Lễ mừng thọ - đạo hiếu của người Việt

Đinh Đinh| 07/03/2015 08:45
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Từ lâu Lễ mừng thọ đã trở thành một trong những nét văn hóa của người Việt mỗi dịp đầu Xuân. Lễ mừng thọ là để chúc thọ cho ông bà, cha mẹ luôn được sống vui, sống khỏe cùng với gia đình tận hưởng những niềm vui sum họp.

Việc tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà, cha mẹ chính là dịp để con cháu thể hiện tình yêu, sự biết ơn, kính trọng đối với bậc sinh thành của mình và thể hiện đạo làm con, trọn vẹn chữ Hiếu, đây cũng là dịp để hàng xóm láng giềng đến chúc mừng các cụ được thêm tuổi mới, trường thọ.

Trong tâm thức của người Việt, ai cũng đều mong muốn đạt được ngũ phúc: khang - ninh - phúc - lộc - thọ và điều mong muốn hơn cả là Thọ, bởi con người ta luôn coi sức khỏe là điều quý giá nhất của đời người mà không phú quý nào sánh bằng.

Trân trọng người cao tuổi còn là trân trọng kho kinh nghiệm sống được tích luỹ qua bao năm tháng bởi vậy những năm gần đây, mừng thọ trở nên phổ biến rộng rãi hơn, mang một tín hiệu đáng mừng khi quốc thái dân an, cũng là nét đẹp văn hoá được gìn giữ và duy trì.

 

Lễ mừng thọ - đạo hiếu của người Việt

Các cụ cao tuổi hoan hỉ trong những lời chúc tụng của con cháu

Những nghi thức trong lễ mừng thọ phụ thuộc vào phong tục của từng nơi, từng địa phương mà có cách tổ chức khác nhau.

Lễ mừng thọ không chỉ bó hẹp trong gia đình, mà còn mang ý nghĩa cộng đồng, được tổ chức tại các trung tâm văn hóa của địa phương, có đại diện chính quyền tham gia chúc thọ cùng với những tiết mục văn nghệ như thơ, ca, hò, vè để các cụ cao tuổi giao lưu, chia sẻ về cuộc sống thường ngày. 

Trong buổi lễ mừng thọ, chủ tịch hội người cao tuổi ở các địa phương công bố danh sách rồi mời theo loạt tuổi vào, trao giấy chúc thọ và quà của Hội người cao tuổi (đối với các cụ tuổi tròn 70 trở lên).

Sau lễ đăng thọ, thì con cháu sẽ tổ chức tại gia đình để chúc rượu thọ, nói những lời tốt đẹp tỏ lòng biết ơn, mong cha mẹ, ông bà được sống lâu, sống thọ, tặng một sỗ lễ vật nhỏ như: tấm áo, chiếc khăn… hay làm thơ, câu đối, tặng chữ, tặng tranh…

Thông qua việc tổ chức mừng thọ, sẽ mang lại cho các cụ tình cảm ấm áp của thế hệ cháu con, của phố phường, làng xã mà không cảm thấy cô đơn khi tuổi già, sức yếu lúc cuối đời. Người già sẽ thấy hạnh phúc hơn vì con cháu đề huề lại hiếu thảo, con cháu cũng sẽ thấy tự hào về ông bà cũng như truyền thống gia đình mình.

Lễ mừng thọ - đạo hiếu của người Việt

Sau khi đọc tên và trao giấy chứng nhận con cháu sẽ lên tặng hoa và chụp ảnh cùng đấng sinh thành

Trải qua thời gian, tục mừng thọ người cao tuổi vẫn là nét đẹp của đạo hiếu nghĩa. Xã hội càng hưng thịnh, đời sống càng được nâng lên thì lễ mừng thọ càng được quan tâm.

Lễ mừng thọ được tổ chức sao cho vừa trang trọng vừa ấm cúng, giữ được thuần phong mỹ tục Việt Nam, hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước xây dựng một hoạt động văn hóa phù hợp với những tiêu chí gia đình văn hóa và đời sống văn hóa ở khu dân cư thì sẽ đem lại niềm vui và may mắn cho cả gia đình cũng như cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lễ mừng thọ - đạo hiếu của người Việt