Sau thời của đệ nhất mỹ nhân ba Trà, ở Sài Gòn nói riêng và miền Nam nói chung cũng từng có nhiều mỹ nhân khác với những thiên tình sử bi đát, làm xót xa, rung động trái tim của nhiều lớp người.
Đến bây giờ, nhiều độc giả vẫn còn muốn biết rõ hơn về cuộc đời tình ái của một trong tứ đại mỹ nhân của Sài Gòn xưa mang tên Trần Ngọc Trà (tức cô ba Trà), đặc biệt là giai đoạn mà người đẹp vướng vào ả phù dung (á phiện) và chơi bùa ngải. Sau một thời gian thu thập thêm tư liệu, tác giả là một nhà văn, từng có thời gian làm báo tại Sài Gòn trước năm 1975 xin cống hiến cho quý độc giả loạt bài viết về cô ba Trà. Chúng tôi hy vọng, loạt bài này sẽ giải đáp được những thắc mắc của nhiều người về cuộc đời của một đệ nhất mỹ nhân nhiều vinh quang mà cũng đầy cay đắng.
Phạm vào điều cấm kỵ
Vào những năm đầu của thập niên 20 thế kỷ trước, hầu như cô gái nào sinh ra ở vùng phụ cận Sài Gòn hoặc các tỉnh lẻ xa xôi cũng đều hướng về nơi có ánh đèn của cái đô thị được mệnh danh là hòn ngọc viễn đông, mơ ước một ngày nào đó mình sẽ được đặt chân tới nơi ấy, được sống và tắm mình trong thứ ánh sáng hão huyền đầy quyến rũ kia.
Trần Ngọc Trà ra đời tại một vùng quê của huyện Cần Giuộc. Tuy Cần Giuộc nằm không xa lắm vùng ngoại thành Sài Gòn, nhưng đối với một cô gái bé bỏng, ít học và con nhà nghèo như Ngọc Trà thì dẫu có mơ ước cũng không thể nào hy vọng được đặt chân tới cái đô thị xa hoa, ngập ngụa ánh sáng ấy.
Chồng bỏ về mẫu quốc khi mới qua tuổi 16, Ngọc Trà chỉ còn biết khăn gói trở về ngôi nhà nghèo khó
của mẹ ở Cần Giuộc
Là con thứ trong gia đình nên Ngọc Trà thường được gọi là ba Trà. Tuy nghèo nhưng gia đình Ngọc Trà không đến nỗi đói cơm, thiếu áo. Vậy mà Ngọc Trà hầu như lúc nào cũng thiếu và nghèo một thứ đặc biệt hơn, đó là tình thương của cha mẹ.
Sở dĩ có chuyện ấy là do cha của Ngọc Trà vắn số mới ngoài 30 tuổi đã bỏ lại trên cõi đời một người vợ và đứa con gái nhỏ côi cút. Mẹ của Ngọc Trà một thân không thể cưu mang nổi mấy đứa con, trong đó Ngọc Trà là đứa mà bà ray rứt nhiều đêm, lo lắng cho nó nhiều hơn hết. Bởi, giác quan nhạy bén của một người mẹ, khi nhìn đứa con gái nhỏ của mình với ánh mắt lúc nào cũng ươn ướt và đượm buồn chớ không tươi sáng, tinh anh như những đứa trẻ khác. Thêm chuyện Ngọc Trà còn là nạn nhân của một định kiến sai lầm của gia tộc bên nội.
Khi ấy, trước cái chết của người cha, ông bà nội của Ngọc Trà đổ thừa rằng do khi sinh Ngọc Trà ra đã phạm vào điều cấm kỵ “nếu còn con thì ắt mất cha”. Do đó, bà nội của cô quy kết chắc nịch rằng, cô là nguyên nhân khiến cho cha cô chết sớm.
Từ việc kết tội, ghét bỏ Ngọc Trà, mẹ cô cũng bị lên án, bị gia đình bên chồng ruồng bỏ, hắt hủi. Vì vậy, mẹ con cô không được nhà bên nội cưu mang, giúp đỡ trong khi không giàu lắm nhưng cũng đủ sức lo cho cháu nội của mình. Đây là nguyên nhân khiến cho mẹ của Ngọc Trà quẫn trí và hận lây người chồng quá cố đã ra đi đột ngột, để lại món nợ cho bà phải nhận lãnh và khổ sở.
Bạc bẽo phận má hồng
Bốn năm bị gia đình nội hắt hủi, rẻ rúng, đến khi Ngọc Trà được 14 tuổi thì sức chịu đựng của người mẹ không còn gánh nổi nữa. Cho nên, ngoài những trận đòn roi trút lên cô con gái nhỏ ấy, do hận đời, hận bên chồng, mẹ của Ngọc Trà đã có một ý định mà khi ấy dẫu còn rất nhỏ, Ngọc Trà cũng hiểu rằng, quyết định đó sẽ đưa cuộc đời cô vào ngõ cụt không có lối ra!
Cái quyết định mà sau này chính Ngọc Trà đã chua xót kể lại với bạn bè rằng: “Má tui thiệt ra không phải ghét bỏ gì tui đâu. Nhưng vì hình ảnh của tui khiến cho bà luôn nghĩ rằng tui là nguyên nhân dẫn tới mọi tai họa và là đầu dây mối nhợ đẩy bà vào vòng khổ sở triền miên. Do đó, bà muốn tống khứ tui đi cho khuất mắt!”.
Đó là quyết định đem gả cô con gái chưa đầy 15 tuổi của mình cho một mối ở Sài Gòn. Thời ấy, những người quen biết khi nghe quyết định của mẹ cô ba Trà đều sững sờ. Bởi, người mà Ngọc Trà bị đem gả bán là một lão Tây già, lớn hơn tuổi cha của cô. Thời ấy, nếu có ai hỏi mẹ của Ngọc Trà rằng tại sao bà làm như vậy, thì sẽ nhận được câu trả lời ngắn gọn, gả con gái ở tuổi vị thành niên cho một lão Tây mới không bị ai phản đối, và luật pháp cũng không bắt bẻ gì. 15 tuổi đã có chồng, mà lại là một ông Tây già, Ngọc Trà có muốn phản đối, có khóc lóc, chối từ cũng chẳng làm cách nào được. Cho nên, cô bé đã buông tay để cho dòng đời đưa đẩy.
(Còn nữa…)
Lỡ làng tình duyên
Một năm đầu mang tiếng là gái có chồng nhưng hầu như Ngọc Trà không hề ý thức được chuyện làm vợ là như thế nào. Bởi, thật sự ra thì đó là một cuộc gả bán, mà bản thân Ngọc Trà không hề biết, kể cả việc làm vợ theo đúng nghĩa là như thế nào cô cũng không biết, cho nên cô chỉ biết cố chịu đựng và âm thầm chấp nhận cay đắng. Cùng với sự phát triển của cơ thể và trí óc của một cô gái non nớt sang tuổi hiểu biết của một người con gái là một thân phận hẩm hiu… May hay rủi cũng chưa biết chừng, đó là việc hơn một năm sau, lão Tây già đột ngột bỏ về mẫu quốc, để lại Ngọc Trà bơ vơ, lỡ làng… Cô bé mới qua tuổi 16, còn biết làm gì hơn là khăn gói trở về quê nhà ở Cần Giuộc.
|