Làm rõ thông tin trâu, bò dự án hỗ trợ sinh kế bị đẩy giá, chết yểu

Thanh Phương| 03/04/2020 15:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 3/4, tin từ UBND huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho biết, lãnh đạo huyện đã yêu cầu Ban quản lý dự án kiểm tra, đánh giá lại chương trình hỗ trợ sinh kế, nếu chưa phù hợp thì điều chỉnh lại, để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Được biết, Dự án nâng cấp quốc lộ 217 giai đoạn 2 triển khai từ đầu năm 2018, có tổng mức đầu tư hơn 1.710 tỷ đồng (tương đương 80 triệu USD, trong đó hơn 73,3 triệu USD là vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB và 7 triệu USD là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam). Dự án do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, Ban quản lý dự án I là đại diện chủ đầu tư.

Làm rõ thông tin trâu, bò dự án hỗ trợ sinh kế bị đẩy giá, chết yểu

Người dân bức xúc vì trâu chết không rõ nguyên nhân vài ngày sau khi được nhận

Dự án kéo dài trên khoảng 45km đường qua ba huyện là Hà Trung, Cẩm Thủy và Bá Thước. Quốc lộ 217 sẽ được nâng cấp, đạt tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Khi triển khai, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn có quốc lộ 217 đi qua đã bị ảnh hưởng. Vì thế, trong phương án đền bù giải phóng mặt bằng các hộ dân bị ảnh hưởng quan tâm là "chương trình phục hồi thu nhập". Cụ thể, mỗi hộ dân mất sinh kế sẽ được hỗ trợ 10 triệu đồng, được quy thành hiện vật; nếu giá trị hiện vật lớn hơn số tiền này các hộ sẽ phải đối ứng.

Trên cơ sở họp bàn và được sự đồng thuận cao của người dân, các hộ sẽ được nhận bò, trâu hoặc máy móc. Giá mỗi con trâu được đơn vị cung ứng xác định trên 20 triệu đồng, mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng nên 2 nhà chung nhau một con. Số tiền chênh người dân bù vào.

Theo danh sách, huyện Bá Thước có 1.100 hộ được hỗ trợ phục hồi thu nhập tương ứng số tiền hỗ trợ là 10,1 tỷ đồng. Trong đó có hơn 600 hộ đăng ký hỗ trợ mua bò; tính đến hết tháng 3/2020 đã có hơn 300 hộ nhận bò về. Đầu năm 2020, 112 hộ dân ở xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) được hỗ trợ đợt 1, nhưng chỉ có 52 con trâu nhỏ (nghé) được cấp do các hộ phải bắt tay chung nhau để tránh phải nộp tiền chênh lớn.

Làm rõ thông tin trâu, bò dự án hỗ trợ sinh kế bị đẩy giá, chết yểu

Trâu dự án ốm yếu khiến người dân lo lắng

Điều khiến người dân bức xúc là vật nuôi của họ được nhận bị đẩy giá lên cao so với thị trường. Khi các hộ nhận về nuôi được vài ngày thì số gia súc này lăn ra ốm không rõ nguyên nhân rồi chết.

Chị Phạm Thị Thúy và gia đình anh trai  tại Giổi, xã Ái Thượng (Bá Thước) phải bù 3,9 triệu đồng để nhận con trâu gầy có giá 23,9 triệu đồng. Khi vừa nhận trâu xong, có người hỏi mua lại với giá hơn 13 triệu đồng. Thấy bất hợp lý nên 2 gia đình bàn nhau mang trâu về nuôi trong sự băn khoăn, "sao trâu dự án đắt thế?". 

Còn 2 anh em ông Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Đức tại xóm Thung Tâm, xã Ái Thượng chung nhau nhận bò ngày 21/3 trong niềm vui khó tả. Thế nhưng, chỉ 2 ngày sau, bò lăn ra ốm và chết vào ngày 24/3. Người dân báo cáo với chính quyền xã và đại diện nhà cung ứng thì được hướng dẫn chôn lấp ngay lập tức. Hai hộ được đại diện bên cung ứng đưa 1 triệu đồng công chôn cất.

Không chỉ có gia súc mà các hộ dân nhận máy móc như tủ bảo ôn cũng bị ép giá hoặc bán qua tay với giá phân nửa. Điều này khiến người dân vô cùng bức xúc. Họ là những người nhường đất, công trình cho dự án được triển khai thuận lợi, khi được hỗ trợ sinh kế để ổn định đời sống thì nguồn sinh kế èo ọt, chết yểu.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước Nguyễn Văn Dũng cho hay: “Ngay khi có thông tin trâu, bò dự án hỗ trợ sinh kế người dân gầy, ốm, chết bất thường, huyện đã chỉ đạo kiểm tra, làm rõ. Vì triển khai ở nhiều xã nên cần thời gian để thống kê, xác minh cụ thể từng vấn đề người dân băn khoăn. Theo dự kiến đoàn phải báo cáo vào đầu tháng 4, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, toàn huyện đang phải huy động mọi nguồn lực, con người cho công tác phòng chống nên việc trên phải lui lại. Khi kiểm tra có phát hiện sai phạm, trục lợi chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che.”

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ thông tin trâu, bò dự án hỗ trợ sinh kế bị đẩy giá, chết yểu