Lì xì là một phong tục truyền thống mang ý nghĩa cầu bình an, may mắn. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay cùng sự phát triển công nghệ, lì xì online đang dần trở thành xu hướng trong giới trẻ hiện nay. Liệu hình thức lì xì này có đánh mất đi những giá trị văn hóa tốt đẹp?
Bên cạnh những "Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ/Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh", lì xì hay mừng tuổi ngày Tết là một trong những nét văn hóa truyền thống đậm tính mỹ học. Lì xì đầu năm mang ý nghĩa cầu chúc cho nhau một năm nhiều may mắn. Ông bà, cha mẹ gửi đến con trẻ trong nhà những phong bao lì xì để lấy lộc đầu năm.
Tuy nhiên, đôi khi trẻ nhỏ cầm tiền lại rơi mất hoặc có những người không ở gần nhau hay muốn lì xì theo cả một nhóm… thì những ứng dụng điện tử, những ví điện tử đang được nhiều người sử dụng để lì xì, đặc biệt là giới trẻ.
Lì xì hay mừng tuổi ngày Tết là một trong những nét văn hóa truyền thống đậm tính mỹ học đã có từ rất lâu đời.
Vẫn là gấu bông, đồ chơi, hộp quà tặng… nhưng giờ đã có thêm mã QR, tức là mỗi bạn nhỏ đã có cho mình một tài khoản trong ngân hàng để khi được lì xì, tiền sẽ được chuyển tới tài khoản. Tất cả các bạn nhỏ dưới 15 tuổi đều có thể sở hữu một tài khoản riêng dưới sự bảo đảm của bố mẹ. Và tất nhiên, bố mẹ nếu tiêu tiền là con sẽ biết ngay.
Chị Lê Phương Thúy (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: "Không chỉ là lì xì mà còn để con có thói quen học tập về quản lý tiền, quản lý tài chính. Các bạn nhỏ có thể lựa chọn và tự thanh toán các món đồ theo sở thích. Nó cũng khá hợp lí vì giờ đây mọi người đều sử dụng điện thoại với các ứng dụng thông minh, cũng không phải ra ngân hàng để đổi tiền lẻ nữa, hạn chế sử dụng bao lì xì gây việc xả giấy".
Còn với người lớn, ngoài việc lì xì cho nhau các con số đẹp như lộc phát, tứ quý, lục quý thì đôi khi, đó còn là những cơ hội đầu tư được trao đi, để sinh lời trong tương lai.
Với những doanh nghiệp hay hội nhóm ở nhiều nơi khác nhau, lì xì còn là vui chơi có thưởng, là bốc thăm may mắn đầu năm, do đó, các ví điện tử đang tạo ra nhiều sự bất ngờ và vui vẻ trong dịp Tết này.
Không có gì phải bàn cãi về những lợi ích của việc lì xì trực tuyến mang lại nhưng cũng có rất nhiều luồng ý kiến cho rằng đây đang là biểu hiện của biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống. Khi điều kiện xã hội hiện đại ngày càng làm con người khó gần nhau thì đây cũng là một lý do khiến "sự lười" lại càng có cái để bao biện.
Lì xì đầu năm mang ý nghĩa cầu chúc cho nhau một năm nhiều may mắn.
Là một người luôn yêu thích và giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc, Mai Thị Mỹ Chi (18 tuổi), sinh viên năm ba Đại học Thương Mại bày tỏ thẳng thắn quan điểm của mình: "Hai năm trước, trong thời kì dịch bệnh, mình ủng hộ việc lì xì online vì nó khá là tiện trong hoàn cảnh mọi người tránh tụ tập đông để phòng tránh dịch bệnh. Những người bị cách ly đều có thể nhận được quà từ những người thân.
Tuy nhiên cá nhân mình sẽ không ủng hộ việc này nếu không có vấn đề dịch bệnh. Việc trao nhau lì xì tận tay, gặp mặt nói những lời chúc tốt đẹp thì bao giờ cũng có không khí Tết hơn. Lì xì online thì sẽ không thể có được những điều đó. Nó giống như một bức tường vô hình ngăn cách con người với con người. Tết là để đoàn tụ, để sum vầy, để cùng nhau nói chuyện về 1 năm đã qua, ôn lại những kỉ niệm trong một năm qua.
Hãy thử tượng tượng tới một ngày mà Tết không có sự xuất hiện của bao lì xì đỏ và những khoản tiền mừng tuổi đi cùng với những lời chúc Tết thì lại được gửi qua những ứng dụng điện thoại,... chứ không phải là những lời được trực tiếp nói ra từ những người thân yêu, liệu đó có còn là Tết?".
Điểm hạn chế nữa là không phải những người lớn tuổi nào cũng thạo công nghệ hay những người dân ở vùng quê, thành phố nghèo sẽ không có những thiết bị điện thoại thông minh. Chắc chắn rằng họ rất thương con cháu nhưng lại không biết hay không thể thao tác để lì xì được.
Chưa kể đến chuyện là mỗi năm chỉ có dịp Tết là ông bà, bố mẹ ở quê mới có cơ hội gặp mặt con cháu đầy đủ. Nhưng nếu có dịch vụ lì xì trực tuyến thì dù chỉ có một lý do rất nhỏ được gọi là "bận việc" họ cũng có thể sẵn sàng không về mà chỉ chuyển "quà" theo nghĩa vụ phải làm mà thôi.
Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội ngày nay thì những ứng dụng điện tử, những ví điện tử đang được nhiều người sử dụng để lì xì, đặc biệt là giới trẻ.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Bá Minh (Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người) cho biết: "Thực tế, cách đây tầm năm đến bảy năm thì đã lác đác xuất hiện những người tận dụng công nghệ để nhắn tin, gửi lời chúc Tết hay là mừng tuổi online, nhưng thời điểm đó rất nhiều người không đồng tình. Họ cho rằng, chúc Tết hay lì xì phải trực tiếp chứ không phải qua mạng, nó là sự giao hòa giữa con người với con người trong bối cảnh mùa xuân vạn vật sinh sôi nảy nở. Đây chỉ là sự tiếp thu nhanh, vận dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống của những người tân tiến. Nếu như xét một cách chặt chẽ thì nó cũng có một chút biến đổi, hiện đại hóa so với phong tục lì xì ngày xưa."
"Lì xì online, nếu xét một cách cặn kẽ nó cũng có sự biến đổi đi rồi. Văn hóa biến đổi theo lịch sử và hoàn cảnh thì trong trường hợp nhất định. Cũng có thể người dân lại thích vì tính thiết thực của nó hay cũng có những người sẽ không chấp nhận vì trong xã hội không thể có sự thống nhất tuyệt đối được. Nếu hiểu văn hóa theo nghĩa rộng, bản chất của lì xì là trao cho người kia một hiện vật gì đó, cầu mong một sự may mắn, theo tôi như vậy cũng là được".
"Điều quan trọng là chúng ta sẽ vẫn dùng nhưng hãy áp dụng một cách linh hoạt chứ đừng lạm dụng và biến nó thành một công cụ cho sự lười biếng. Nếu thực sự vì lý do khách quan mà Tết không thể gặp nhau thì đây là một ứng dụng mang tính hữu ích. Nhưng nếu cố gắng vẫn có thể trao tận tay nhau những phong bao lì xì cùng lời chúc ý nghĩa thì nên giữ và thực hiện nó".