Ngày 29/9, theo Liên hợp quốc, trong khi có tới 783 triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với nạn đói thì có khoảng hơn 1 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm.
Ngày 29/9, Liên hợp quốc kêu gọi quốc tế nhận thức về thất thoát lương thực và giảm thiểu lãng phí, trong đó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về thiệt hại lên tới 13% tổng lượng lương thực của thế giới trong chuỗi cung ứng trước khi sản phẩm được bày bán trên kệ, và thêm 17% bị mất ở các hộ gia đình và cửa hàng bán lẻ.
Các cơ quan này cho biết, việc ngăn chặn thất thoát và lãng phí thực phẩm sẽ giúp tăng cường an ninh lương thực, tiết kiệm tài nguyên và giúp giảm lượng khí thải carbon.
Các tổ chức kêu gọi hành động khẩn cấp từ khu vực công và tư nhân cũng như người tiêu dùng để tiết kiệm và bảo quản thực phẩm, đồng thời đưa ra các bước cụ thể cho tất cả các bên liên quan trong một hướng dẫn chung. Lời kêu gọi của Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng “những nỗ lực chung của chúng ta có thể tạo ra sự khác biệt”.
Lãng phí thực phẩm ước tính gây thiệt hại kinh tế khoảng 100 tỷ USD. Cụ thể, theo thống kê, mỗi năm có 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí trên toàn thế giới. Số thực phẩm này đủ để nuôi sống người dân ở ba châu lục gồm: châu Phi, châu Mỹ và châu Âu trong vòng một năm.
Trái cây, rau, củ, hải sản, ngũ cốc, trứng và sữa là các loại thực phẩm bị vứt bỏ nhiều nhất. Bên cạnh đó, khoảng 250km3 nước bị lãng phí trong quá trình sản xuất những loại thực phẩm này, đủ để lấp đầy ba hồ nước ngọt Geneva, hồ lớn thứ hai tại Trung Âu.
Nguyên nhân gây lãng phí khác nhau ở từng khu vực. Ở các nước đang phát triển, lãng phí chủ yếu xảy ra trong quá trình sản xuất và lưu trữ thực phẩm, chiếm 54% toàn thế giới. Con số này ở các nước phát triển là 46%. Tuy nhiên, các nước phát triển lãng phí thức ăn chủ yếu trong quá trình phân phối và tiêu thụ.
Theo FAO, khoảng 37% thực phẩm có nguồn gốc động vật và 20% có nguồn gốc thực vật bị vứt bỏ sau khi đến tay người dùng. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở các nước giàu do thực phẩm ở đây có hạn sử dụng ngắn và người dân không có kế hoạch chi tiêu.