Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật mới được Quốc hội thông qua

Trọng Bằng| 11/12/2018 15:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (11/12), tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về công bố 9 luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật mới được Quốc hội thông qua

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Chu Văn Yêm phát biểu tại buổi họp báo

Cụ thể các luật gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Công an nhân dân; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Giáo dục đại học; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi.

Dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, bộ, ngành liên quan đến các luật được công bố lần này, gồm: Thượng tướng Lê Chiêm - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến; Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh; Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng; cùng các đồng chí là trợ lý Chủ tịch nước, đại diện cơ quan, ban ngành liên quan; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Nhiều quy định mới liên quan đến việc phòng ngừa tham nhũng

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh giới thiệu nội dung cơ bản Luật Phòng, chống tham nhũng.

Với 10 chương, 96 điều, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. So với Luật hiện hành, Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 thay cụm từ "xử lý người có hành vi tham nhũng" bằng cụm từ "xử lý tham nhũng" nhằm mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm cả việc xử lý người có hành vi tham nhũng, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Luật năm 2018 đã quy định thành một chương riêng và sửa đổi, bổ sung nhằm cụ thể hóa và đề cao vai trò của người đứng đầu. Theo đó, quy định nội dung trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng (Điều 70); quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác (Điều 71); quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách (Điều 72 và Điều 73).

Đồng thời, Luật cũng có nhiều quy định mới liên quan đến việc phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; xử lý tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.

Thực hiện quản lý thống nhất nhà nước về an ninh, trật tự

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày tóm tắt nội dung cơ bản của Luật Công an nhân dân, Luật Đặc xá và Luật Bí mật nhà nước. 

Luật Công an nhân dân năm 2018 gồm 7 chương, 46 điều, so với Luật Công an nhân dân năm 2014 đã tăng 1 điều (trong đó bỏ 2 điều, bổ sung 3 điều), sửa đổi, bổ sung 40 điều.

Luật quy định cụ thể về các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân; tổ chức của Công an nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Công an nhân dân; bảo đảm điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với Công an nhân dân; khen thưởng và xử lý vi phạm.

Đặc biệt, Luật đã quy định cụ thể về phân loại, bố trí sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân, hệ thống cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ, đối tượng, điều kiện, thời hạn xét phong, thăng cấp bậc hàm sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ công an, cấp bậc cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan, thẩm quyền phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức, tước cấp bậc hàm.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2019.

Tăng cường bảo vệ bí mật nhà nước trong tình hình mới

Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước gồm 5 chương, 28 điều. Theo quy định của Luật, bí mật nhà nước có ba thuộc tính cơ bản: Bí mật nhà nước là thông tin quan trọng; là thông tin chưa được công khai, nếu bị lộ, bị mất sẽ gây nguy hại đến quốc gia, dân tộc; phải được người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định theo quy định của Luật này. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định hình thức chứa bí mật nhà nước, bao gồm tài liệu, vật, địa điểm, lời nói, hoạt động hoặc các dạng khác.

Luật quy định thời hạn bảo vệ đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật là 30 năm, độ Tối mật là 20 năm, độ Mật là 10 năm, đây là quy định tiến bộ của Luật nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân. Luật cũng quy định khi hết thời hạn bảo vệ, nếu xét thấy việc giải mật gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức xác định bí mật nhà nước quyết định gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, mỗi lần gia hạn không quá thời hạn bảo vệ nêu trên.

Khắc phục khó khăn, bất cập khi thực hiện đặc xá

Luật Đặc xá có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019. Luật gồm 6 chương, 39 điều, tăng 3 điều (bỏ 2 điều, bổ sung 5 điều), sửa đổi, bổ sung 34 điều so với Luật Đặc xá năm 2007.

Về đặc xá nhân sự kiện trọng đại hoặc ngày lễ lớn của đất nước, Luật gồm 14 điều, chia thành 3 mục, quy định về: trình tự, thủ tục trình chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá; công bố, thông báo, niêm yết Quyết định về đặc xá; thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá, Tổ thẩm định liên ngành; điều kiện của người được đề nghị đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; quyền, nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các nội dung liên quan đến: trình tự lập hồ sơ, danh sách người được đề nghị đặc xá; thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá; thẩm tra, duyệt, kiểm tra hồ sơ đề nghị đặc xá và trình Chủ tịch nước danh sách đề nghị đặc xá; thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; quy định chi tiết, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, lập danh sách, thẩm định, thẩm tra hồ sơ đề nghị đặc xá

Luật cũng quy định đặc xá trong trường hợp đặc biệt; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá; khiếu nại, tố cáo...

Phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ biển, đảo Việt Nam

Trình bày tóm tắt nội dung Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Luật gồm 8 chương, 41 điều. Luật quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam; chế độ, chính sách đối với Cảnh sát biển Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Việc Quốc hội ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam thể hiện tuyên bố mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển bằng các biện pháp pháp luật, hòa bình, phù hợp với pháp luật quốc tế.

Đồng thời, đây cũng là một bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ biển, đảo Việt Nam giai đoạn hiện nay. Luật Cảnh sát biển Việt Nam là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc để cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vị trí, vai trò tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao.

Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2019

Bước đột phá khi bãi bỏ quy hoạch sản phẩm, hàng hóa

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh trình bày tóm tắt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch. Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho biết, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về quy hoạch sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiếp tục xem xét và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, bảo đảm quy định của các luật có liên quan thống nhất, đồng bộ với Luật Quy hoạch và hiệu lực đồng thời từ ngày 1/1/2019 để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, xung đột, vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch gồm 31 điều, trong đó có 30 điều quy định việc sửa đổi 37 luật và 1 điều quy định hiệu lực thi hành.

Theo đó, Luật bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ... đang cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, là bước đột phá về thủ tục hành chính trong đầu tư, sản xuất kinh doanh...

Tăng cường tự chủ cho giáo dục đại học

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An cũng giới thiệu một số nội dung chính của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học. Luật có hiệu lực từ ngày 01/07/2019, đã sửa đổi theo đúng quy định của Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung mới 01 điều, bãi bỏ, thay thế một số cụm từ và chỉnh sửa một số điều về mặt kỹ thuật.

Điểm mới của Luật là tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học, mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ đại học. Đặc biệt, Hội đồng trường có thực quyền trong việc quyết định về tổ chức bộ máy, quyết định nhân sự, tiêu chuẩn hiệu trưởng và giáo viên theo quy định của pháp luật.

Quản lý chặt chẽ, hiệu quả phân bón trên thị trường

Trình bày tóm tắt Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Luật Trồng trọt có 7 chương, 85 điều, quy định về giống cây trồng, phân bón, canh tác, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến, thương mại và quản lý chất lượng sản phẩm giống cây trồng.

Luật xác định phát triển trồng trọt theo định hướng thị trường, sản xuất hàng hóa quy mô lớn chất lượng, phát triển thị trường quốc tế trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, doanh nghiệp, nhà nước và lợi ích cộng đồng. Luật hóa các quy định về quản lý phân bón, nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả phân bón trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng; đơn giản hóa, minh bạch các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển ngành phân bón.

Theo đó, đã luật hoá các quy định về quản lý phân bón nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả phân bón trên thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng, đơn giản hoá, minh bạch hoá các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển ngành phân bón.

Theo quy định, phân bón là hàng hóa kinh doanh có điều kiện và phải được cấp quyết định công nhận lưu hành, mỗi tổ chức và cá nhân chỉ được đứng tên đăng ký công nhận một tên phân bón cho mỗi công thức thành phần, hàm lượng dinh dưỡng phân bón.

Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.

Phát triển ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết giá trị

Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 83 điều, quy định về hoạt động chăn nuôi, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi, quản lý nhà nước về chăn nuôi.

Theo đó, Luật quy định các nguyên tắc hoạt động chăn nuôi trên tinh thần phát triển ngành chăn nuôi theo các chuỗi liên kết giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh và xã hội hoá tối đa tạo nguồn lực xã hội đầu tư vào chăn nuôi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Đồng thời, luật cũng cụ thể hoá các điều kiện sản xuất, kinh doanh như yêu cầu, điều kiện của một cơ sở chăn nuôi cần bảo đảm các yếu tố có liên quan đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và cân đối thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Bên cạnh đó, xác định các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện việc kê khai chăn nuôi với chính quyền cấp xã vừa hỗ trợ cho hoạt động thống kê và tạo thói quen tốt để người chăn nuôi quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh chăn nuôi.

Về con giống, thức ăn chăn nuôi cũng được quy định chặt chẽ theo tinh thần của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá năm 2007. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh tự công bố chất lượng sản phẩm và chịu trách nhiệm trước người sử dụng và trước pháp luật.

Luật này có hiệu lực từ 1/1/2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật mới được Quốc hội thông qua