Lợi ích và hiệu quả

Trung Nguyễn| 25/08/2020 10:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thực hiện Luật Căn cước công dân, từ năm 2016 Bộ Công an đã triển khai thực hiện việc cấp căn cước công dân (có mã vạch) tại 16 địa phương. Đến nay, đã cấp được khoảng 16 triệu thẻ căn cước công dân có mã vạch.

Tuy nhiên, mới đây, Bộ Công an trình Chính phủ đề xuất xây dựng căn cước công dân mới. Theo đó, đề xuất thẻ căn cước công dân sẽ được gắn thẻ chíp điện tử, thay vì mã vạch như hiện nay. Dự kiến, khi được cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ được triển khai từ tháng 11/2020.

Theo đại diện Bộ Công an, ngay từ khi triển khai Dự án Luật Căn cước công dân, Bộ Công an đã tính toán đến hai phương án sử dụng mã vạch hay gắn chip. Nhưng, thời điểm năm 2016 khi Luật Căn cước công dân có hiệu lực, các doanh nghiệp của Việt Nam chưa thể chủ động sản xuất chip nếu phải nhập ngoại thì kinh phí sẽ rất lớn, do đó việc triển khai dự án cấp căn cước công dân mã vạch trên toàn quốc, mới chỉ cấp cho 16 tỉnh, thành.

Hiện nay, khi các doanh nghiệp trong nước đã có thể chủ động sản xuất chip thì giá thành sẽ giảm đi rất nhiều, yêu cầu đặt ra là phải trang bị và cấp căn cước công dân cho các tỉnh, thành còn lại như thế nào là vấn đề mà Bộ Công an băn khoăn. Nếu cấp tiếp thẻ mã vạch có thể sẽ lạc hậu và không đáp ứng được yêu cầu quản lý, cải cách hành chính, bởi rõ ràng so với thẻ chip thì thẻ mã vạch đã bộc lộ những hạn chế nhất định.

Trong khi đó, Bộ Công an đang phải gấp rút xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do vậy, nếu cùng lúc xây dựng được hai dự án (thẻ căn cước công dân gắn chip và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) sẽ giúp giảm được nhiều công đoạn, chi phí và đặc biệt sẽ tận dụng được một phần hạ tầng, thiết bị vì có những việc cả hai dự án dùng chung được.

Đồng tình với đề xuất làm thẻ căn cước công dân có gắn chíp của Bộ Công an, các chuyên gia về công nghệ thông tin cũng cho rằng, mặc dù thẻ mã vạch cũng có nhiều tính năng, song so với những tính năng và lưu lượng lưu trữ của thẻ chip, độ bảo mật thì thẻ mã vạch không thể bằng chip. Bởi, thẻ mã vạch bắt buộc được in phía ngoài, vì vậy nó có thể dễ dàng đọc được chỉ với chiếc điện thoại và ai cũng có thể thu thập được dữ liệu mã hóa trên đó.

Trong khi đó, việc xác thực danh tính của thẻ chip có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền internet; thông tin định danh của công dân được lưu trên thẻ căn cước công dân gắn chip là không thể thay đổi và không thể giả mạo; và việc đối sánh sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Do vậy, việc dùng thẻ gắn chip rất phù hợp với thực tiễn hiện nay, đây là xu thế quản lý bằng công nghệ số mà nhiều nước trên thế giới đã làm chúng ta nên học tập.

Lợi ích của thẻ căn cước gắn chíp thì không phải bàn cãi, tuy nhiên, ở góc độ kinh tế, dư luận cũng cho rằng, khi triển khai dự án mới sẽ tốn kém, đầu tư chi phí ban đầu lớn. Đơn cử dự án làm thẻ căn cước và xây dựng dữ liệu cư dân quốc gia hiện tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, con số để làm thẻ gắn chip chắc chắn sẽ cao hơn, nên trước khi thực hiện cần cân nhắc kỹ. Vấn đề là Bộ Công an phải xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì chỉ khi hệ thống này hoàn thiện, kết nối được với các hệ thống dữ liệu của ngành khác thì việc dùng thẻ căn cước công dân gắn chip mới thực sự hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích và hiệu quả