Khi bỏ cách tính tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô, Bộ Tài chính lo ngại sẽ xuất hiện những khoảng trống pháp lý.
Bộ KHCN đã ban hành Thông tư 11 bãi bỏ 3 văn bản quy phạm pháp luật quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô, áp dụng từ 1/10/2022. Liên quan đến việc này, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng, việc bỏ phương pháp tính tỷ lệ nội địa hoá sẽ dẫn đến khoảng trống pháp lý, đó là quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu tại các văn bản khác cũng bị bãi bỏ theo.
Bộ Tài chính lý giải, đây là một trong các điều kiện đang được quy định tại các Nghị định của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và các Nghị định này vẫn đang có hiệu lực áp dụng.
Việc bỏ quy định về tỷ lệ nội địa hoá với ô tô có thể dẫn tới tình trạng các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu linh kiện ô tô đồng bộ nhưng có mức độ rời rạc thấp, không khuyến khích đầu tư dây chuyền, thiết bị để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong nước.
Đồng thời sẽ phát sinh vướng mắc cho quá trình thực hiện vì quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện cũng đang được quy định tại các nghị định của Chính phủ liên quan đến biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi để làm cơ sở tính thuế và các nghị định này vẫn đang có hiệu lực.
Bộ Tài chính cũng đưa ra hai phương án: Một là, Bộ KH&CN sẽ lùi thời hạn có hiệu lực của Thông tư 11 đến sau ngày Nghị định mới của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành (Bộ Tài chính đang xây dựng để trình vào tháng 10/2022).
Hai là, lùi thời hạn có hiệu lực việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện ô tô nhập khẩu đang được quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BKHCN đến sau ngày Nghị định của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành.