Tâm điểm dư luận

Lấp “kẽ hở” trong quy định về giá đất

Trung Nguyễn 21/03/2023 09:23

Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về giá đất, khung giá đất, phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác định giá đất.

Tuy nhiên, bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Công tác định giá đất cụ thể ở một số nơi chưa kịp thời, chưa có cơ chế, nguồn lực để thu thập đầy đủ các dữ liệu, thông tin giá thị trường phục vụ cho công tác định giá đất, bảo đảm định giá phù hợp với giá thị trường.

dinh-gia-dat(1).jpg
Ảnh minh họa

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thời gian qua, giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng “hai giá” - kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến.

Thực trạng hiện nay, trong giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất luôn tồn tại hai giá khác nhau, giá trong hợp đồng thấp hơn rất nhiều so với giá thực tế để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.

Một trong những nguyên nhân là do thuế chuyển quyền sử dụng đất hiện quá cao, trong khi bảng giá đất do Nhà nước ban hành quá thấp so với giá thị trường nên tình trạng này tồn tại lâu nay chưa giải quyết được.

Từ thực tế này, đại biểu Huỳnh Thanh Phương nhấn mạnh, làm thế nào để xác định giá đất sát với giá thị trường là điều mà dự luật Đất đai (sửa đổi) phải tính toán kỹ.

Theo quy định hiện nay, nếu giá chuyển nhượng trong hợp đồng cao hơn bảng giá của Nhà nước thì sẽ tính thuế theo giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng, nếu thấp hơn bảng giá thì tính thuế theo bảng giá. Do cơ chế này nên người dân chỉ kê khai giá như bảng giá, trừ trường hợp khác.

Những tháng đầu năm 2022 đã xuất hiện tình trạng “sốt đất ảo” ở một số địa phương khi giá đất tăng cục bộ đi đôi với hoạt động đầu cơ, làm mất đi ưu thế về thu hút vốn đầu tư của địa phương, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở địa phương và làm ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Báo cáo thường niên của Chính phủ về khiếu nại, tố cáo cho thấy, khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai và việc thực hiện thu hồi đất, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi triển khai các dự án chiếm gần 70% trong tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, thực tế người dân không phản đối việc Nhà nước thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Điều người dân phản đối, không chấp nhận chính là việc thu hồi đất chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân hoặc nhóm người nhưng lại áp giá đền bù thấp mang tính áp đặt.

Tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong việc định giá đất tại một số địa phương thời gian qua một phần do những bất cập trong việc xác định bảng giá đất không sát giá thị trường. Chính vì vậy, tính minh bạch, khách quan, chính xác của bảng giá đất là vấn đề rất quan trọng, góp phần định giá đất cụ thể.

Giá đất là một phần quan trọng của chính sách tài chính về đất đai, là công cụ kinh tế điều tiết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu và người sử dụng đất. Các quy định về giá đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội bởi nó liên quan thiết thực đến quyền lợi và nghĩa vụ của người sử dụng đất.

Vì vậy, các vấn đề pháp lý điều chỉnh về giá đất và định giá đất phải có cơ sở khoa học và phù hợp với thực tiễn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấp “kẽ hở” trong quy định về giá đất