Lạng Sơn: Chuyện một Chánh án huyện được bồi thường oan sai

congly.com.vn| 13/04/2012 10:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một vụ việc dân sự nhưng đã bị “hình sự hóa” nên dẫn đến oan sai trong tố tụng. Người bị oan đã được bồi thường, được xin lỗi công khai nhưng tổn thất về danh dự, vật chất và tinh thần thì không dễ gì bù đắp được.


Ngày 25-5-1995, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có Quyết định số 192 cho phép TAND huyện Bình Gia khởi công xây dựng trụ sở với mức dự toán kinh phí được duyệt là 550 triệu đồng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng ban hành Quyết định số 310/QĐ-BQL-ĐT chỉ định ông Hoàng Văn Nội, Chánh án TAND huyện Bình Gia là chủ đầu tư, Trưởng Ban quản lý dự án - trực tiếp điều hành quản lý và thực hiện dự án. Tham gia Ban quản lý dự án còn có ông Hoàng Kim Tuần, Thẩm phán, kế toán cơ quan kiêm kế toán của dự án; bà Triệu Thu Phương, cán bộ TAND huyện Bình Gia, kiêm thủ quỹ dự án.


Đơn vị nhận thầu thi công công trình là Công ty TNHH Nội Duệ, Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh) do ông Lê Văn Phong làm Đội trưởng đội xây dựng. Hợp đồng giao thầu ghi rõ: “Bên A có đủ vốn thanh toán khi hợp đồng xây dựng xong… Bên B tự lo nhân lực, tiền vốn để thi công…”. Khi thi công công trình, ông Phong đã ủy quyền (bằng miệng) cho con trai là Lê Thanh Hải thực hiện thi công. Trong quá trình làm việc, do khó khăn về vốn, Hải đã nhờ ông Hoàng Văn Nội vay hộ tiền.

Ông Hoàng Văn Nội


Tháng 7-1995, ông Nội cùng Hải đã đến gặp ông Hoàng Văn Căn, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT huyện Bình Gia đặt vấn đề cho vay tiền xây dựng trụ sở, hẹn khi nào có hạn mức do Bộ Tư pháp cấp sẽ trả và được ông Căn đồng ý cho vay vốn. Tuy nhiên, khi vay được số tiền 200 triệu đồng, Lê Thanh Hải đã không đưa vào quỹ TAND huyện Bình Gia để xây dựng dự án mà đã cầm để sử dụng riêng.


Khi công trình xây dựng hoàn thành, tổ chức nghiệm thu để đưa vào sử dụng, TAND huyện Bình Gia đã chuyển kinh phí đầu tư của Bộ Tư pháp cho đơn vị thi công. Nhưng ngược lại phía đại diện thi công công trình là ông Lê Thanh Hải đã không chuyển trả ngân hàng món nợ 200 triệu đồng cùng khoản lãi mà trước đó ông Hoàng Văn Nội lấy danh nghĩa là Tòa án huyện Bình Gia để bảo lãnh vay hộ tiền. Lê Thanh Hải thừa nhận khoản nợ trên nhưng cho rằng do kinh tế gia đình khó khăn nên chưa trả được.


Ngày 7-4-2006, VKSND tỉnh Lạng Sơn đã truy tố ông Hoàng Văn Nội về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 1 Điều 165 BLHS.


Qua các phiên tòa sơ thẩm rồi phúc thẩm, HĐXX đều nhận định, theo quy định hiện hành TAND huyện Bình Gia là đơn vị hành chính, sự nghiệp không thuộc diện được vay vốn các tổ chức tín dụng, được quy định tại Quyết định số 198/QĐ-NH1 của Thống đốc NHNNVN. Chi nhánh Ngân hàng NN&TPNT huyện Bình Gia là tổ chức tín dụng biết quy định như vậy nhưng vẫn cho TAND huyện Bình Gia vay là các cán bộ Ngân hàng đã cố tình làm trái chứ không phải lỗi của ông Hoàng Văn Nội. Hạn mức mà Bộ Tư pháp cấp cho Tòa án Bình Gia xây dựng trụ sở không bị thất thoát đồng nào, ở đây nguyên nhân và hậu quả khác nhau nên không thể quy kết ông Nội tội “cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng”.


Hơn nữa, trước khi có hợp đồng vay vốn này đã có buổi họp Hội đồng tư vấn ngày 4-8-1995, có sự tham gia của Giám đốc chi nhánh ngân hàng là ông Hoàng Văn Căn cùng Trưởng phòng tín dụng, kế toán ngân hàng huyện Bình Gia và trực tiếp xét duyệt hồ sơ. Ông Hoàng Văn Căn biết rất rõ điều đó nhưng vẫn chấp nhận giao kết hợp đồng với ông Hoàng Kim Tuần. Chính hành vi cố ý làm trái của lãnh đạo ngân hàng mới tạo điều kiện cho Lê Thanh Hải chiếm dụng vốn của Ngân hàng. HĐXX cũng cho rằng, quan hệ hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng NN&PTNT huyện Bình Gia và ông Hoàng Kim Tuần là giao dịch vô hiệu. Và, về nguyên tắc cán bộ Ngân hàng lợi dụng chức vụ quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng thì có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước.


Bên cạnh đó, số vốn đầu tư xây dựng trụ sở do Bộ Tư pháp cấp không bị thất thoát, công trình đã được nghiệm thu và quyết toán nên ông Hoàng Văn Nội không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” như Cáo trạng mà VKSND tỉnh Lạng Sơn truy tố. Còn về phần dân sự thì buộc những bên có liên quan như ông Hoàng Văn Căn, ông Lê Thanh Hải, ông Hoàng Văn Nội, Hoàng Kim Tuần… phải có nghĩa vụ khắc phục khoản nợ đối với ngân hàng.


Từ những phân tích trên, cả hai cấp Tòa đều tuyên ông Hoàng Văn Nội vô tội và VKSND tỉnh Lạng Sơn đã phải công khai xin lỗi, tiến hành bồi thường oan sai cho ông Hoàng Văn Nội số tiền 33 triệu đồng (năm 2009).


Ông Nguyễn Văn Dục, Trưởng phòng giám đốc kiểm tra TAND tỉnh Lạng Sơn (năm 2002-2007 ông giữ chức vụ Trưởng phòng tổ chức cán bộ) cho hay: Sự việc xảy ra không có dấu hiệu hình sự nhưng với cương vị là Chánh án huyện Bình Gia lúc đó, ông Nội vẫn bị tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng và đến nay vẫn chưa được tái bổ nhiệm lại. Ông Nội dù đã được minh oan nhưng điều đó cũng không thể bù đắp được những tổn thất xảy ra về mặt tinh thần, vật chất cũng như danh dự của cá nhân ông Nội.


M.Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạng Sơn: Chuyện một Chánh án huyện được bồi thường oan sai