Một trong những vật bị đồn đại mang lời nguyền nổi tiếng và nguy hiểm nhất trên thế giới là bức tranh “cậu bé khóc”. Họ cho rằng nó có một ma lực huyền bí khiến ai giữ nó đều gặp tai họa.
Từ bức tranh lạ gây “sốt” đến những thảm họa đáng sợ
“Cậu bé khóc” là một bức chân dung do họa sĩ Bruno Amadio vẽ. Ngay sau khi sáng tác, tác phẩm đã gây ấn tượng mạnh với phong cách nghệ thuật mới lạ. Bức tranh thể hiện một sắc thái về hình ảnh trẻ em đang khóc với ánh mắt u buồn, như là sự oán giận một ai đó. Tác phẩm này trở nên nổi tiếng trong những năm 80 của thế kỷ XX. Từ đây, nó liền được in hàng loạt và tạo ra một cơn sốt thật sự. Lúc bấy giờ, đây là một trong những bức tranh được nhiều người Anh mua nhất.
Bức tranh “cậu bé khóc”
Tuy nhiên, giai đoạn đầu nhiều người khi mua bản in của bức tranh vẫn báo cáo rằng họ có cảm giác rất lạ, đầy sợ hãi, ma mị khi thấy bức tranh này. Nhưng những điều đáng sợ liên quan đến lời nguyền bức tranh “cậu bé khóc” chỉ thực sự bắt đầu xuất hiện năm 1985. Khi đó, đột ngột có hàng loạt các vụ cháy nhà bí ẩn tại Anh. Nhưng điều làm người lính cứu hỏa ngạc nhiên là trong tất cả các vụ cháy, vật dụng trong nhà đều bị thiêu rụi, duy chỉ có các bản sao bức tranh “cậu bé khóc” vẫn còn nguyên vẹn. Họ đều cho biết, hỏa hoạn xảy ra sau khi mua các bản sao của bức tranh “cậu bé khóc” về. Điều này gây ra một làn sóng hoang mang cho những người sở hữu bức tranh.
Một nhân chứng nổi tiếng bấy giờ về vụ bức tranh ma ám chính là cô Dora Mann ở Surrey, Anh. Cô là một người đam mê sưu tập tranh và đã mua bức chân dung “cậu bé khóc” về treo trong phòng tranh của mình. Tuy nhiên, đúng sáu tháng sau, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi tất cả các bức tranh. Cả phòng tranh hư hại gần hết, chỉ trừ bức tranh “cậu bé khóc” là còn nguyên vẹn. Thậm chí, cô và chị dâu mình cũng suýt thiệt mạng trong vụ cháy nhà.
Một vụ cháy nhà khác liên quan đến bức tranh “cậu bé khóc” diễn ra vào ngày 7/5/1985. Khi đó cảnh sát nhận được một cú điện thoại báo cháy của Steward, một thương nhân. Khi cảnh sát đến nơi, ngôi nhà trước mắt họ chỉ còn là một đống đổ nát, thứ duy nhất còn sót lại nguyên vẹn là bức tranh “cậu bé khóc”. Trong cơn sợ hãi, Steward kể lại: “Một tuần trước khi đám cháy diễn ra, những hiện tượng lạ lùng lần lượt xuất hiện, có tiếng trẻ em khóc trong nhà, đồ vật thì di chuyển trong đêm khuya. Đặc biệt là mỗi lần nhìn về phía bức tranh, anh cảm nhận thấy cậu bé trong tranh như đang muốn giãi bày chuyện gì đó, nhưng không thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt cứ mãi lăn dài trên má…”.
Một người phụ nữ giàu khác cũng mua bản in của bức tranh này về. Bà tỏ ra rất thích và quý trọng bức tranh, luôn ngắm nhìn nó. Bỗng một ngày kia người ta thấy bà đập phá đồ đạc trong nhà và la hét kinh hoàng: “Thằng bé đã về rồi, thằng bé đã về rồi...”. Ngay sau đó, người ta đưa bà vào nhà thương điên. Bản in của người phụ nữ này tiếp tục lưu truyền qua nhiều người: một họa sĩ, một người thợ may, một tỷ phú, một nhân viên lập trình... và tất cả họ đều có tình trạng chung như người đàn bà trên, đều phát “điên” sau khi xem tranh.
Một phụ nữ đã trả lời phỏng vấn trên tờ FromLondon tuyên bố, đã nhìn thấy cái đầu cậu bé trong bản in “cậu bé khóc” lắc lư từ bên này sang bên kia, như thể bị ma ám. Trong khi đó, cũng trên tờ báo này, một phụ nữ tên Rose Farrington đã kể lại: “Kể từ khi tôi mua nó vào năm 1959, ba người con trai của tôi và chồng tôi đều đã qua đời. Chắc chắn nó đã có một lời nguyền đáng sợ”.
Nhiều giả thiết đặt ra để lý giải cho lời nguyền đeo các bức tranh chân dung “cậu bé khóc”. Có người cho rằng, cha mẹ cậu bé đã chết trong một trận hỏa hoạn do bị hãm hại, khiến cậu bé trở thành trẻ mồ côi và cậu gây ra các vụ cháy để trả thù. Một số khác còn cho rằng để có được sự nổi tiếng, tác giả Amadio đã thực hiện một hiệp ước với ma quỷ để bức tranh của ông thành công trong xã hội.
