Nhịp cầu Công lý

Làm rõ kết quả các gói thầu thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế

Nhóm phóng viên 20/06/2023 - 20:39

Các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang xác minh, làm rõ phản ánh của nhà thầu, về kết quả đấu thầu một số gói thầu thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế.

Những dấu hỏi về hồ sơ năng lực

Thời gian vừa qua, Công ty Cổ phần Omeli liên tục có đơn gửi tới các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế, phản ánh về những khuất tất trong quá trình đấu thầu tại các gói thầu 42, 44, 45 và 46, thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế (Dự án CTMTN TP Huế), tỉnh Thừa Thiên Huế. Các gói thầu này có nguồn vốn từ phần vốn dư kết khoảng 1.500 tỷ đồng trong tổng kinh phí đầu tư khoảng 24,8 tỷ yên (khoảng 5.052 tỷ đồng) cho Dự án CTMTN TP Huế, từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.

20230616_105711-0-.jpg
Một góc Dự án CTMTN TP. Huế.

Trong đơn, Công ty Cổ phần Omeli cho rằng, nhà thầu trúng thầu có khả năng giả mạo hồ sơ kinh nghiệm; giá trúng thầu công bố không đúng với giá tại biên bản mở thầu… Cơ sở đưa ra là ông Văn Viết Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Thủy lợi Thừa Thiên Huế (Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế) trong một lần trả lời báo chí vào năm 2021, cho biết công ty chỉ thi công khoảng 20 tỷ đồng, thực hiện trên chiều khoảng 500m của kè biển xã Giang Hải. Thủy lợi Thừa Thiên Huế - thành viên nhà thầu trúng 3 gói thầu lớn thuộc Dự án CTMTN TP Huế bị cho là dùng hợp đồng này để chứng minh năng lực là không đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu.

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc PMU cho biết, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có buổi làm việc với PMU về một số nội dung phản ánh của Công ty Cổ phần Omeli.

Theo đó, về nội dung phản ánh nhà thầu có dấu hiệu giả mạo năng lực kinh nghiệm để thắng thầu là đối với gói thầu số 42 và 44 (nhà thầu trúng thầu gói thầu 42 là Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng công trình 568 – Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế; nhà thầu trúng thầu gói thầu số 44 là Liên danh Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 – Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát –Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế), ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh cho biết, Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế là thành viên liên danh đảm nhận 70% gói thầu số 42, có giá trị riêng hơn 184 tỷ đồng; đảm nhận 23% gói thầu số 44, có giá trị riêng hơn 57 tỷ đồng.

“Thành viên liên danh Thủy Lợi Thừa Thiên Huế đã chứng minh đủ năng lực, kinh nghiệm để đồng thời tham gia thực hiện gói thầu 42, 44 với quy mô công việc được phân công trong thỏa thuận liên danh. Các hợp đồng thành viên Thủy lợi Thừa Thiên Huế dùng để chứng minh kinh nghiệm là hợp đồng xây lắp các công trình trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đều có cùng tính chất với công trình thuộc gói thầu 42, 44 và đều đáp ứng yêu cầu hồ sơ mời thầu”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Ông Văn Viết Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế xác nhận với chúng tôi có trả lời báo chí như phản ánh, song theo ông Thành, giá trị 20 tỷ đồng và 500m là phần bị hư hỏng sau bão số 4, không phải toàn bộ giá trị hợp đồng là 20 tỷ đồng và phạm vi là 500m.

“Thời điểm năm 2021, sau cơn bão số 4, phần mặt đê có một số hư hỏng do bão vượt tần suất thiết kế. Trong phạm vi bị thiệt hại đó, phần Thủy lợi Thừa Thiên Huế đảm nhận thi công, gia cố phần mái và mặt đê là 500m, giá trị khoảng 20 tỷ đồng, nằm trong hợp đồng Thủy lợi Thừa Thiên Huế đảm nhận, bao gồm thi công phần cọc ván, với tổng chiều dài 2.500m, cộng với gia cố mặt đê, với tổng chiều dài 500m”, ông Thành giải thích.

Ông Thành cho biết, giá trị hợp đồng trên là trên 90 tỷ đồng, trong đó phần mái là 20 tỷ đồng, không phải toàn bộ hợp đồng là 20 tỷ đồng như thông tin phản ánh. “Đối với hồ sơ pháp lý, chứng minh năng lực thi công của nhà thầu để được tham gia gói thầu thuộc Dự án CTMTN TP Huế, nhà thầu đã cung cấp đầy đủ hợp đồng, hồ sơ nghiệm thu, biên bản bàn giao hoàn thành công trình và đưa vào sử dụng, trong đó chứng minh rõ giá trị công trình là trên 90 tỷ đồng và chiều dài công trình là 2.500m”, ông Thành thông tin.

