Luật sư còn gặp nhiều “rào cản”

congly.com.vn| 13/04/2012 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bị CQĐT tìm nhiều lý do “gây khó”; Luật sư phải sử dụng “hồ sơ buộc tội để gỡ tội”; Nên có hay không “quyền im lặng” khi chưa có luật sư tham gia… là những vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Hoàn thiện các quy định của BLTTHS năm 2003 về bảo đảm quyền bào chữa và quyền hành nghề của luật sư” do Liên đoàn luật sư Việt Nam vừa tổ chức.

Luật sư đang tác nghiệp tại phiên tòa

101 lý do luật sư bị “gây khó”

Dù BLTTHS quy định Luật sư (LS) được tham gia ngay từ giai đoạn điều tra nhưng theo nhiều LS, chuyện họ bị “cản trở” thì muôn hình vạn trạng. Để có được giấy chứng nhận bào chữa, được dự hỏi cung đã rất khó khăn nhưng tại buổi thẩm vấn hay hỏi cung, LS còn bị điều tra viên “giám sát” và chỉ được hỏi thân chủ nếu điều tra viên đồng ý. Chưa kể, những câu hỏi của LS không được điều tra viên đồng ý sẽ không được ghi vào biên bản hoặc khi Cơ quan điều tra (CQĐT) “thích” thì mới mời LS tham gia thẩm vấn thân chủ cho “có lệ”. Rồi đến khi bị can đã nhận tội mới tiếp tục mời LS tham gia.

LS Đào Ngọc Lý (Đoàn LS Hà Nội) nêu ví dụ: Trong thực tế hành nghề đã gặp trường hợp khi dự buổi làm việc của điều tra viên và bị can, bị can khai một đằng, điều tra viên ghi một nẻo. Khi LS có ý kiến là phải ghi theo lời khai của bị can hoặc lập biên bản về điều này thì điều tra viên không làm việc nữa, hoặc lần sau lẳng lặng đi một mình mà không báo LS đi cùng… Vì vậy, đề nghị BLTTHS sửa đổi phải dành một chương quy định về LS.

Còn theo ông Hoàng Ngọc Cẩn, Trưởng phòng xét xử phúc thẩm VKSNDTC, quyền bào chữa gắn chặt với chức năng gỡ tội, có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với chức năng buộc tội và xét xử trong TTHS. Nhưng trên thực tế, việc khởi tố, điều tra và đề nghị truy tố đều do CQĐT được quyền chủ động, VKS phần lớn lại chỉ thụ động, chờ vào kết luận điều tra để thực hiện quyền truy tố, còn Tòa án cũng bị “đổi vai” thành “chủ thể buộc tội” khiến người bào chữa/LS trở thành một lực lượng đơn độc trước các cơ quan tiến hành tố tụng…

LS phải sử dụng “hồ sơ buộc tội để gỡ tội”

PGS-TS Trần Văn Độ, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án TAQSTW cho biết, chứng cứ là vấn đề rất quan trọng trong mỗi vụ án. LS được quyền có mặt khi hỏi cung bị can, được hỏi, đưa ra chứng cứ và yêu cầu, thu thập chứng cứ chuyển cho CQĐT… Tuy nhiên, một số quy định chưa có cơ chế pháp lý cụ thể để bảo đảm các quyền đó được thực hiện, dẫn đến quyền chứng minh của LS chưa bình đẳng với quyền này của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thống kê của Bộ Tư pháp và TANDTC cho thấy: Trong năm 5 (2005-2010), các LS đã tham gia 64.173/299.574 vụ án hình sự (chiếm 21,44%). Trong đó có 32.752 vụ án do bị can, bị cáo mời LS và 31.421 vụ án do các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định. Ở Nhật Bản, 62% bị can, bị cáo có LS, ở Mỹ và một số nước là 100% nhưng Việt Nam chỉ khoảng 17-20%, trong đó khoảng 50% là do chỉ định.

Ông Độ cũng cho rằng, thực tế cho thấy LS đang phải “sử dụng hồ sơ buộc tội để gỡ tội”, tìm ra các kẽ hở để bào chữa cho thân chủ và kêu gọi lòng nhân đạo của Tòa án, pháp luật đối với bị can, bị cáo. Trong khi đó, các vụ án oan, sai lớn không nhiều nhưng oan chủ yếu do chứng cứ.

Đồng quan điểm này, nhiều LS cho rằng, thực tế, hồ sơ vụ án hình sự được xây dựng phần lớn dựa trên lời khai của bị can và chủ yếu theo hướng buộc tội. Để bào chữa cho thân chủ, LS phải thu thập được các chứng cứ gỡ tội. Các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ cần có công văn, yêu cầu là được cung cấp thông tin, còn LS lại luôn gặp khó khăn để nhận được sự hợp tác của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thông tin liên quan. Trong BLTTHS hiện hành không có chế tài cho những trường hợp, các bên có chứng cứ nhưng từ chối cung cấp cho LS. Bởi vậy, LS đành phải “sử dụng hồ sơ buộc tội để gỡ tội” cho thân chủ của mình.

Ngoài ra, nhiều LS còn cho rằng, phần tranh luận tại Tòa của họ vẫn còn rào cản chưa thể “hóa giải’ được khi mà VKS luôn có quyền cho rằng “quan điểm LS đưa ra không có cơ sở, VKS thấy không cần tranh luận tiếp và giữ nguyên quan điểm”.

Cũng tại hội thảo đã đưa ra một số quan điểm bổ sung quy định vào BLTTHS “quyền im lặng” của bị can, bị cáo cho đến khi có luật sư tham gia tương tự như một số nước trên thế giới. Đương sự có quyền im lặng từ khi bắt đầu bị điều tra đến khi có LS thì đã bảo đảm được khách quan bởi những gì mà người bị tạm giữ, tạm giam phát biểu với CQĐT đều được sự tư vấn và chứng kiến của LS.

Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ cho rằng, quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn của LS để tránh “tự mình buộc tội mình”, gây thiệt hại cho bản thân. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an lại cho rằng, quyền im lặng có vẻ không phù hợp với thực tiễn và văn hóa Việt Nam vì có đến 9/10 người bị tình nghi khi bị bắt đều lập tức “kêu oan” chứ không “im lặng”.

M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật sư còn gặp nhiều “rào cản”