Liên tục đi tiểu ra máu cục, người phụ nữ đi khám phát hiện u bàng quang

Thảo Nguyên| 08/05/2019 11:08
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bệnh nhân bí tiểu đã hơn 20 năm, kèm bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc không rõ nguồn gốc.

Ngày 8/5, ThS.BS Ngô Văn Bằng - Khoa Ngoại chung, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân N.T.N (61 tuổi, trú tại An Dương, Hải Phòng) trong tình trạng đường huyết tăng cao, bí tiểu nhiều ngày, tiểu ra máu cục, thể trạng yếu.

Khai thác tiền sử trước đó, bà N. cho biết, bị đái tháo đường đã hơn 20 năm, kèm suy tuyến thượng thận do dùng thuốc không rõ nguồn gốc. Cách đây khoảng 2 năm, bệnh nhân đi khám do bị tiểu máu và được chỉ định sử dụng thuốc điều trị. Nhưng từ đó tới nay, bệnh không hề có dấu hiệu thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn.

Khoảng gần 1 tháng trước, tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, bệnh nhân thường xuyên tiểu ra máu nhiều, thậm chí tiểu có lẫn máu cục kèm đường huyết tăng cao khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược. Quá lo lắng, bệnh nhân đã được người nhà đưa đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để thăm khám và điều trị.

Liên tục đi tiểu ra máu cục, người phụ nữ đi khám phát hiện u bàng quang

Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện

Tại bệnh viện, qua quá trình thăm khám và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị u bàng quang trên nền bệnh đái tháo đường đã 25 năm, suy yếu thượng thận và tăng huyết áp.

Theo BS Bằng, bệnh nhân được chỉ định mổ cấp cứu. Nhưng do tình trạng đường huyết cao, lại mang trong mình nhiều bệnh lý phức tạp, nên việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, nếu không mổ cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ rơi vào tình trạng bí tiểu, bàng quang dồn nhiều máu cục, mất máu và ảnh hưởng tới tính mạng. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ vẫn quyết định phẫu thuật khẩn cấp cho bệnh nhân bằng phương pháp nội soi.

“Việc điều trị cho bệnh nhân bị tiểu đường trên nền các bệnh lý khác vốn đã rất phức tạp. Nay với bệnh nhân này lại bị kèm thêm một số bệnh như u bàng quang (khối u kích thước lớn), tiểu máu nhiều lần, bàng quang bị viêm nhiễm nặng nề nên quá trình phẫu thuật sẽ càng khó khăn hơn”, BS Bằng cho hay.

Ca phẫu thuật thành công, khối u được loại bỏ, bệnh nhân ổn định, qua khỏi cơn nguy kịch. Hiện người bệnh tỉnh, tiếp xúc được, không sốt, bụng mềm, hai thận không to. Tuy nhiên, do đường huyết cao nên bệnh nhân vẫn tiếp tục được theo dõi để phục hồi thể trạng cho hướng điều trị tiếp theo.

Cũng theo BS Bằng, đa số những bệnh nhân bị đái tháo đường kèm các bệnh lý tiết niệu như: sỏi thận, sỏi tiết niệu, sỏi bàng quang, u bàng quang…đều được xử lý bằng phương pháp nội soi. Bởi lẽ đối với người bệnh bị đái tháo đường, việc mổ xẻ là điều cần hạn chế. Do các vết thương, vết xước ở những bệnh nhân này thường rất lâu liền. Chính vì vậy, nếu thực hiện phẫu thuật mổ mở thông thường vết mổ sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu không được chăm sóc tốt, thậm chí có nguy cơ thiệt mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên tục đi tiểu ra máu cục, người phụ nữ đi khám phát hiện u bàng quang