Đấy là những lời nói tự đáy lòng bà giáo Vũ Thị Thìn (SN 1949, thôn Hương Thịnh, xã Quang Minh, Hiệp Hòa, Bắc Giang) đã có hơn 40 năm đam mê, miệt mài với nghiệp “trồng người” với chúng tôi tại lớp học miễn phí của bà.
Nối nghiệp “lái đò” của cha
Bà Vũ thị Thìn, sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, bố bà Thìn - ông Vũ Đình Phong, là một thầy đồ trong làng, đọc thông viết thạo, lại là một đảng viên xuất sắc. Lúc bấy giờ, đất nước đang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Đảng, Bác Hồ, ông Phong đã tình nguyện tham gia lớp Bình dân học vụ, ngày đêm dạy chữ cho nhân dân, chiến đấu quyết liệt với nạn “giặc dốt” đang bủa vây toàn dân tộc.
Lớp học miễn phí của bà giáo Thìn
Một lần, đang dậy học, lớp của ông bị Pháp càn, chúng bắt ông làm tù binh. Vốn là lính, với tài trí của mình, ông đã trốn về và tiếp tục đánh “giặc dốt” quyết dậy lại con chữ cho làng. Thế rồi, vì quá đam mê với nghề, dậy học bất kể đêm ngày, tại nhiều địa điểm, trên núi cao, dưới hầm sâu, trong rừng rậm, giữa lòng hào… ông bị lao tâm, lao lực và mất vì sức khỏe yếu.
Nối nghiệp "lái đò" của cha, bà Thìn luôn luôn miệt mài với con chữ
Ông mất đi, để lại người vợ trẻ, cùng 4 con thơ bơ vơ giữa mưa bom bão đạn. Gia đình bà Thìn có 4 chị em gái, bà Thìn là con thứ 3, quyết tiếp nối nghiệp “lái đò” của cha, bà ngày đêm say mệ, miệt mài với con chữ và học rất giỏi, nhiều năm liền là học sinh tiên tiến xuất sắc. Thế rồi bà trở thành cô sinh viên của trường Sư phạm, ra trường với tấm bằng đỏ, bà quyết định trở về cống hiến cho quê hương và trở thành giáo viên của trường Tiểu học Quang Minh (Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Gần 30 năm đứng trên bục giảng của trường, hơn 10 năm bà là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và luôn được học sinh, bạn bè, đồng nghiệp yêu mến, kính trọng bởi sự nhiệt tâm, nhiệt huyết với nghề.
“Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”
Năm 1970, tròn 21 tuổi, bà Thìn chính thức được kết nạp vào Đảng, trong lễ tuyên thệ, đứng dưới lá cờ Đảng và ảnh Bác Hồ bà thầm hứa rằng “dù ở cương vị nào cũng xin hứa với Bác sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, đúng như lời Bác dạy”.
Vì thế, năm 1998, khi chính thức về hưu, bà không cho phép “sự nghiệp trồng người” của mình kết thúc ở đó, “còn sức, còn hơi thở, còn một giọt máu là còn phải chiến đấu” nên bà đã bỏ công, bỏ sức đi đến từng nhà trong thôn, trong xã, vận động, khuyên nhủ những trẻ em không đến trường, trẻ em nghèo và trẻ em khuyết tật đến với lớp học miễn phí của bà.
Lớp học của bà giáo làng, luôn đông vui
Ban đầu, không có phụ huynh học sinh nào mặn mà với việc cho con đi học, nhưng vì tấm lòng và sự nhiệt tình của bà, lớp học cứ đông dần, đông dần, tiếng lành đồn xa, tất cả những phụ huynh vùng lân cận như, Đông anh, Hà Nội, Thái Nguyên, Đại Mão, Làng Lành, Chùa Cốc, Sông Công… đều thi nhau đến gửi con theo lớp học của bà.
Một điều lạ là, những trẻ em lười học, qua tay bà rèn bỗng trở nên ham học, nét chữ ngoằn nghèo bỗng thẳng tắp, đều đặn, các học sinh đọc chữ tròn vành không va vấp. Trẻ em nghèo say mê với con chữ, không có điều kiện đến lớp sớm, nay được thỏa chí mà trau dồi, tăng kiến thức, phát triển tài năng. Những học sinh bị khuyết tật, đến lớp của bà được hòa nhập, không còn mặc cảm, tự ti về bản thân.
Chương trình dạy học miễn phí của bà Thìn sắp xếp rất đa dạng, mùa hè bà dậy liên tục trong 2 tháng, trong năm học bà chia lịch. Buổi chiều các ngày thứ 2, 3, 4 dạy lớp 1; thứ 5, 6 lớp 2, thứ 7 lớp 3 và Chủ nhật lớp 4, mỗi lớp tầm 30 – 40 em. Nội dung học là luyện viết, luyện đọc, luyện toán với thời gian 3 tiếng/ buổi.
Với những học sinh say mê, luyện chữ, luyện đọc
Chúng tôi về thăm lớp học miễn phí của bà vào buổi chiều đầy nắng, đặt chân tới mảnh đất Hương Thịnh, hỏi về bà giáo Thìn ai cũng biết, mọi người còn phấn khởi ngợi ca sự miệt mài truyền chữ của bà. Mới đến đầu ngõ lớp học, những tiếng khúc khích, rôm rả của học sinh nườm nượp chen nhau vào lớp vang lên nghe vui lạ. Thấy chúng tôi xuất hiện, tất cả lớp học đồng thanh đứng dậy lễ phép khoanh tay chào. Bà Thìn đang chuẩn bị lên lớp nhìn ra nói “ Đến gửi cháu theo học à, đưa vào đây”.
Khi biết ý định của chúng tôi, bà xua tay nói “dạy học là niềm đam mê của tôi, có gì to tát đâu, điều cốt yếu là phải có cái tâm trong nghề”. Rồi bà chia sẻ về những khó khăn khi vừa mới bắt đầu mở lớp học, do nhà bà chật, nên học sinh phải ngồi ở các mép tường ngoài sân, ngoài hè, tấm bảng là những thanh gỗ nát được bà tự tay đóng nên, cô trò cứ thế say mê, ê a con chữ, con số.
Sau này, số lượng học sinh tăng lên, chị Vũ Thị Liễu trong thôn, đã không ngại ngùng cho mượn ngôi nhà cấp 4 để bà làm lớp học. Bàn ghế được Chủ tịch UBND xã Quang Minh đề nghị với hiệu trưởng các trường trên địa bàn, trích mỗi trường 1 cái vận chuyển về đặt ở lớp học của bà, rồi phụ huynh cũng tự nguyện góp tiền, mua bảng, phấn, hệ thống quạt để giúp các học sinh học tốt hơn.
Và chuyên cần đến lớp mỗi ngày
Đến nay, nhờ sự chung sức của cộng đồng, lớp học miễn phí của bà giáo Thìn đã khang trang hơn, đàng hoàng hơn, ngày càng đông học sinh theo học hơn. Nhiều phụ huynh thấy bà vất vả sớm trưa, ngày lễ, ngày Tết đến biếu bà quà, tiền, bà đều từ chối và thẳng thừng tuyên bố “lần sau anh chị còn làm vậy, thì đừng đưa cháu đến lớp học của tôi nữa”.
“Làm nghề giáo cốt yếu là ở cái tâm, tình yêu nghề không giới hạn và nhiệt huyết, nhiệt tâm phải được đốt cháy đến kiệt cùng, đến tàn hơi vẫn rừng rực. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng với hai chữ “trồng người”- bà Thìn chia sẻ.