Để làm rõ hơn nội dung này, chúng tôi đã liên hệ với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, là chủ đầu tư Dự án Kè chống sạt lở bờ biển khẩn cấp đoạn Thuận An – Tư Hiền để yêu cầu cung cấp hồ sơ quyết toán dự án đối với nhà thầu Thủy lợi Thừa Thiên Huế nhưng chưa nhận được phản hồi.

Kết quả trúng thầu vênh với biên bản mở thầu do lỗi số học

Vẫn theo phản ánh của Công ty Cổ phần Omeli, biên bản mở thầu và thông báo trúng thầu của một số gói thầu nói trên vênh nhau số tiền lớn, lên tới hàng tỷ đồng, theo hướng có lợi cho các nhà thầu trúng thầu.

Tài liệu cho thấy, ở gói thầu số 44 có 3 nhà thầu tham gia đấu thầu. Trong đó, Liên danh Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 – Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát –Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế bỏ thầu 254,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo thông báo kết quả trúng thầu, Liên danh Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Thủ Đức 1 – Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát –Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế lại trúng thầu với giá 259,7 tỷ đồng, cao hơn giá bỏ thầu hơn 5 tỷ đồng.

Ở gói thầu số 42 có 3 nhà thầu tham gia, trong đó Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng công trình 568 –Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế bỏ thầu 266,4 tỷ đồng. Theo thông báo kết quả trúng thầu, Liên danh Công ty Cổ phần xây dựng công trình 568 –Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế trúng thầu với giá 256,2 tỷ đồng, thấp hơn giá bỏ thầu khoảng 10 tỷ đồng…

Trao đổi với chúng tôi về nội dung này, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc PMU cho biết, sở dĩ có sự khác biệt là do lỗi số học được Tổ chuyên gia phát hiện và hiệu chỉnh theo quy định tại Nghị định số 63/2014, cũng như hướng dẫn trong hồ sơ mời thầu.

“Trong hồ sơ mời thầu được phê duyệt, quy định nhà thầu trúng thầu có giá đánh giá thấp nhất (và cơ bản đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu, với điều kiện là nhà thầu đó được xác định là đủ năng lực để thực hiện thành công hợp đồng), chứ không nhất thiết phải là nhà thầu dự thầu có giá dự thầu thấp nhất như đã thể hiện trong biên bản tại buổi mở thầu. Quá trình đánh giá tài chính, Tổ chuyên gia đã phát hiện các lỗi số học và hiệu chỉnh giá trị dự thầu đúng thực tế”, ông Tuấn Anh giải thích.

Ông Văn Viết Thành, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế cũng nói rằng, theo quy định của công tác đấu thầu, giá trúng thầu là giá dự thầu sau khi đã hiệu chỉnh các sai số số học theo quy định của Luật Đấu thầu. Do đó, trong quá trình chấm thầu và công bố trúng thầu vẫn có sự chênh lệch giữa giá mở thầu và giá trúng thầu do công tác kiểm tra, hiệu chỉnh sai số số học. Đối với các công trình lớn, phức tạp, nhiều hạng mục, thời gian mở thầu ngắn, việc sai số số học là việc khó tránh khỏi, và vấn đề này được quy định rất cụ thể trong Luật Đấu thầu.

Chia sẻ về kinh nghiệm tham gia đấu 3/7 gói thầu thuộc Dự án CTMTN TP Huế thì trúng cả 3, ông Thành cho biết có 2 lý do. Thứ nhất, công ty đứng chân trên địa bàn hơn 30 năm, rất thông thuộc địa hình, địa chất và khí tượng thuỷ văn của khu vực. Vì vậy, đối với các dự án lớn có sự tham gia của các nhà thầu ngoài tỉnh, thì các đơn vị đều muốn liên doanh cùng với Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế để tham gia dự thầu.

Thứ hai, do thông thuộc địa hình, nắm vững đơn giá xây dựng ở địa phương, nên trong các lần liên doanh để tham gia dự thầu, thì giá đề xuất của các liên doanh có Thủy lợi Thừa Thiên Huế tham gia, đều đạt giá thấp nhất trong các đơn vị tham gia dự thầu đủ năng lực, đáp ứng kỹ thuật của dự án.

Báo công lý sẽ tiếp tục thông tin./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm rõ kết quả các gói thầu thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP Huế