Làng khát nước sạch giữa Thủ đô

Phượng Lê| 14/03/2014 13:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đến làng Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ, huyện Thanh Oai, Hà Nội, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi ma trận những đường ống nước được nối thẳng từ ao Sen của làng vào bể lọc của từng hộ dân.

Từ nhiều năm nay, người dân ở đây đã quen với việc sử dụng nước từ cái ao tù này thay vì nước sạch. Và, họ cũng quen với những chùm ống nước giăng tứ tung trên đầu người chẳng khác gì mạng nhện…

Thiếu nước do cấu trúc địa tầng

Ngọc Than nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 40km. Làng chỉ có gần 1.900 hộ dân nhưng có đến khoảng hơn 100 hộ dùng nước từ ao Sen cho việc sinh hoạt hằng ngày. Để tiết kiệm chi phí lắp đặt, thông thường cứ ba hộ dùng chung nhau một đường dẫn. Mỗi gia đình được chia một khoảng thời gian bơm nhất định. Thật khó có thể tin được, ở một làng ngoại thành của Thủ đô Hà Nội mà lại có chuyện hàng mấy trăm con người phải dùng nước từ cái ao tù, nước đọng khi mùa hạn và đầy chất thải mỗi mùa mưa.

Theo người dân ở đây cho biết thì địa tầng làng Ngọc Than có rất ít mạch nước ngầm và trữ lượng cũng không lớn. Có những hộ gia đình khoan đến 7 mũi nhưng vẫn không tìm được mạch nước, mà có tìm được thì dùng chưa đến nửa năm là hết. Tuổi thọ giếng nào lâu nhất cũng chỉ được 7, 8 tháng. Thậm chí, nhiều hộ thuê người về khoan dò, nông 40m, sâu đến 70m nhưng cũng đành lắc đầu nên những nhà khoan tìm được nước thì như bắt được vàng. Dò ở đâu có nước là các hộ đặt giếng ở đấy, bất kể dù là trong nhà, ngoài ngõ. Có người còn khoan giếng ngay dưới gầm giường ngủ.

Làng khát nước sạch giữa Thủ đô

Ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ cách lấy nước từ ao Sen về nhà

Cứ 4 giờ sáng, anh Nguyễn Bá Hưng lại trở dậy bơm nước lên bể để dùng, chiếc máy bơm nước được để dưới gầm giường trong đêm kêu to khiến các cháu nhỏ giật mình mất ngủ. Dần thành quen, vì nếu không bơm thì chẳng có nước để dùng. Thế nhưng, thời gian gần đây, giếng nhà anh cũng cạn, bơm mãi mà cũng chẳng có nổi giọt nước nào. Không chỉ mỗi gia đình anh Hưng “khát” nước, mà mấy gia đình xung quanh cũng phải chịu chung cảnh ngộ, càng bơm càng nản.

Nước từ lòng đất không có, người dân làng Ngọc Than chỉ còn trông vào nguồn nước từ… trên trời! Hà Nội những ngày đầu Xuân mưa dầm dề không dứt. Nước mưa không đủ nhiều để hứng mà càng làm cho những con đường trong ngõ trở nên lầy thụt, nhếch nhác. Quần áo, xe cộ cáu bẩn, nhưng không có nước nên người dân đành chịu. Đấy là mùa đông, còn khi vào hè thì đỡ hơn đôi chút vì mưa nhiều. Những thùng chứa nước mưa được tận dụng hết công suất, nước chứa trong đó được chia ra dùng cho việc nấu nướng. Dù có dùng tiết kiệm cỡ nào thì khối lượng nước đó cũng chả thấm tháp vào đâu. Bấy giờ, mọi người trong làng bắt đầu nghĩ đến nước từ ao Sen.
Hàng trăm hộ dân sống bằng nước ao

Ao Sen được gọi là ao tù là bởi nó không được thông, nối với bất kỳ nhánh sông nào. Trước kia, ao Sen còn là nơi chứa nước thải từ các cống, rãnh, thậm chí cả bể phốt trong làng. Từ khi nước sạch cạn kiệt, người dân bắt đầu giữ gìn nguồn nước ở đây hơn. Hằng ngày, từ sáng đến trưa, người dùng nước ở ao Sen không lúc nào ngớt. Người giặt quần áo, rửa xe, rửa rau… lúc nào cũng nhộn nhịp. Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Thành ở xóm Giữa khi ông đang lúi húi sửa ống nước, ống nước của gia đình ông đang bị tắc ở đầu nối từ ao Sen do bị kẹt rác và bèo nên máy bơm vẫn chạy mà nước không về được. Do không biết ống nước bị kẹt, nhà ông Thành đã hết giờ bơm nước nên ông đành phải đợi cho những gia đình chung đường ống dẫn nước bơm trước, sau đó mới đến lượt ông. Theo lịch, gia đình ông Thành sẽ được bơm nước vào buổi sáng, từ 7 - 10 giờ , mỗi ngày bơm trong khoảng 4 tiếng đồng hồ nhưng cũng chỉ được gần một khối nước. Số nước ít ỏi này sẽ được dùng cho 6 người sinh hoạt và gần 40 con lợn đang được nuôi trong chuồng…

