Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tính đến ngày 10-10, lũ đã làm 24 người chết (trong đó có 21 trẻ em), 6 người bị thương; làm ngập 57.537 căn nhà, 23.921 ha lúa bị ngập, diện tích nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại là trên 2.000 ha, hàng trăm km đường giao thông nông thôn bị thiệt hại... với tổng thiệt hại ước tính gần 950 tỷ đồng.
Lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được cơ quan khí tượng dự báo từ sớm?
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, lũ thượng nguồn sông Mê Kông đang xuống, hạ lưu lên chậm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ Giác Long Xuyên (TGLX) lên chậm. Trong 1-2 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên, sau đó biến đổi chậm; vùng ĐTM và TGLX tiếp tục lên. Đến ngày 13-10, mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu lên mức 4,80m (trên báo động (BĐ) 3 là 0,3m); tại Châu Đốc lên mức 4,25m (trên BĐ3 là 0,25m); các trạm chính vùng ĐTM và TGLX lên mức BĐ3 có nơi trên BĐ3.
Để đối phó với tình hình mưa lũ, t ỉnh An Giang đã chỉ đạo các địa phương trong những ngày tới tập trung cao điểm, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra 24/24h, khẩn trương gia cố, tôn cao các đoạn đê bao, cống bọng trọng yếu. Đặc biệt chú ý các tuyến đê nằm trên Tỉnh lộ 957 (huyện An Phú); tiểu vùng thị trấn Tịnh Biên, xã Vĩnh Trung, Văn Giáo, Thới Sơn, Tân Lập… (Tịnh Biên); Tỉnh lộ 944, xã Mỹ Hội Đông, Long Giang, Long Kiến, An Thạnh Trung... (Chợ Mới); tiểu vùng Tân Lập - Tân Tuyến… (Tri Tôn); các tiểu vùng xã Ô Long Vĩ, Thạnh Mỹ Tây, Bình Mỹ, Mỹ Đức… (Châu Phú); đê Tha La… (Châu Đốc); xã Vĩnh Hanh, tuyến đê Nhà Lầu - Bình Hòa, Vĩnh An… (Châu Thành).
Nông dân gặt lúa chạy lũ
Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh sẽ thông báo thông tin về mực nước mỗi ngày, nhất là với thời tiết bất thường như hiện nay để chủ động đối phó kịp thời. Đến thời điểm này, tỉnh đã huy động gần 63.000 người thuộc các lực lượng quân đội, công an, biên phòng, các đoàn thể và nhân dân di dời 966 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm và đang tiếp tục di dời 580 hộ có nhà bị ngập lũ, vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở; tổ chức đưa rước 6.554 giáo viên và học sinh đến trường bằng ghe, xuồng; duy trì 39 điểm giữ an toàn cho trên 1.200 trẻ…. quyết tâm không để ảnh hưởng tính mạng và hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản của nhân dân.
Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục chỉ đạo các địa phương nạo vét, đắp bờ bao, sửa chữa gia cố cống đập; khẩn trương thi công các công trình trọng điểm như kè sông Cổ Chiên; các hệ thống thủy lợi An Phước - Mỹ Phước, Nguyễn Văn Thảnh, kênh 19/5 (cống Bà Cai, cống Lưu Văn Liệt); các đê bao Rạch Sâu, Tích Thiện - Vĩnh Xuân, kênh Sa Cô, các đê bao cụm tuyến dân cư vượt lũ…. Riêng các huyện Long Hồ, Trà Ôn, Mang Thít và Bình Tân cần đẩy nhanh tiến độ thi công 35 công trình thủy lợi ở các xã vùng ngập lũ và 69 công trình thủy lợi nội đồng, nâng cấp các bờ bao có nguy cơ ngập tràn, sạt lở dọc theo các kênh trục, kênh cấp 1 và kênh cấp 2 ở những nơi xung yếu để sớm đưa vào sử dụng, trước mắt đảm bảo ngăn lũ và tiêu thoát nước cho khoảng 8.200 ha đất nông nghiệp kém an toàn khi có lũ lớn.
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn, đêm qua và sáng nay trên các sông ở Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Nam Tây Nguyên đã xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Lũy tại trạm Sông Lũy là 27,36m (lúc 5h ngày 9-10) dưới BĐ2 là 0,36m; trên sông Phan tại trạm Cầu 37 là 28,52m (lúc 6h ngày 9-10) trên BĐ3 là 0,52m; trên sông Cái Phan Rang tại trạm Tân Mỹ là 37,95m, dưới BĐ3 là 0,05m; tại trạm Phan Rang là 3,02m, dưới BĐ2 là 0,48m. Mực nước lúc 1h ngày 10-10 tại trạm Sông Lũy là 26,27m, 22h ngày 9-10 tại trạm Tân Mỹ là 36,37m.
Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1 đến BĐ2, có nơi trên BĐ2. Mực nước các sông ở Ninh Thuận, Bình Thuận xuống chậm; các sông khác ở Trung bộ biến đổi chậm.
Thanh Tuấn