưa làm hết trách nhiệm của mình. Song, dù cho có đăng ký trước theo Quy chế tiếp công dân thì việc này cũng thường bị cản trở, việc tiếp cận với lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước là rất khó.
Hoặc đối với các vụ án mà khách hàng không thể cung cấp được thông tin mà luật sư phải đi trích lục hồ sơ thì bị nhiều cơ quan từ chối cung cấp, hoặc cản trở không cho luật sư tham dự các cuộc họp mà lẽ ra luật sư được phép tham gia theo đúng quy định pháp luật.
Trải lòng không có nghĩa là tôi nhụt chí hay chùn chân mà đó lại là một trong những động lực thúc đẩy tôi phải cống hiến nhiều hơn cho nghề, cho xã hội.
Dẫu biết rằng nghề luật sư còn nhiều “nguy nan”, nhiều “ám ảnh”, nhiều “dư âm” với những cung bậc khác nhau, nhưng tôi vẫn luôn lạc quan, tin tưởng vào nghề mà mình đã theo đuổi, với tình yêu công lý, với sứ mệnh vinh quang của nghề luật sư.