Nếu họ làm sai, người dân có thể thực hiện khiếu nại hoặc tố cáo theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không được phép cản trở, xúc phạm hay chống đối.
Hỏi: Hiện nay, tôi thấy rất nhiều trường hợp người dân không chấp hành hiệu lệnh điều kiển của lực lượng làm công tác tại chốt kiểm dịch, có hành vi la lối, xúc phạm, lăng mạ, thậm chí là tấn công lực lượng tại chốt. Xin hỏi luật sư là hành vi này bị xử lý như thế nào?
Mai Văn Long, Hà Nội
Trả lời:
Những người làm việc tại các chốt kiểm dịch bao gồm cả tình nguyện viên, cán bộ phường, cán bộ y tế, dân quân tự vệ, chiến sỹ công an... đều được pháp luật thừa nhận là những người được Nhà nước giao thực hiện nhiệm vụ công vụ. Họ đại diện cho Nhà nước thực hiện một số hoạt động quản lý hành chính nhất định. Nếu họ làm sai, người dân có thể thực hiện khiếu nại hoặc tố cáo theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không được phép cản trở, xúc phạm hay chống đối.
Hành vi la lối, xúc phạm, tấn công lượng lượng đang làm việc tại các chốt kiểm dịch là hành vi vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 thì hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức bị xử phạt từ 2 cho tới 3 triệu đồng; hành vi gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ hoặc công cụ hỗ trợ thì bị phạt từ 3 cho tới 5 triệu đồng.
Đối với hành vi tấn công, hành hung cán bộ đang thi hành công vụ, trường hợp có thương tích sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung trách nhiệm hình sự là “đối với người thi hành công vụ”. Hành vi này có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng tới tù chung thân tùy vào mức độ thương tật của bị hại.
Đối với hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ mà không thuộc trường hợp trên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 về tội chống người thi hành công vụ với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 đến 07 năm.
Hành vi lăng mạ, xúc phạm, hành hung các cán bộ đang thi hành công vụ là những ứng xử kém văn hóa, thiếu văn minh dù bất kể lý do là gì. Mọi ứng xử giữa con người với con người cần phải thực hiện dựa trên các quy định của pháp luật. Để bảo vệ lợi ích của chính mình, người dân phải bình tĩnh, có thái độ thiện chí hợp tác, như vậy sẽ giúp giải quyết vấn đề nhanh chóng và hiệu quả hơn.