Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Chọn bảo vệ sức khỏe hay khoản thu 50.000 tỷ đồng?

Ngọc Mai| 16/11/2018 17:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (16/11), trong phiên thảo luận Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đã có rất nhiều ý kiến thảo luận, tranh luận sổi nổi được đưa ra như về tên gọi của dự án Luật, về đối tượng cần điều chỉnh của Luật...

Chọn bảo vệ sức khỏe nhân dân hay khoản thu 50.000 tỷ đồng?

Nói về tác hại của rượu, bia, ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) thông tin, một nghiên cứu chỉ ra, 50% trẻ em sẽ phát triển các rối loạn về tâm lý, tinh thần khi chứng kiến cha mẹ say xỉn. Điều này cũng xảy ra khi cha mẹ chỉ uống rượu 1- 2 chén vào buổi tối.

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, quảng cáo bia rượu phải bị cấm trên tất cả các chương trình của báo nói, báo hình, báo điện tử, mạng xã hội chứ không chỉ riêng chương trình thể thao, văn hoá, điện ảnh, chương trình dành cho thiếu nhi.

“Các địa điểm bán rượu bia không phải tốn công đi tìm mà có mọi lúc mọi nơi, từ quán ăn vỉa hè đến nhà hàng sang trọng, thậm chí ở đô thị có những con đường ăn nhậu phục vụ thâu đêm”, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Chọn bảo vệ sức khỏe hay khoản thu 50.000 tỷ đồng?

ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương)

Dẫn số liệu khảo sát cho thấy hơn 70% người được hỏi nhận thức chưa tốt về tác hại của rượu, bia, đại biểu nhấn mạnh, một khi người dân thẳng thắn thừa nhận hạn chế về nhận thức và cần có thời gian thay đổi do thói quen, tập tục thì không hiểu vì sao các nhà sản xuất kinh doanh và một số cá nhân lại chưa thay đổi tư duy cho phù hợp với xu thế của xã hội.

“Chúng ta khó quên hình ảnh người đứng đầu Chính phủ thân chinh tới các đơn vị chỉ dạo và giao kế hoạch tăng trưởng để GDP để năm 2017 cán mốc 6,7%. Điều đó cho thấy để nhích lên từng chút một thì cả hệ thống phải vất vả, nỗ lực như thế nào, thậm chí có thời điểm được xem là kỳ tích, thì chiều ngược lại mỗi năm bia rượu tổn thất ít nhất 1,3% GDP quý giá của quốc gia”, đại biểu Nhân nói.

Theo đại biểu Nhân, biện minh cho sự phát triển kinh tế và giải quyết việc làm cũng là điều khiên cưỡng khó chấp nhận, chưa kể cả hậu quả nặng nề kéo dài cho xã hội từ sử dụng rượu, bia. Việc cung cấp cho thị trường thức uống gây nhiều bệnh tật, tác hại lại tìm nhiêu lý lẽ và mỹ từ để bảo vệ thì đó là trách nhiệm hay vô cảm?

“Có vô can không khi bia rượu là vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo, bệnh tật, của bạo lực, bạo hành. Sản xuất đồ uống có cồn còn đe doạ việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng khí thải nhà kính, đe doạ phát triển bền vững” đại biểu Nhân đặt vấn đề.

"Chúng ta chọn bảo vệ sức khỏe cho nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỷ đồng/năm, đừng quên rằng tổn thất do nó gây ra lên tới 65.000 tỷ đồng. Như thế có khác gì kéo tụt sự phát triển của đất nước, vậy mà không ít người cổ súy là văn hóa uống", vị này nói thêm.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng nhận định thói quen uống rượu, bia đã có từ lâu đời, đang đóng góp 50.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách và tạo ra việc làm cho 220.000 người.

Tuy vậy, bà khẳng định: "Bia, rượu ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết. Làm sao để hạn chế tác hại của rượu bia và lợi ích hài hòa của doanh nghiệp là một bài toán quá khó".

Cần xác định rượu và bia là hai loại sản phẩm hàng hóa khác nhau

Đại biểu Phan Thái Bình (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, đối tượng cần tập trung điều chỉnh nhắm đến là người chưa đủ 18 tuổi, Luật không nên giảm nhu cầu về sử dụng đồ uống có cồn nói chung, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến những người cung cấp có trách nhiệm và việc kinh doanh hợp pháp chân chính.

Cụ thể, dự thảo có quá nhiều hạn chế áp vào đồ uống có cồn hợp pháp như thời gian, phương thức bán hàng nghiêm ngặt, cấm quảng cáo… thì nhu cầu sử dụng đồ uống có cồn nói chung không giảm mà sẽ thúc đẩy người tiêu dùng từ sản phẩm an toàn hợp pháp sang sản phẩm không an toàn, bất hợp pháp, nhất là bia sản xuất trong nước đóng một vai trò quan trọng trong ngành kinh tế, văn hoá của Việt Nam.

