Liên hợp quốc đạt nhiều thành công trong năm 2015

Quốc Phong| 30/12/2015 06:05
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Năm 2015, thế giới tiếp tục phải đương đầu với những thách thức về bất công xã hội, đói nghèo, dịch bệnh, cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột, khủng hoảng, căng thẳng gia tăng tại nhiều nơi,...

Điều đó đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và sự phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc (LHQ) - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh - đã có một năm thành công khi thông qua được một loạt chương trình có tính bước ngoặt để thúc đẩy sự phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, giải quyết xung đột và hỗ trợ nhân đạo.

 Nhiều thành công ấn tượng

Thành công ấn tượng nhất của LHQ trong năm 2015 là Chương trình Nghị sự phát triển bền vững, với lộ trình thực hiện tới năm 2030, được 193 nước thành viên Đại Hội đồng LHQ thông qua vào tháng 9 vừa qua. Là kết quả của quá trình thương lượng tích cực trong hơn hai năm của các nước thành viên, chương trình đã đề ra 17 mục tiêu chung và 169 chỉ tiêu cụ thể, như xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, sức khỏe, nâng cao phúc lợi, bảo đảm giáo dục có chất lượng, đạt được bình đẳng về giới, khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả và dài hạn, khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên Trái Đất… Để thực hiện 17 mục tiêu đầy táo bạo này, chương trình cũng đã đề ra những mốc thời gian hết sức cụ thể như: 800 tuần để chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói cùng cực ở tất cả mọi nơi trên Trái Đất; 800 tuần để giúp 800 triệu người thoát khỏi nghèo đói.

Theo Tổng Thư ký Ban Ki-moon (Ban Ki-mun), Chương trình này “là lời hứa của các nhà lãnh đạo tới mọi người dân trên thế giới rằng tất cả các quốc gia sẽ cùng chung tay gây dựng một thế giới tốt đẹp hơn. Đó là một chương trình nghị sự vì nhân dân, để chấm dứt mọi hình thức nghèo đói. Đó là một chương trình nghị sự vì sự chia sẻ thịnh vượng, hòa bình và hợp tác, cùng hành động để chống biến đổi khí hậu, chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới và tôn trọng nhân quyền của tất cả mọi người. Trên hết, đó là cam kết rằng sẽ không có ai bị tụt lại đằng sau".

Liên hợp quốc đạt nhiều thành công trong năm 2015

Một phiên họp toàn thể Đại Hội đồng LHQ

Thỏa thuận về biến đổi khí hậu được thông qua tại thủ đô Paris (Pháp) trong tháng 12, sau 13 ngày đàm phán liên tục và căng thẳng, là thành công ấn tượng thứ hai của LHQ trong năm 2015. Thỏa thuận khí hậu Paris bao gồm năm điểm, trong đó nổi bật là hai điểm sau: hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng công nghiệp và các nước phát triển cam kết dành 100 tỷ USD/năm kể từ năm 2020 để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris cũng đòi hỏi các nước đệ trình lại cam kết giảm khí thải vào năm 2020 và sau đó cứ 5 năm/1 lần, các nước phải điều chỉnh lại mục tiêu giảm khí thải. Thành công này được coi là bước đột phá trong nỗ lực của LHQ trong suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhằm thuyết phục các chính phủ hợp tác để giảm lượng khí thải gây ô nhiễm mà các nhà khoa học cho rằng đang khiến nhiệt độ của Trái Đất tăng lên. Biến đổi khí hậu hiện được coi là một trong những nguy cơ nghiêm trọng hàng đầu, bên cạnh khủng bố, mà thế giới đang phải đối mặt.

Bên cạnh đó, Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã nhất trí thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và an ninh trên toàn thế giới. Mới đây, ngày 18/12, Hội đồng Bảo an LHQ đã đồng thuận thông qua Nghị quyết về tiến trình hòa bình tại Syria do Mỹ soạn thảo, mở ra hy vọng cho một giải pháp chính trị đối với cuộc khủng hoảng kéo dài 5 năm qua tại Syria. Nghị quyết này cũng cho thấy nỗ lực của cộng đồng quốc tế về một nền hòa bình và ổn định cho quốc gia Trung Đông này.

Còn nhiều thách thức

Các nhà phân tích cho rằng, tuy đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong năm 2015 nhưng LHQ cũng phải đối mặt với không ít thách thức để đưa những mục tiêu trên thành hiện thực

Đầu tiên là những thách thức đặt ra đối với tiến trình thực thi Chương trình Nghị sự phát triển bền vững của LHQ trong 15 năm tới. Để hiện thực hóa Chương trình này, thử thách đầu tiên chính là việc tạo dựng một môi trường hòa bình trên quy mô toàn cầu. Nhưng để đạt được điều này, cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết được hai vấn đề là xóa bỏ các "điểm nóng" và ngăn ngừa xung đột. Thế nhưng, thực tế một năm qua cho thấy các "điểm nóng" đang tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới đều có xu hướng nghiêm trọng hơn. Điển hình là cuộc nội chiến tại Syria không chỉ dẫn đến cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai mà còn có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh thế giới mới với việc đang có quá nhiều lực lượng can dự với những toan tính khác nhau.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa khủng bố trong năm 2015 cũng trỗi dậy dữ dội hơn bao giờ hết với hàng loạt vụ tấn công khủng bố dồn dập xảy ra tại nhiều nơi, đe dọa an ninh trên toàn thế giới.

