Tại phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) diễn ra chiều 11/3, các đại biểu còn nhiều băn khoăn xung quanh việc quy định vị trí Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang trình bày dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi)
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành nội dung thảo luận.
Trình bày Tờ trình, Thượng tướng Phan Văn Giang - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết Luật Dân quân tự vệ được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2010. Sau hơn 9 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo cơ sở pháp lý để xây dựng Dân quân tự vệ (DQTV) vững mạnh và rộng khắp, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của DQTV, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố và tăng cường tiềm lực quốc phòng, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng chỉ ra rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến DQTV chưa được thể chế và cụ thể hóa. Một số quy định của Luật Dân quân tự vệ chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến DQTV chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập về xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho DQTV. Do đó, việc xây dựng, ban hành Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) là cần thiết.
Dân quân khác tự vệ thế nào?
Các Ủy viên UBTVQH thống nhất cao với sự cần thiết sửa đổi Luật DQTV và đề nghị, xây dựng lực lượng DQTV với bản chất là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất.
Liên quan tới việc phân định thế nào là lực lượng dân quân, lực lượng tự vệ, có ý kiến trong UBTVQH cho rằng, rất khó để giải thích cụ thể hai khái niệm này. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, xây dựng lực lượng tự vệ ở mỗi địa phương là tương đối khó trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Bởi lẽ mỗi địa phương phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của mình, trong bối cảnh xây dựng kế hoạch phòng thủ, kế hoạch động viên quốc phòng.
Trong khi đó, dân quân khác với tự vệ. Dân quân là bám làng, bám xã, bám nhân dân, lực lượng này có thể trải khắp, bảo đảm thế trận toàn dân, chiến tranh nhân dân. Còn tự vệ thì không thể tràn lan. Chúng ta mong muốn các doanh nghiệp đều có lực lượng tự vệ, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng phát triển được lực lượng này. Các địa phương cũng không thể tham vọng mà phải chọn ra doanh nghiệp nòng cốt, có đủ điều kiện xây dựng, huấn luyện và duy trì lực lượng tự vệ.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ, Luật năm 2009 đã nêu rõ, lực lượng DQTV nếu được tổ chức ở các cơ quan nhà nước cấp xã thì gọi là dân quân. Nếu được tổ chức ở các các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị kinh tế thì gọi là tự vệ. Vấn đề này đã được quy định rất rõ.
Tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng, cần tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho lực lượng DQTV, luôn vì nhân dân, bảo vệ địa bàn, chăm lo cho đời sống người dân.
Băn khoăn về Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã
Thượng tướng Phan Văn Giang – Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự thảo quy định trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh thì Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan QĐND Việt Nam đảm nhiệm.
Bên cạnh đó quy định Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã để phù hợp với thực tế hiện nay 100% Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã được HĐND cấp tỉnh quy định là người hoạt động không chuyên trách.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, một số ý kiến nhất trí như dự thảo Luật. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn về quy định “…trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đảm nhiệm” vì hiện nay theo Luật Công an nhân dân thì Công an xã, thị trấn đang được xây dựng chính quy (Trưởng Công an xã có cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tá).
Do đó, ý kiến này đề nghị nghiên cứu quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan Quân đội đảm nhiệm ngay từ thời bình cho tương thích với Công an xã để kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra; đồng thời bảo đảm công bằng về chế độ, chính sách giữa Công an xã và Ban chỉ huy quân sự cấp xã.
Ông Võ Trọng Việt cũng cho biết, có ý kiến đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ của Ban chỉ huy quân sự cấp xã và sắp xếp các nội dung theo hướng: tham mưu, chủ trì, phối hợp và tổ chức thực hiện.
“Thường trực Uỷ ban Quốc phòng – An ninh thấy rằng, việc quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan Quân đội ngay từ thời bình là vấn đề lớn, vì sẽ tăng biên chế, kinh phí bảo đảm…nên đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và báo cáo cụ thể về vấn đề này. Trường hợp cần quy định vấn đề này trong dự thảo Luật thì báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền” – Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết.
Thảo luận về dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, luật khi được ban hành phải ảnh hưởng rộng lớn từ cơ sở để đảm bảo thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, DQTV là một trong nhiều yếu tố để đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng ở địa phương. Do đó, ngay trong giai đoạn xây dựng luật cũng như khi luật có hiệu lực cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Nhấn mạnh khi xảy ra tình trạng khẩn cấp thì quân sự chỉ huy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc việc Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã chỉ là công chức trong khi công an là chính quy, sỹ quan CAND.
“Tôi nghĩ làm sao cho thống nhất, nên đặt vị trí Chỉ huy trưởng cấp xã như thế nào để đảm bảo quy tụ được khi có tình huống xảy ra” – bà Tòng Thị Phóng nêu quan điểm.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh trần quân hàm của Trưởng công an xã là Trung tá trong khi Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là công chức thì cần nghiên cứu kỹ, chặt chẽ để đảm bảo tương quan giữa hai lực lượng.
Theo ông Đỗ Bá Tỵ, Chỉ huy trưởng có nhiệm vụ tham mưu tác chiến phòng thủ nên cần xây dựng từ thời bình chứ không phải khi có chiến tranh mới đưa sĩ quan về làm xã đội trưởng. Ngoài ra, thực tế hàng năm đều có diễn tập để rèn tác phong chỉ huy.
“Chiến tranh mới điều về thì anh em làm sao được. Nhất là các xã vùng biên giới, hải đảo, tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vị trí Chỉ huy trưởng nếu để Luật cán bộ công chức điều chỉnh thì giải quyết mối quan hệ với công an xã thế nào. Điểm này vướng, cần nghiên cứu khả thi để đảm bảo vai trò, chức năng, nhiệm vụ và cân đối hai lực lượng ở cấp xã”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.