Hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu bị phát hiện hoặc có tố giác.
Hỏi: Tôi được biết, các hành vi lôi kéo, xúi giục, kích động, ép buộc người khác uống bia bị nghiêm cấm và đã có chế tài xử phạt. Xin hỏi trong những ngày nghỉ Tết Dương lịch, nhiều nơi, nhiều gia đình tổ chức uống rượu, bia thì phải hiểu như thế nào là hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia? Lôi kéo uống đến mức nào thì bị xử phạt?
Dương Minh Nam, Hà Nội
Trả lời: Điều 30 Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 28/9/2020 quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế có nội dung như sau: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu thực hiện hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi ép buộc người khác uống rượu bia.
Như vậy, pháp luật hiện hành không khuyến khích người dân sử dụng rượu bia để bảo vệ sức khoẻ cho người tiêu dùng. Hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia là vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu bị phát hiện hoặc có tố giác.
Bên cạnh đó, nếu ép buộc người khác uống rượu bia trái ý muốn để thực hiện các hành vi như trộm cắp tài sản, hiếp dâm, giết người… thì người đó còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội phạm khác có liên quan đã thực hiện.
Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự (điều 13, Bộ luật Hình sự 2015). Đối với trường hợp người phạm tội trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự do bị người khác ép uống rượu, bia thì được loại trừ trách nhiệm hình sự (điều 21, Bộ luật Hình sự 2015).
Khái niệm xúi giục, kích động, lôi kéo không được pháp luật giải thích cụ thể. Cách hiểu nội hàm của nó phụ thuộc vào quan điểm pháp lý của mỗi cá nhân. Ép buộc được hiểu là hành vi dùng sức mạnh thể chất để thực hiện hành vi trái ý muốn của người khác. Một hành vi có được coi là vi phạm pháp luật hay không sẽ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét quyết định.
Để đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc do người sử dụng rượu, bia gây ra, mọi người nên hạn chế sử dụng rượu bia để bảo vệ tài sản, sức khoẻ của chính mình và mọi người xung quanh.