Bức tranh “cậu bé khóc” vì thế chứa đầy ma lực của bóng tối và luôn biết cách tạo ra tai họa. Nhiều truyền thuyết liên quan đến các bản sảo bức tranh “cậu bé khóc” cũng ra đời, như việc nếu nhúng bức tranh xuống một hồ ngay lập tức cái đầu cậu bé sẽ di chuyển và ăn hết số cá trong hồ. Một số các nhà tâm linh đã lý giải, thực chất linh hồn cậu bé bị mắc kẹt trong bức tranh nên phải giải phóng năng lượng để được tự do.
Trước sự hoang mang của cả xã hội, cơ quan chức năng đã tổ chức tiêu hủy tập thể các bản sao này. Hàng nghìn bức tranh bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Cục Cứu hỏa. Mặc dù vậy, nhiều bản sao khác của bức tranh vẫn còn tồn tại và tin tức về các vụ cháy vẫn tiếp tục xuất hiện. Các phương tiện truyền thông đã phải trấn an người dân rằng: trường hợp các bản sao của “cậu bé khóc” thoát khỏi hỏa hoạn chỉ là hy hữu và việc chúng có mặt trong các vụ hỏa hoạn chỉ là trùng hợp.
Lời nguyền hay là một hiện tượng khoa học?
Để tìm hiểu bí ẩn của bức tranh, Kelvin MacKenzie, biên tập viên tờ The Sun của Anh quyết tìm ra sự thật, lý giải những sự việc kỳ lạ xung quanh bức tranh. MacKenzie đã tìm thấy một tài liệu ghi chép lại về thời gian “cậu bé khóc” xuất hiện. Theo tài liệu, trong lúc cùng gia đình cắm trại ở Tây Ban Nha, họa sĩ Bruno Amadio tình cờ trông thấy một bé trai đứng khóc nức nở vì bị lạc cha mẹ. Ám ảnh với hình ảnh buồn bã, thất vọng của bé trai này, ông quyết định vẽ bức tranh với đề tài “cậu bé khóc” dựa trên những ký ức đó.
Sau đó, ông giúp đứa bé tìm được cha mẹ. Một thời gian sau, Bruno Amadio ghé thăm thì được biết một tin rất buồn. Chiếc xe cắm trại của gia đình đứa bé đã bị cháy rụi, cha mẹ và đứa bé cũng bị thiêu cháy theo. MacKenzie tìm được thông tin đây chính là nguyên nhân khiến bức tranh “cậu bé khóc” bị nguyền rủa. Vì quá u uất nên linh hồn của cậu đã nhập vào các bản sao bức tranh “cậu bé khóc”. Đây chính là nguyên nhân khiến căn nhà “phát hỏa”, bởi cậu có thể đốt cháy mọi thứ mà không cần chạm vào.
Càng đáng sợ hơn, MacKenzie cũng tìm thấy trong ghi chép của Amadio những bằng chứng ủng hộ quan điểm này. Một năm sau, Bruno Amadio hoàn thành bức tranh và treo nó trong nhà. Không hiểu nguyên do gì mà căn nhà bị cháy rụi, lính cứu hỏa đã rất ngạc nhiên khi dập tắt ngọn lửa, họ phát hiện bức tranh nằm trên nền nhà không hề hấn gì. Ngoài ra, từ lúc bắt đầu vẽ bức tranh, gia đình ông xảy ra nhiều rủi ro và lâm vào hoàn cảnh túng quẩn.
Tuy nhiên, nhiều người đã phản bác ý kiến của MacKenzie cho rằng ông chỉ là một tay viết báo rẻ tiền và cố tình đưa ra các thông tin sai sự thật để kiếm tiền. Trong số đó có Steve Punt, một nhà văn và diễn viên hài người Anh. Ông đứng ra điều tra các lời nguyền của “cậu bé khóc” trong một chương trình của đài phát thanh BBC. Trong chương trình, Punt nghiên cứu lịch sử của bức tranh “cậu bé khóc”. Đồng thời cũng công bố các thí nghiệm của chương trình lên các bản sao của bức tranh. Trong thí nghiệm, nhiều bản sao cũ của bức tranh “cậu bé khóc” đã được đem đốt. Và các nhà khoa học phát hiện phần lớn các bản in đều khó cháy vì được in bằng một loại véc ni có chứa thuốc chống lửa. Chính vì vậy trong một đám cháy, các bản sao này có thể chịu được nhiệt cao tốt hơn các bức tranh khác.
Rất nhiều gia đình sở hữu bức tranh Steve Punt đã đưa ra kết luận: “Mọi vụ hỏa hoạn đều do chập điện hoặc do lửa bắt vào vật dễ cháy gần đó. Việc xuất hiện “cậu bé khóc” trong các đám cháy là do ngẫu nhiên bởi bức tranh được in rất nhiều, hầu như các gia đình trong thời gian đó đều sở hữu một bức “cậu bé khóc”. Hóa ra nguyên nhân của việc các bức tranh luôn tồn tại trong các vụ hỏa hoạn lại hoàn toàn đơn giản. Bức tranh được làm bằng chất liệu khó bắt lửa nên đã bảo vệ “cậu bé khóc” không bị phá hủy bởi khói và nhiệt”. |