Đáng tiếc là đúng vào lúc cộng đồng quốc tế cần sự đoàn kết hơn bao giờ hết để hóa giải những "điểm nóng" và chung tay góp sức để tiêu diệt chủ nghĩa khủng bố thì một số quốc gia vẫn không tìm được tiếng nói chung, thậm chí còn gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho an ninh thế giới. Điển hình như bất đồng giữa Nga và Mỹ trong vấn đề Syria, những hành động gây căng thẳng của Trung Quốc tại biển Hoa Đông và Biển Đông, tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới hoạt động do thám mạng và quyền tự do hàng hải,.... Tất cả những mâu thuẫn này nếu không được kiểm soát tốt rất dễ dẫn đến những rủi ro khôn lường, thậm chí là chiến tranh, khiến cho việc thực thi chương trình nghị sự phát triển bền vững trở thành sứ mệnh bất khả thi.

Thử thách thứ hai là việc bảo đảm sự phát triển hài hòa, trước hết là công cuộc xóa đói giảm nghèo, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới. Nhưng những thành công to lớn trong khoa học - công nghệ hiện nay vẫn chưa thể giúp loại bỏ tình trạng nghèo đói trên thế giới, trong khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng giữa các quốc gia, kể cả trong nội bộ những nước phát triển. Sự gia tăng mạnh mẽ của quá trình hợp tác, liên kết quốc tế, đặc biệt là các thỏa thuận thương mại tự do, chưa tạo ra được bức tranh cùng nhau phát triển giữa các nước như kỳ vọng, mà còn khiến không ít quốc gia trở nên nghèo hơn trong cuộc cạnh tranh thị trường với những nước phát triển.

Liên hợp quốc đạt nhiều thành công trong năm 2015

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki moon và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh

Hai thử thách trên đang tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn: hòa bình chỉ có khi đói nghèo thuyên giảm và ngược lại phát triển chỉ thu được lợi ích trong môi trường hòa bình, ổn định. Giới phân tích cho rằng, vòng luẩn quẩn này chỉ có thể được phá vỡ khi các quốc gia chấp nhận nhượng bộ nhau và nghiêm túc thực thi chương trình nghị sự phát triển bền vững, thay vì coi đây chỉ là một chương trình trên giấy.

Thách thức thứ hai là về tính khả thi của Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris. Nhìn chung, giới chuyên gia nhận định đây mới chỉ là bước khởi đầu cần thiết, chứ chưa phải phương thuốc chữa trị tận gốc "căn bệnh" khí hậu của Trái Đất. Và để Thỏa thuận này thành công, LHQ cùng các quốc gia phải giải quyết được hai vấn đề căn bản, đó là lòng tin và tài chính. Lòng tin rằng các quốc gia khác đang hành động theo đúng cam kết cắt giảm khí thải và các quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, cần được hỗ trợ kinh phí để đầu tư cho những công nghệ hiện đại.

Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), thế giới sẽ cần phải chi 16,5 nghìn tỷ USD trong vòng 15 năm tới để biến Thỏa thuận Paris thành hiện thực. Số tiền khổng lồ này chủ yếu chi cho các khoản đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, nhằm đạt mục tiêu cốt lõi là hạn chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền Cách mạng Công nghiệp. Nhưng 16,5 nghìn tỷ USD cũng chưa phải con số cuối cùng, bởi IEA ước tính thế giới cần phải đầu tư khoản tiền lên đến 69-70 nghìn tỷ USD tới năm 2040 để hoàn tất việc chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu sạch, nhằm giảm sự phát thải khí CO2 trên quy mô lớn và nâng cao hiệu quả tiêu thụ năng lượng. Để tương ứng với khoản chi phí như IEA ước tính trên thì mức đóng góp trị giá 100 tỷ USD/năm mà các nước phát triển cam kết thực hiện kể từ năm 2020 tại COP-21 vừa qua chỉ là “muối bỏ bể”.

Bên cạnh đó, Thỏa thuận Paris còn quy định kể từ năm 2018 sẽ có đánh giá toàn cầu 5 năm một lần để xem nỗ lực chung của cả thế giới có đủ sức đạt mục tiêu đề ra ở Paris hay không. Bắt đầu từ năm 2020, các bên tham gia ký kết sẽ phải bổ sung cập nhật hoặc công bố mới bản kế hoạch hành động quốc gia về mục tiêu, biện pháp cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo từng giai đoạn 5 năm. Đây là cam kết tự nguyện và các nước sẽ không phải chịu hình thức xử phạt nếu không hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra. Đây là một trong những lý do khiến nhiều người cho rằng Thỏa thuận Paris chưa phải là “hoàn hảo” do không phải là một hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý đầy đủ.

Ngoài ra, còn nhiều thách thức khác như vấn đề di cư, bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em cũng như trẻ vị thành niên,… ở một số quốc gia đang là “điểm nóng” của xung đột cũng khó giải quyết trong một sớm một chiều. Và việc xây dựng các cơ chế hợp tác để có thể ngăn ngừa, kiểm soát các rủi ro có thể dẫn đến các cuộc xung đột làm nảy sinh các thách thức cũng vô cùng khó khăn.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, những thách thức kể trên cho thấy con đường sau mốc "sinh nhật" 70 năm (ngày 24-10-1945) của LHQ sẽ không hề bằng phẳng với vô số vấn đề cần phải giải quyết để có thể biến những cam kết thành hành động cụ thể. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những thành quả đã đạt được trên chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, cùng với nguồn lực to lớn hiện có của tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh này, chúng ta có thể tin tưởng rằng 193 thành viên LHQ sẽ cùng nhau vượt qua được những trở ngại để chung tay xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hợp quốc đạt nhiều thành công trong năm 2015