Lĩnh vực xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19

Kim Truyền| 24/08/2021 14:04
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội. Trong đó, hoạt dộng xuất khẩu lao động (XKLĐ) là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Nỗi lo từ gia đình có con em XKLĐ

Với tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp, theo nhiều chuyên gia trong trong lĩnh vực xuất khẩu, tình hình nguồn cung khó khăn sẽ vẫn tiếp diễn kéo dài trong năm 2021. Hiện nay, hàng chục nghìn lao động Việt Nam có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài đã đủ điều kiện nhưng chưa thể xuất cảnh bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều thị trường tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... đang tạm dừng hoặc hạn chế tiếp nhận lao động nước ngoài do dịch Covid-19.

1(3).jpg

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, đưa lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn. Từ đầu năm 2021 đến nay, diễn biến dịch Covid-19 luôn rất phức tạp, liên tục có những làn sóng dịch diễn ra. Do đó, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh, các nước và vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động, như: Nhật Bản, Hàn Quốc... đã ban hành các quy định cấm hoặc hạn chế nhập cảnh đối với công dân nước ngoài. Cộng thêm việc tạm dừng các chuyến bay quốc tế giữa Việt Nam và một số quốc gia tiếp nhận lao động đã khiến cho số lao động đã trúng tuyển và làm hồ sơ không thể xuất cảnh được.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực XKLĐ cũng lao đao trong công tác tuyển dụng lao động phỏng vấn cho các đơn hàng mới. Trao đổi với PV báo Công lý, ông Vũ Biên Cương (Trưởng phòng Nhật Bản của công ty TNHH đầu tư & phát triển nhân lực Vạn Xuân) cho biết: “Nhiều gia đình cũng lo lắng cho con em mình vì dịch bệnh nên không muốn đăng ký tham gia ngay, chờ dịch ổn định mới tính tới. Và việc di chuyển, tư vấn cũng như chuẩn bị gặp khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội”.

“Một số Đại sứ quán tạm dừng tiếp nhận Visa từ tháng 1/2021 đến nay, tâm lý chờ đợi lâu cũng có rất nhiều Thực tập sinh (TTS) và gia đình muốn huỷ tham gia đơn hàng đã trúng tuyển để ổn định công việc ở quê. “Cứ chờ đợi không biết đến khi nào mới bay được thì rất nhiều gia đình không thể chờ đợi được”, đó là những phản hồi từ phía gia đình các em TTS” – ông Cương chia sẻ thêm.

2(1).jpg

Không xuất cảnh được, người lao động gặp khó khăn và thực tế nữa là đối với những gia đình có con em muốn XKLĐ thì lại lo lắng vì tình hình dịch bệnh. Do đó, dù có những đơn hàng tốt với chế độ và mức lương hấp dẫn do các chủ sử dụng phía tuyển dụng chi trả nhưng vẫn thiếu hụt các ứng viên tham gia. Vấn đề tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn đối với DN XKLĐ có thể dẫn đến mất uy tín và niềm tin với đối tác, cũng như các chi phí tuyển sinh, trả lương giáo viên đào tạo, và Cơ sở vật chất để đào tạo các em sau trúng tuyển... đúng là đã khó lại càng thêm khó!

Doanh nghiệp XKLĐ khắc phục khó khăn như thế nào?

Thực tế, dịch bệnh kéo dài, trải qua nhiều đợt bùng phát không chỉ khiến người lao động chờ xuất cảnh đứng ngồi không yên, mà nhiều DN trong lĩnh vực XKLĐ cúng điêu đứng. Các DN cũng đang phải đối mặt với khó khăn về mặt tài chính, vì việc không thể tuyển lao động, không thể đào tạo tập trung cho TTS, mà DN phải cân đối chi trả phí thuê văn phòng, phí thuê trung tâm đào tạo (TTĐT) cũng như chi trả hỗ trợ lương, đóng bảo hiểm cho cán bộ nhân viên.

Nhiều DN hoạt động đào tạo LĐXK rơi vào bế tắc, hoạt động cầm chừng, thậm chí phải sa thải bớt nhân viên để giảm gánh nặng chi phí. Nhưng việc làm trước nhất của các DN là phải động viên làm yên lòng các gia đình có con em đang chờ ngày bay. Về vấn đề này, ông Cương cho biết thêm: “Những em TTS đã hoàn thành khoá đào tạo nhưng chưa thể làm Visa nhập cảnh, do một số Đại sứ quán các nước tại Việt Nam tạm thời dừng tiếp nhận hồ sơ xin Visa. Công ty cũng tạo điều kiện để các em TTS về quê nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt khi học tại TTĐT, động viên gia đình các em để các em yên tâm hơn. Đặc biệt là luôn quan tâm đến các em TTS về thời gian ôn luyện các kiến thức đã học tại TTĐT trong thời gian chờ đợi”.

Bên cạnh đó, các DN hoạt động đào tạo LĐXK cũng đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong việc tuyển sinh, đào tạo online. Nhiều DN thực hiện tiết kiệm các chi phí hết sức có thể để duy trì bộ máy nhân sự tối thiểu, nhân viên công ty cũng đồng ý giảm lương 50% cùng công ty sớm vượt qua đại dịch.

Các DN XKLĐ cũng có những đề xuất lên Cục quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để hỗ trợ cho lao động và DN trong thời kỳ dịch bệnh như: Tạo điều kiện làm visa và nhập cảnh sớm cho các em TTS; Có những hỗ trợ chi phí xét nghiệm PCR cho lao động trước khi nhập cảnh; Có những nguồn kinh phí hỗ trợ từ Chính phủ cho những DN XKLĐ đang gặp khó khăn, để vẫn giữ được thị trường sau khi dịch hồi phục; Ưu tiên tiêm vắc xin phòng chống Covid cho các em TTS đã trúng tuyển chờ nhập cảnh…

Về vấn đề hỗ trợ các DN XKLĐ, Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết, trước những khó khăn của các DN tham gia phái cử lao động hiện nay, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản hướng dẫn các DN về các chính sách hỗ trợ theo tinh thần của Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các DN căn cứ tình hình cụ thể tại DN, thực hiện các thủ tục để được hỗ trợ phù hợp trong trường hợp có nhu cầu.

3.jpg

Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động XKLĐ, và khó dự báo trước được thời gian phục hồi vì không chỉ những khó khăn trong nước mà còn phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của các nước tiếp nhận. “Đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiện nay, mặc dù nằm trong các nhóm đối tượng thuộc diện được ưu tiên tiêm vắc xin, nhưng do diễn biến dịch phức tạp, việc phân bổ tiêm vắc xin cho các đối tượng nào, ra sao là do các cơ quan chức năng, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch. Khi có thể xuất cảnh trở lại, các doanh nghiệp và người lao động muốn được tiêm vắc xin để đáp ứng hợp đồng nên đề xuất với CDC các địa phương để được ưu tiên giải quyết”, bà Hà cho biết.

Hơn lúc nào hết, sự sẻ chia giữa các bên cần phải được duy trì, phát huy: Các DN cần chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tay nghề cho người lao động; Người lao động cũng cần tranh thủ học tập nâng cao trình độ, đảm bảo chuẩn bị tốt nhất hành trang khi tham gia thị trường lao động, sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Bên cạnh đó, cả DN và NLĐ cần phải giữ vững niềm tin để cùng nhau vượt qua thách thức dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lĩnh vực xuất khẩu lao động bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19