Lén nuôi rắn độc làm thú cưng, bé trai bị cắn nguy hiểm tính mạng

Thảo Nguyên| 06/05/2022 21:59
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Cậu bé 13 tuổi tự mua trên mạng 3 con rắn lục về nhà nuôi. Trong lúc thay chuồng cho “thú cưng", bé bất ngờ bị rắn cắn vào tay.

Khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa điều trị cho bé trai 13 tuổi ở Hà Nội bị rắn lục đuôi đỏ cắn nguy hiểm tới tính mạng. Đây là con rắn mà bệnh nhân tự đặt mua trên mạng về làm “thú cưng”.

nhi.jpeg
Bệnh nhi đã dần ổn định sức khoẻ sau khi được cấp cứu vì rắn cắn

Theo mẹ của bé trai, con chị rất thích nuôi động vật và thỉnh thoảng tìm hiểu về các loài động vật trên mạng. Trước khi nhập viện 2 tuần, bé giấu người nhà tự đặt mua trên mạng 3 con rắn lục về nhà nuôi.

Khoảng 15h30 ngày 3/5 khi thay chuồng cho rắn trong phòng riêng của mình, bệnh nhi bị rắn cắn vào ngón tay trỏ trong lúc đóng hộp nuôi rắn. 

TS.BS Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tỉnh nhưng mệt, mặc dù vừa bị rắn cắn nhưng bàn tay phải sưng nề, thâm tím và chảy máu ngón trỏ, đau nhức…

Các bác sĩ điều trị bằng truyền huyết thanh kháng nọc rắn lục, chống viêm và kháng sinh phòng nhiễm trùng vết thương… Sau 1 ngày điều trị tích cực sức khỏe bệnh nhi đang dần ổn định. Bệnh nhi có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Theo BS Duy, rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc cực mạnh. Mức độ độc của nó chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường.

Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, hơn nữa, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh. Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân có thể gặp các hiện tượng như chảy máu khó cầm, rối loạn đông máu, phù nề, hoại tử, trụy tim mạch, có thể gây tử vong nhanh chóng (do phản vệ) hoặc để lại di chứng nặng nề.

Từ những nguy cơ trên, BS Duy khuyến cáo các cha mẹ thường xuyên quan tâm tới trẻ, giải thích cho trẻ không nên cho trẻ nuôi rắn làm thú cưng trong nhà để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe người nuôi lẫn người thân của mình.

BS Duy cũng khuyến cáo, khi trẻ bị rắn độc cắn hoặc nghi ngờ rắn độc cắn, cần thực hiện các biện pháp sơ cứu ban đầu đúng cách. Theo đó, ngay lập tức gọi số khẩn cấp cho bệnh viện gần nhất để được cấp cứu bằng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu, đặc biệt khi thấy vết thương có dấu răng nanh hoặc dấu hiệu đổi màu, bắt đầu sưng đau.

Trong thời gian chờ sự trợ giúp của nhân viên y tế, nên thực hiện các bước sơ cứu khi bị rắn độc cắn để làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể như:

- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn;

- Giữ bình tĩnh và hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc;

- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên;

- Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện;

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý;

- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn. Chú ý không nên sử dụng băng garo chặt vùng bị cắn, cách này vừa làm đau nạn nhân, vừa cản trở máu lưu thông đến các chi gây hoại tử.

Lưu ý, Không tùy tiện chườm lạnh, bôi hóa chất, đắp lá cây... lên vết thương. Ghi nhớ màu sắc con rắn để bác sĩ có thể dễ dàng nhận biết loại rắn để điều trị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lén nuôi rắn độc làm thú cưng, bé trai bị cắn nguy hiểm tính mạng