Lãnh đạo không vào Quốc hội để chuyên tâm công việc địa phương

Nhóm PV| 24/03/2016 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bên lề kỳ họp thứ 11 quốc hội khóa 13, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với báo chí về việc không ứng cử đại biểu Quốc hội của lãnh đạo chủ chốt địa phương.

Lãnh đạo không vào Quốc hội để chuyên tâm công việc địa phương

Đại biểu Lê Minh Thông. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

PV: Thưa Đại biểu Lê Minh Thông, ông đánh giá thế nào về việc nhiều lãnh đạo chủ chốt địa phương không tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa tới?

Đại biểu Lê Minh Thông: Việc không nhiều các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ngành, địa phương tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội là bình thường. Quốc hội chỉ có 500 ghế thì phải dành nhiều cho những người đại diện cho các tầng lớp nhân dân của các giai tầng xã hội nhằm đảm bảo tính đại diện tốt hơn.

Hơn nữa, những vị trí chủ chốt bộ, ngành địa phương cũng có nhiều công việc mà các đồng chí đó phải đảm nhận, xử lý, cho nên để dành nhiều thời gian cho hoạt động của Quốc hội sẽ khó khăn. Vì vậy, việc nhiều đồng chí lãnh đạo chủ chốt không tham gia Quốc hội cũng nhằm tạo điều kiện để các đồng chí đó tập trung, thời gian, trí lực để xử lý các vấn đề địa phương một cách tốt hơn. Hoạt động của Quốc hội nếu không chuyên trách cũng mất rất nhiều thời gian.

PV: Có quan điểm cho rằng nếu người đứng đầu địa phương là đại biểu Quốc hội cũng sẽ có nhiều ý kiến và đóng góp được nhiều hơn, điều đó có đúng không thưa ông?

Đại biểu Lê Minh Thông: Trong các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương đều có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các tỉnh và họ đã mang tiếng nói của Ban lãnh đạo đó vào trong nghị trường rồi.

Vì chúng ta lãnh đạo tập thể rất là nhiều, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như Phó Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân hay Thường vụ tỉnh ủy tham gia vào Quốc hội thì khi tỉnh ủy, ủy ban nhân dân thảo luận vấn đề thì các đồng chí đó cũng mang tinh thần ra Quốc hội. Điều này vẫn đảm bảo những chủ trương, kế hoạch, mong muốn của chính quyền địa phương đều được truyền tải đến Quốc hội thông qua những đại diện ấy, chứ không nhất thiết những đồng chí lãnh đạo chủ chốt mới trình bày được vấn đề đó.

PV: Nhưng khi Bí thư, Chủ tịch tỉnh tham gia sẽ lĩnh hội được trực tiếp những chính sách mà Quốc hội ban hành thì khi triển khai sẽ triển khai tại địa phương cũng kịp thời và nhanh chóng hơn…?

Đại biểu Lê Minh Thông: Tôi nghĩ hoạt động của Quốc hội là công khai, mọi vấn đề đều thảo luận công khai và báo chí tiếp cận, thông tin rộng rãi kể cả truyền hình trực tiếp, cho nên dù các đồng chí lãnh đạo chủ chốt địa phương không tham gia vẫn tiếp cận được các hoạt động của Quốc hội dưới rất nhiều cách. Sản phẩm cuối cùng của Quốc hội là các luật, các luật đó đều rất rõ về hành lang pháp lý mà bất cứ công dân, tổ chức công quyền nào đều phải thực hiện.

Đối với các đồng chí lãnh đạo thì trình độ càng cao thì càng rất rõ và rất dễ tiếp cận các luật.

PV: Ông có nói việc lãnh đạo chủ chốt không ứng cử đại biểu Quốc hội là để chuyên tâm hơn công việc của địa phương, thế nhưng có lo ngại là họ sẽ sa vào các cuộc họp của địa phương?

Đại biểu Lê Minh Thông: Theo tôi cần phải tư duy mạch lạc là việc nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương không tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội không có nghĩa là đồng chí sẽ tổ chức nhiều cuộc họp ở địa phương.

Mỗi đồng chí đều có chương trình hoạt động rất rõ và hoạt động của chính quyền địa phương cũng có kế hoạch hẳn hoi, cho nên không phải không tham gia Quốc hội mà có nhiều cuộc họp ở địa phương. Họ sẽ triển khai công việc một cách linh hoạt phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương và nhiệm vụ cụ thể của từng địa bàn mà thôi.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về số lượng doanh nghiệp tư nhân tham gia Quốc hội lần này có xu hướng giảm đi?

Đại biểu Lê Minh Thông: Tôi nghĩ rằng không nên băn khoăn việc tăng lên hay giảm xuống. Bản thân các doanh nghiệp họ có quyền tự ứng cử, ngoài danh sách được đề cử và họ thấy mình đủ các điều kiện, đáp ứng các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội được ghi trong Luật Tổ chức Quốc hội thì họ có quyền ứng cử.

Đối với luật hiện hành không phân biệt giữa người được giới thiệu và người tự ứng cử, nghĩa là người đó phải đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, các điều kiện được quy định trong luật và được cử tri tín nhiệm, lựa chọn, đó mới là cơ bản.

Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lãnh đạo không vào Quốc hội để chuyên tâm công việc địa phương