Dọc theo con đường dưới chân cầu Rau Răm (phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), du khách sẽ bắt gặp một làng nghề làm hủ tiếu truyền thống đã từng vanh danh một thời.
Sở dĩ gọi là làng nghề vang danh một thời bởi hiện tại, theo thời gian, sự nhộn nhịp đã "phai nhạt" do áp lực cạnh tranh và những thay đổi trong nhu cầu thị trường. Nhiều hộ đã chuyển sang nghề khác ít vất vả, thu nhập cao hơn để sinh sống.
Trong những gia đình hiếm hoi còn giữ lửa nghề làm hủ tiếu truyền thống tại Cần Thơ, gia đình chú Nguyễn Hữu Hoài (chú Sáu Hoài) đã gắn bó với nghề hơn 40 năm.
Mỗi địa phương miền Tây đều mang đặc trưng riêng trong cách làm hủ tiếu. Tại Vĩnh Châu, Ngã Năm (Sóc Trăng) hay xuôi đến Bạc Liêu, sợi hủ tiếu mềm, bóng bẩy và có thể ăn ngay bằng cách trụng nó trực tiếp trong nước dùng. Trong khi đó, hủ tiếu Cần Thơ có phần cứng và khô hơn, cần ngâm nước từ 5-10 phút trước khi chế biến.
Cô Dương Thị Kim Ba (khu vực 7, phường An Bình, quận Ninh Kiều), người có hơn 10 năm kinh nghiệm và hiện là thợ chính trong lò hủ tiếu nhà chú Sáu, chia sẻ: “Muốn sợi hủ tiếu dai ngon, từng công đoạn phải thực hiện tận tình. Bột làm bánh được pha giữa bột mì và bột gạo, trong đó bột mì nhất định phải mua từ Tây Ninh. Sau khi pha trộn, bột được ủ trong thời gian nhất định để tạo độ sệt chuẩn trước khi đổ bánh. Bánh hủ tiếu ban đầu là những tấm bánh tròn mỏng giống bánh tráng. Sau khi phơi khô dưới nắng, bánh được cắt thành từng sợi nhỏ”.
Sự thay đổi nhu cầu thị trường đã đặt ra nhiều thách thức cho nghề truyền thống. Chú Sáu Hoài, trong suốt hành trình giữ lửa nghề, luôn trăn trở làm sao vừa giữ được hương vị đặc trương, vừa mang đến điều mới lạ cho du khách.
Chính vì thế, chú đã tìm tòi và cho ra đời những sợi hủ tiếu đa sắc màu. Tím hồng thanh long, vàng ươm từ nghệ, hay tím biếc từ hoa đậu, tất cả đều được làm từ nguồn nguyên liệu gần gũi với miền Tây.
Hiện nay, lò hủ tiếu nhà chú Sáu Hoài đã trở thành điểm đến hàng đầu cho du khách trong và ngoài nước. Những ngày bình thường, cơ sở của chú Sáu Hoài đón khoảng 150 đến 300 khách, những đợt cao điểm có thể hơn 500 khách.
Chú Sáu chân thực chia sẻ: “Tôi muốn quảng bá nghề truyền thống đến khách thập phương, vì vậy trước giờ tôi không tiền vào cổng. Tuy nhiên thời gian làm việc của thợ làm bánh nhiều và vất vả bởi dù có máy móc hỗ trợ nhưng có nhiều công đoạn vẫn phải dùng đến bàn tay con người.
Kèm theo đó là nguyên liệu nhập về cũng tăng giá theo nên bắt buộc hiện tại tôi phải thu tiền vé vào 5.000 đồng/khách. Nhưng bù lại, tôi cho khách thử bánh và trải nghiệm làm bánh miễn phí, giá sản phẩm làm ra vẫn giữ nguyên suốt bao năm qua”.
Tại cơ sở, có nhiều gian hàng trưng bày những sản phẩm tại lò hủ tiếu gia đình chú Sáu ngoài sự đa dạng mới mẻ về màu sắc, còn mới về hình thức với chiếc bánh pizza hủ tiếu nhằm thích nghi với du khách nước ngoài.
Lò hủ tiếu nhà chú Sáu Hoài là những hộ hiếm hoi giữ và phát triển nghề. Không chỉ giúp du khách hiểu hơn về nghề truyền thống, mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương. Đồng thời, góp phần bảo tồn bản sắc và nâng cao giá trị các sản phẩm truyền thống của Cần Thơ.