Liên tiếp 2 ca nhiễm vi khuẩn Whitmore được phát hiện ở Bình Định

Chí Tâm| 13/10/2019 14:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đây là ca mắc bệnh Whitmore thứ 2 liên tiếp được phát hiện trong tháng 10 tại tỉnh Bình Định.

Ngày 12/10, Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) cho biết, bệnh viện này đang tiếp nhận điều trị bệnh nhi P.B.B.N. (5 tuổi, ở xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bị nhiễm Whitmore.

Trước đó, bênh nhi nhập viện với triệu chứng ban đầu là sưng dưới góc hàm trái, kích thước khoảng 3x2cm, nóng, đỏ, đau. Theo người nhà bệnh nhân, bé bị sốt đã lâu, gần đây nổi hạch góc hàm nên xin vào viện điều trị.

Liên tiếp 2 ca nhiễm vi khuẩn Whitmore được phát hiện ở Bình Định

Cháu bé 5 tuổi đang được điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị áp-xe tuyến mang tai trái nghi do nhiễm vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên bệnh Whitmore. Kết quả cận lâm sàng cũng xác định là vi khuẩn Burkholderia pseudomallei, kháng sinh đồ nhạy với ceftazidim.

TS.BS Nguyễn Thế Toàn - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa) cho biết, hiện sức khỏe bệnh nhi cũng ổn, bé tỉnh táo, chơi, ăn uống bình thường, không ho, không sốt. Bệnh viện đã báo cáo ca bệnh cho Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế).

Trước đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân N.T.N. (29 tuổi, trú tỉnh Phú Yên) bị nhiễm vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (còn gọi là vi khuẩn Whitmore). 

Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân được chẩn đoán u vùng cổ trái áp xe hóa/ đái tháo đường típ 1 và được phẫu thuật làm sạch ổ áp xe, mô hoại tử; điều trị với các kháng sinh ceftazidim. Sau khi điều trị với thuốc kháng sinh phù hợp, bệnh nhân hết sốt, vết thương sạch, đường huyết ổn định.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm, chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. 

Whitmore không phải bệnh mới và hiếm gặp mà bị "bỏ quên" trong cộng đồng. Bệnh này được phát hiện đầu tiên trên thế giới vào năm 1911, xuất hiện tại Việt Nam từ 1936.

Căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và khi đã khởi phát bệnh, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện.

Đáng lưu ý, các triệu chứng lâm sàng của bệnh cũng rất mơ hồ, chẩn đoán rất khó nên dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh viêm phổi, nhiễm khuẩn da mô mềm, nhiễm khuẩn xương khớp, nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu...

Để phòng tránh bệnh Whitmore, các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với bùn, đất hoặc các vùng nước có khả năng bị ô nhiễm. Những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Cùng với đó là đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ; rửa tay, chân thường xuyên, đặc biệt sau khi đi ra ngoài về. Khi có các triệu chứng như sốt cao, viêm phổi, viêm da..., nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên tiếp 2 ca nhiễm vi khuẩn Whitmore được phát hiện ở Bình Định