“Tôi đề nghị đổi tên luật thành Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia hoặc Luật phòng chống tác hại của việc lạm dụng đồ uống có cồn,” đại biểu Bình phân tích.

Theo đại biểu Thái Bình, rượu và bia là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau từ quy định, quy trình sản xuất, nồng độ cồn đến tác hại của việc sử dụng nên hành lang pháp lý hiện hành áp dụng cho hai loại sản phẩm này từ khâu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý nhà nước cũng phải hoàn toàn khác nhau. Vì rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn bia thì không.

“Vì vậy, tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu tách riêng các quy định của pháp luật điều chỉnh 2 loại sản phẩm này cho phù hợp gồm những điều khoản quy định riêng điều chỉnh từ khâu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, quản lý nhà nước và cả những nội dung nghiêm cấm…”, đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Quang Chiểu cũng cho rằng, cần xác định rất rõ rượu và bia là hai loại sản phẩm hàng hóa hoàn toàn khác nhau, được điều chỉnh bởi hệ thống các quy định pháp luật khác nhau.

Bày tỏ không đồng ý với việc đồng nhất hai loại sản phẩm này để đưa ra những chính sách, biện pháp, chế tài giống nhau và trái với pháp luật hiện hành như trong dự thảo Luật, đại biểu Trần Quang Chiểu dẫn chứng, tại khoản 3, Điều 20 “không được bán rượu, bia trên mạng internet”. Quy định này chỉ có thể áp dụng đối với rượu vì rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Áp dụng quy định này với bia là trái với pháp luật hiện hành. Vì theo Luật Đầu tư 2014 thì bia không phải là mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Như vậy, bia phải được đối xử bình đẳng với các mặt hàng kinh doanh không có điều kiện khác, trong đó có quyền được bán trên internet. Đại biểu cũng cho rằng, Khoản 3 Điều 20 của dự thảo Luật còn trái với quy định tại Điều 10 Luật Thương mại, trái với Nghị định số 105/2017 của Chính phủ và trái với chủ trương của Chính phủ mà mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì về tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghệ 4.0 nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Nếu đồng nhất bia và rượu để cấm bán trên mạng internet, theo đại biểu sẽ tạo ra phản ứng của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư trong nước và các tổ chức quốc tế cho rằng Việt Nam không nhất quán trong chính sách, từ đó ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư và ảnh hưởng đến chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngay cả Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng không quy định cấm bán thuốc lá trên mạng internet dù thuốc lá thậm chí còn là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đại biểu Trần Quang Chiểu nhấn mạnh.

Sẽ có nhiều cuộc hội thảo, phiên giải trình lấy ý kiến chuyên gia

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng tổng kết, phiên họp buổi sáng đã thảo luận sôi nổi về dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu bia với tinh thần trách nhiệm cao. Đã có 34 đại biểu quốc hội đăng ký phát biểu, 26 đại biểu quốc hội phát biểu tại hội trường, 5 đại biểu quốc hội tranh luận.

Tất cả các ý kiến của các vị đại biểu quốc hội bước đầu được Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp thu và giải trình, trả lời, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của luật… Các ý kiến đều mong muốn luật ban hành phù hợp với các quy định trong chiến lược toàn cầu của Liên hợp quốc nhằm giảm tác hại của việc sử dụng rượu bia, đồng thời phù hợp với thông lệ của quốc tế, phù hợp trong giao tiếp giữa con người với con người.

Phó Chủ tịch quốc hội cho hay, nhiều đại biểu quốc hội mong muốn luật ban hành điều chỉnh, ngăn chặn hành vi lạm dụng việc sử dụng rượu bia đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó là các ý kiến đại biểu quốc hội đề nghị ghi rõ những vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước đối với quá trình sản xuất, kinh doanh rượu bia.

“Qua các ý kiến, các đại biểu quốc hội đề nghị trong quá trình soạn thảo cần làm rõ thêm các hành vi cấm cần điều chỉnh trong luật này cần cụ thể hơn như việc sử dụng lao động trẻ em trong sản xuất rượu, bia cần giải thích rõ. Các đại biểu quốc hội cũng nêu vấn đề cần coi trọng công tác quản lý trong thong tin tuyên truyền, quảng cáo đối với lĩnh vực rượu, bia cho đồng bộ và thống nhất…” Phó Chủ tịch quốc hội tổng kết.

Đặc biệt, nhiều đại biểu quốc hội cũng cho ý kiến phải thống nhất thực hiện luật khác trong hệ thống pháp luật, như Luật an toàn thực phẩm, Luật bảo vệ chăm sóc trẻ em, Luật giao thông.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, đây mới là phiên thảo luận lần đầu, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc hội thảo, phiên giải trình lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế để dự thảo Luật hoàn chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Chọn bảo vệ sức khỏe hay khoản thu 50.000 tỷ đồng?