Để tiếp tục thúc đẩy việc phát triển và áp dụng án lệ trong xét xử, ngày 25/4, TANDTC tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ và dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về án lệ”.
Đến dự và chủ trì buổi Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; các đồng chí Phó Chánh án TANDTC; bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam; các thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; Thành viên Hội đồng tư vấn án lệ và lãnh đạo một số Tòa án tỉnh, thành phố phía Bắc cùng các chuyên gia pháp lý, nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Theo đó, những ý kiến góp ý của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là tư liệu tham khảo quan trọng cho TANDTC hoàn thiện, đảm bảo chất lượng của Báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam và dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HDTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, Nghị quyết bước đầu làm rõ được khái niệm án lệ, các tiêu chí lựa chọn án lệ, nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử, đồng thời đưa ra một quy trình ban hành án lệ hết sức chặt chẽ từ khâu rà soát, phát hiện, đề xuất án lệ đến khâu thẩm định, thông qua án lệ.
Trên cơ sở Nghị quyết này, đến nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành 26 án lệ. Các án lệ được công bố đã góp phần bổ khuyết cho hệ thống pháp luật, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án; đồng thời, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn xét xử của các Tòa án.
Tuy nhiên, sau hơn 03 năm thi hành, việc áp dụng Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, Nghị quyết cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập như: Chưa có quy trình thông qua án lệ theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với những quyết định giám đốc thẩm mà Hội đồng Thẩm phán TANDTC thống nhất lựa chọn phát triển thành án lệ tại phiên tòa giám đốc thẩm; Quy trình “hủy bỏ, thay thế án lệ” chưa thực sự phù hợp: Một số hướng dẫn của Nghị quyết còn chung chung dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau trong thực tiễn áp dụng, ví dụ xác định thế nào là “vụ việc tương tự” tại khoản 2 Điều 8 của Nghị quyết; Quy trình rà soát, phát hiện bản án, quyết định để đề xuất, phát triển thành án lệ còn rườm rà, phức tạp, chưa hiệu quả; Chưa có hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án dẫn đến việc viện dẫn án lệ không thống nhất.
Các thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC tham dự buổi Hội thảo
Được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc, Nhóm nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực tiễn thi hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và đưa ra những khuyến nghị để cải thiện quy trình lựa chọn án lệ trong dự thảo Báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, TANDTC đã xây dựng dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Bà Caitlin Wiesen, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam phát biểu tại buổi Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho các Thẩm phán và cán bộ tòa án trong nỗ lực giải quyết những thách thức và bất cập trong quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
Bà Wiesen nói: “Tất cả các thẩm phán cần sử áp dụng hiệu quả án lệ trong các bản án, quyết định của mình. Việc dự thảo bản án, quyết định của Tòa án cũng cần được cải thiện để các Thẩm phán khác có thể hiểu rõ lập luận dẫn đến các bản án, quyết định”.
Quang cảnh buổi Hội thảo
Cũng tại Hội thảo, TS Nguyễn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, nguyên Phó Chánh án TANDTC, Trưởng nhóm nghiên cứu, trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo Nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ tại Việt Nam. Cùng với đó, các đại biểu và chuyên gia pháp lý, nhà khoa học đã tích cực trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực nhằm bổ sung, hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Đa số các đại biểu đồng tình và đánh giá cao nội dung dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về án lệ và Báo cáo nghiên cứu về quy trình tuyển chọn án lệ của Việt Nam. Tuy nhiên vẫn còn một số ý kiến khác nhau.
TS. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP mới chỉ hướng dẫn mang tính nguyên tắc mà chưa hướng dẫn cụ thể về cách viện dẫn án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án nên Thẩm phán còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình áp dụng, viện dẫn án lệ trong thực tiễn xét xử. Do vậy trong thời gian tới cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho các Thẩm phán để có nhận thức đúng đắn về vấn đề này.
Từ trái qua phải: TS. Phạm Quý Tỵ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội; Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Hoà giải viên CEDR, Giám đốc điều hành của Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự; PGS.TS. Đỗ Văn Đại - Trưởng khoa Khoa luật Dân sự, Đại học Luật TP HCM
Luật sư Nguyễn Hưng Quang, Hoà giải viên CEDR, Giám đốc điều hành của Văn phòng luật sư NHQuang & Cộng sự thì cho hay, dự thảo Báo cáo cũng đã có một số phát hiện khá, rất đáng phân tích thêm về chiều sâu đối với quy trình tuyển chọn án lệ, như thời gian của quy trình án lệ, thành phần tham gia phiên họp thông qua án lệ, viện dẫn án lệ, giá trị pháp lý của án lệ... Do dự thảo Báo cáo chủ yếu dựa trên phân tích kết quả khảo sát bằng bảng hỏi mà chưa thấy có những thông tin về khảo sát bằng phỏng vấn trực tiếp để có thể làm rõ hơn một số vấn đề, câu hỏi hoặc có những thông tin thực tế hoặc đặc thù của mỗi Toà án.
Chuyên gia đại diện KOICA và Chuyên gia đại diện UNDP trình bày tham luận tại Hội thảo
Kết luận buổi Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu là rất xác đáng, đều đồng tình và ủng hộ tiến trình phát triển án lệ của Việt Nam là một bước tiến đáng ghi nhận. Mặc dù kết quả còn đang khiêm tốn nhưng đã tạo ra một bước tiến mới. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến hơn nữa vào dự thảo Báo cáo, để Tòa án Việt Nam đạt được những kết quả, mục tiêu đã đề ra.