Sáng nay (20/6), TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm theo đơn kháng cáo kêu oan của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trong vụ mua chế phẩm Redoxy - 3C của Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo thông báo của chủ tọa phiên tòa Nguyễn Văn Sơn, tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, phía UBND TP Hà Nội có ủy quyền cho Sở Xây dựng Hà Nội. Tuy nhiên, đại diện của Sở Xây dựng có đơn xin xét xử vắng mặt. Ngoài ra, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Arktic vắng mặt không rõ lý do.
Bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ của bị cáo Nguyễn Đức Chung) là người liên quan được tòa triệu tập nhưng có đơn xin xét xử vắng mặt.
Theo ý kiến của luật sư, đề xuất triệu tập ông Nguyễn Thế Hùng (nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội), triệu tập thêm điều tra viên.
Trong phần làm thủ tục phiên tòa, luật sư bào chữa của bị cáo Nguyễn Đức Chung cho biết vụ án này phát sinh từ việc giao dịch với công ty nước ngoài, đây là vụ án hình sự có yếu tố nước ngoài nên luật sư đề nghị triệu tập đại diện của Công ty Watch Water (Đức).
Luật sư cũng nêu rõ trong quá trình xét xử sơ thẩm, các cơ quan tố tụng chưa triệu tập nên trong phiên tòa phúc thẩm, luật sư đề nghị HĐXX xem xét triệu tập đại diện Công ty Watch Water (Đức) với tư cách nhân chứng…
Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa cho biết những người liên quan vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm đã có lời khai rõ ràng. Đối với yêu cầu triệu tập Công ty Watch Water (Đức), VKS thấy không cần thiết.
Trước những ý kiến nêu trên, HĐXX đã tiến hành hội ý. Sau khi hội ý, HĐXX cho biết, một số người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã có lời khai trong quá trình điều tra nên không cần thiết phải triệu tập.
Ngoài ra, có luật sư đề nghị triệu tập nhân chứng là đại diện phía Công ty Watch Water (Đức), tuy nhiên, Chủ tọa phiên tòa cho biết trong quá trình chuẩn bị xét xử phúc thẩm, phía Văn phòng luật sư Nguyễn Huy Thiệp và công sự đã thu thập các tài liệu, chứng cứ liên quan đến Công ty Watch Water (Đức), và HĐXX có thể tham khảo, xem xét. Sau đó, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.
Được biết, trước vài ngày diễn ra phiên tòa, cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã gửi bản giải trình hơn 100 trang tới HĐXX phúc thẩm, bị cáo này cho rằng, tòa cấp sơ thẩm đã "ra phán quyết không đúng" đối với mình.
HĐXX trong vụ án gồm 3 người, do Thẩm phán Nguyễn Văn Sơn, Chánh Toà Kinh tế, TAND cấp cao tại Hà Nội làm chủ tọa.
Theo đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng, bản án sơ thẩm tuyên bị cáo phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là không đúng nên bị cáo này đã có đơn kháng cáo kêu oan.
Với bị cáo Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 4 năm 6 tháng tù là quá nặng.
Trước đó, bị cáo Võ Tiến Hùng (cựu Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và giảm tiền bồi thường cho mình. Tuy nhiên, sau đó bị cáo này đã rút toàn bộ kháng cáo của mình nên HĐXX phúc TAND cấp cao tại Hà Nội đã đình chỉ xét xử đối với bị cáo này.
Từ ngày 10 đến ngày 13/12/2021, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên án phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung 8 năm tù, bị cáo Nguyễn Trường Giang 4 năm 6 tháng tù và bị cáo Võ Tiến Hùng 4 năm tù cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Về trách nhiệm dân sự, TAND TP Hà Nội tuyên buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn dân sự là Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội số tiền hơn 36 tỷ đồng. Trong đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung phải bồi thường 25 tỷ đồng, bị cáo Võ Tiến Hùng bồi thường 4 tỷ đồng và bị cáo Nguyễn Trường Giang bồi thường hơn 7 tỷ đồng.
TAND TP Hà Nội ghi nhận sự tự nguyện của gia đình bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nộp 10 tỷ đồng, gia đình bị cáo Nguyễn Trường Giang đã nộp 1 tỷ đồng cho Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2016, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai thực hiện công tác xử lý, cải tạo, khắc phục ô nhiễm nước các sông, hồ trên địa bàn thành phố bằng cách tìm kiếm các công nghệ tiên tiến phù hợp để xử lý ô nhiễm nước hồ trên địa bàn thành phố.
Bị cáo Nguyễn Đức Chung với chức năng, nhiệm vụ là Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã lựa chọn công nghệ xử lý nước ô nhiễm của Công ty Watch Water (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức đoàn tham quan, thử nghiệm, đặt hàng sản xuất ra chế phẩm Redoxy-3C để sử dụng vào việc xử lý ô nhiễm nước tại thành phố.
Sau đó, bị cáo Nguyễn Đức Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy-3C, thông qua Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic (do Nguyễn Trường Giang làm Giám đốc) là công ty gia đình của bị cáo Nguyễn Đức Chung, với động cơ vụ lợi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, với tổng giá trị thiệt hại hơn 36 tỷ đồng.