Làng khát nước sạch giữa Thủ đô

Nước ao Sen được người dân dùng trong tất cả các sinh hoạt

Trung bình cứ vài ngày, ông Thành lại phải thông đầu ống nước do rác, bùn và bèo bị hút vào làm tắc. Thậm chí, ông còn dùng những chiếc thùng nhựa cỡ lớn, khoét thành những lỗ nhỏ, rồi dìm xuống cho nước ao lọt vào rồi đặt ống hút nước. Thế nhưng, cách này cũng chỉ dùng được vào mùa mưa, mùa nắng, nước ao Sen cạn thấy đáy, chiếc vòi phải cắm sâu mới lấy được nước. Cực chẳng đã, ông và mọi người phải xây các trụ để có thể cắm vòi xuống sâu hơn. Xây những trụ gạch này phải tốn rất nhiều công sức, bởi nước ao Sen vào mùa nắng rất cạn nhưng lớp bùn lại quá dày. Vòi hút nước được cắm sâu đến hơn 1m, sau khi bật máy, nước hút về bể sẽ qua 3 lần lọc. Một lần lọc qua vỏ trấu và than được nén chặt, một lần lọc qua tro và cát, lần cuối cùng lọc qua cát trắng. Mặc dù qua nhiều lần lọc nhưng nước ở đây vẫn váng vất mùi tanh.

Để có nước dùng, người dân nơi đây phải bỏ ra một số tiền lớn, số tiền ấy có thể dùng nước sạch thoải mái mà không phải lo đến bệnh tật. Ông Thành cho biết, để đầu tư một chiếc máy bơm cũng mất vài triệu, ngoài ra còn dây điện, đường ống nước… Tổng số tiền sau dăm bảy lần khoan tìm nước của mỗi gia đình cũng ngót nghét đến 50 triệu đồng, đó là chưa tính đến tiền điện. Trung bình mỗi tháng, một hộ phải trả khoảng 400.000 tiền điện, trong đó hơn một nửa là tiền bơm nước từ ao Sen về, cộng thêm chi phí thay ống nước, dây điện khoảng 300.000/năm. Chỉ tính sơ sơ như thế cũng đã thấy, mức độ tốn kém cho nước sinh hoạt của người dân Ngọc Than lớn đến nhường nào!

Cũng chính vì “khát” nước quanh năm nên người dân Ngọc Than lại mong bão hơn là sợ. Mỗi cơn bão về, họ giăng hết những thứ có thể chứa được nước để đợi. Bão chuyển hướng thì chỉ còn lại những tiếng thở dài. Người trong làng bảo, chẳng dân ở đâu như ở làng Ngọc Than, không biết sợ mưa bão mà còn đợi để đón về. Mỗi cơn bão qua đi, nhà nào cũng chứa được những bể nước mưa đầy để dùng cho cả năm. Dù trong những chiếc bể chứa đến vài khối nước ấy, có vô số vi trùng, bọ gậy…

Làng khát nước sạch giữa Thủ đô

Những đường ống nước vắt vẻo trên đầu người ở Ngọc Than

Biết bẩn nhưng vẫn phải dùng!

Vẫn biết dùng nước ao Sen là mất vệ sinh, nhưng nếu không dùng thì cũng chẳng biết lấy nước ở đâu, nên từ mấy năm nay, người dân Ngọc Than đành “nhắm mắt dùng liều”. Bà Nguyễn Thị Hoa sống gần ao Sen cho hay: “Chúng tôi ở gần ao Sen còn có nước mà dùng, chứ những hộ ở xa thì chịu. Có nước ao là vẫn còn may, không có còn khổ hơn gấp trăm lần”.

Quanh năm tắm giặt nước ao, nên trong thôn rất nhiều gia đình ở Ngọc Than có tích trữ thuốc trị ghẻ nước, nấm ngoài da… Ông Thành mang ra cho chúng tôi xem một nắm đầy những loại thuốc tuýp lớn nhỏ, thuốc bôi có, thuốc uống có.

Anh Nguyễn Bá Hưng, Trưởng thôn Ngọc Than cho biết: “Tình hình thiếu nước ở thôn đã diễn ra nhiều năm nay, các báo đài cũng đã nói nhiều nhưng chưa thay đổi được gì. Gia đình tôi 7 người chỉ dùng một khối nước/ngày, nước dùng cho sinh hoạt sẽ tích lại để dội bồn cầu và tưới cây”. Cứ theo một chu trình, nước được lấy từ ao Sen về lọc, sau khi sử dụng nước thải sẽ chảy theo các cống rãnh. Những ngày mưa lũ, nước trong các ao của hộ dân tràn ra mang theo cả nước thải sinh hoạt lại chảy dồn xuống ao Sen, người dân lại tiếp tục lấy nước về lọc để sinh hoạt. Với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh ấy nên việc bệnh tật xảy ra là điều không tránh khỏi.

Ông Nguyễn Quý Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ cho biết: “Việc dùng nước sinh hoạt từ ao Sen ở làng Ngọc Than là có thật, hiện tại vẫn đang đợi cấp trên xử lý và cũng khuyến cáo người dân không dùng nước từ ao, hồ cho việc ăn uống”.

Trước đây, Công ty NUSA có tài trợ cho thôn 6 máy lọc nước, 4 bình lọc tại hồ và 2 bình lọc tại nhà. Với bình lọc tại hồ có công suất dùng được cho 5 hộ gia đình, thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, 3 hộ đã phải rút ống vì nước từ bình lọc bơm được rất ít, không đủ cho sinh hoạt. Từ đó đến nay, người dân lại quay về với nước ao Sen, mong ước được dùng nước sạch của họ xem ra vẫn quá xa vời!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng khát nước sạch giữa Thủ đô