Đây là chỉ đạo mới nhất của Chính phủ tại Chỉ thị 03/CT-TTg về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Ngày 5/10/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH14 ngày 5/10/2018 về một số nhiệm vụ giải pháp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài. Căn cứ đánh giá kết quả việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, nhiệm vụ và giải pháp đề ra trong Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ ý kiến kết luận của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ, tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Đầu công báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV.
Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch đầu tư công 5 năm và hằng năm đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo tiến độ quy định tại Luật Đầu tư công.
Tổ chức đánh giá tình hình thực hiện giải ngân và hiệu quả của các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật, trong đó: Những dự án chưa triển khai khi chưa xác định rõ hiệu quả thì có thể tạm dừng để rà soát, đánh giá lại; những dự án đã triển khai, cần đánh giá giữa giai đoạn thực hiện, nhận diện những vướng mắc, bất cập để kịp thời khắc phục; những dự án đã kết thúc, cần đánh giá toàn diện hiệu quả thực tế của dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/11/2018.
Tiếp tục hoàn thiện Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021 - 2025 phù hợp với Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; đề xuất Khung Chiến lược đối tác phát triển mới tầm nhìn 2030 làm cơ sở xây dựng các chương trình, dự án dự kiến sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi và các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác phát triển giai đoạn tới, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Thời hạn hoàn thành Quý III năm 2020.
Đề xuất và thực hiện các giải pháp tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi; xây dựng cơ chế phối hợp thường xuyên và hiệu quả giữa các cơ quan Việt Nam và nhà tài trợ về quản lý và sử dụng vốn vay ODA và vay ưu đãi.
Hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thông qua thiết lập, triển khai và vận hành hệ thống thông tin quốc gia, gắn công tác quản lý đầu tư công với quản lý tài chính công và quản lý nợ công, cập nhật đầy đủ và kịp thời thông tin ở tất cả các khâu từ khâu xây dựng, đề xuất dự án, phê duyệt dự án đến khâu đàm phán, ký kết hiệp định, giám sát và đánh giá dự án, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm nguồn vốn nước ngoài. Thời hạn hoàn thành Quý IV năm 2019.
Sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, hiệu quả
Bộ Tài chính tổ chức phổ biến và tập trung chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công và các Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật này; đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô. Việc đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay phân bổ và sử dụng vốn vay phải đúng mục đích, hiệu quả; không chuyển khoản nợ vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho chi đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên. Thời hạn hoàn thành Quý I năm 2019.
Cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về khung điều kiện vay ODA, vay ưu đãi của nhà tài trợ, khả năng điều kiện cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi, khả năng vay nợ của chính quyền địa phương,... làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương, chủ dự án và các doanh nghiệp đề xuất dự án.
Xây dựng kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công trung hạn 3 năm và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm, báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo tiến độ quy định tại Luật Quản lý nợ công. Xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hạn mức cho vay lại, hạn mức bảo lãnh Chính phủ hàng năm và tổ chức thực hiện.
Điều hành cân đối giữa vốn vay nước ngoài với vốn vay trong nước một cách hợp lý, hiệu quả và đảm bảo lợi ích quốc gia trong cả ngắn hạn và dài hạn, từng bước cơ cấu lại tỷ trọng vay nước ngoài trong nợ công, đề xuất các giải pháp tái cơ cấu nợ trong nước, nợ nước ngoài nhằm hài hòa nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ. Tập trung vay vốn nước ngoài cho việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Quốc hội quyết định; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định.
Rà soát, thống kế các loại hình hiệp định khung về vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài hiện nay. Nghiên cứu đề xuất những điều khoản chủ yếu của các hiệp định khung, thỏa thuận khung về vốn vay ODA, vay ưu đãi, đề xuất định hướng, kế hoạch trao đổi với các nhà tài trợ để thống nhất các nguyên tắc và nội dung chính trong các hiệp định, thỏa thuận khung về ODA, vay ưu đãi. Thời hành hoàn thành Quý III năm 2019.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện đại hóa công tác quản lý nguồn vốn vay nước ngoài thông qua nâng cấp Hệ thống công nghệ thông tin, bảo đảm cung cấp đầy đủ và kịp thời các thông tin về các điều ước, thỏa thuận quốc tế về vay vốn ODA, vay ưu đãi đã ký kết với nhà tài trợ, các thông tin xác nhận viện trợ trên Hệ thống.
Lựa chọn kỹ lưỡng các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài
Các bộ, ngành và địa phương xem xét, cân đối và lựa chọn trong tổng thể các nguồn vốn đầu tư phát triển trong và ngoài nước trên cơ sở tính toán lợi thế của nguồn vốn này, gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính công và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm, đặc biệt đảm bảo tính đồng bộ, sức lan tỏa, kết nối vùng, miền để phát huy tối đa hiệu quả và tính bền vững của các chương trình, dự án.
Bên cạnh đó, lựa chọn kỹ lưỡng các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài; bảo đảm hiệu quả sử dụng và khả năng trả nợ trên cơ sở nâng cao chất lượng văn kiện dự án; đáp ứng tốt các điều kiện đối ứng của phía Việt Nam (nhân sự, cơ chế chính sách, vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng,...) kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và thực hiện các chương trình, dự án, thành lập và đưa vào hoạt động của Ban quản lý dự án chuyên ngành với đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực và chuyên nghiệp.
Đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; tổ chức giám sát và đánh giá theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán và quyết toán công trình, bàn giao đưa các dự án đi vào sử dụng, đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các chủ dự án thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, cập nhật thông tin trực tuyến trên Hệ thống thông tin do Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tư cách là đại diện chính thức của Việt Nam tại các tổ chức tiền tệ quốc tế tiếp tục thực hiện tốt vai trò kết nối, trao đổi thông tin giúp các tổ chức này hiểu rõ và tuân thủ các chính sách, pháp luật của Việt Nam về quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi; mở rộng quan hệ hợp tác và nâng cao vị thế của Việt Nam tại các tổ chức tài chính tiền tệ này.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan có liên quan và nhà tài trợ trong quá trình vận động, xây dựng văn kiện, chuẩn bị đàm phán, đàm phán, ký kết các chương trình, dự án vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các tổ chức tiền tệ quốc tế; hài hòa hóa quy trình, thủ tục theo hướng tiếp cận các chuẩn mực quốc tế; nghiên cứu việc áp dụng các công cụ tài chính của các tổ chức này.
Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của pháp luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về huy động, quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.