Mặc dù hiểu rõ việc làm của mình là vi phạm pháp luật, nhưng với bản tính tham lam muốn có nhiều tiền Phạm Văn Lập đã coi thường pháp luật và sức khỏe người tiêu dùng để làm giả sản phẩm của các nhãn hiệu bột ngọt nổi tiếng.
Sáng 13/9, TAND TP Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Phạm Văn Lập (SN 1966, trú tại xóm Liên Thành, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội) về tội Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm.
Theo cáo trạng truy tố, khoảng 18h ngày 10/1/2016, Tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an TP Hà Nội trong lúc đang làm nhiệm vụ tại khu vực đê sông Đáy thuộc địa phận xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội, đã phát hiện Phạm Văn Lập điều khiển xe mô tô và có chở 2 bao tải có chứa bột ngọt mang nhãn hiệu của nhiều thương hiệu nổi tiếng, không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc.
Bị cáo Phạm Văn Lập tại phiên tòa xét xử.
Thấy có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã đưa Lập cùng số hàng hóa về trụ sở Ủy ban nhân dân xã Cao Dương, Thanh Oai, Hà Nội để điều tra làm rõ và lập biên bản thu giữ nhiều gói bọt ngọt có trọng lượng khác nhau của các nhãn hàng nổi tiếng như Ajinomoto...
Tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Cao Dương, Phạm Văn Lập khai nhận, toàn bộ số bột ngọt trên là do Lập tự đóng gói tại nhà, khi đang trên đường đi giao hàng cho khách hàng tại xóm 6, xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội thì bị phát hiện. Ngoài ra Lập còn giao cho nhiều cửa hàng khác trên địa bàn các huyện thuộc thành phố Hà Nội. Lập khai đã mua nguyên liệu của anh Đào Văn Chính tại xã Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội để làm giả bột ngọt của các nhãn hiệu nổi tiếng.
Căn cứ vào lời khai của Lập, ngày 10/1/2016. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở, kho hàng và cửa hàng của gia đình Phạm Văn Lập. Tại đây lực lượng chức năng đã thu giữ được bột ngọt nhãn hiệu Ajnomoto: 7 gói loại 200g; 28 gói loại 100g; 500 vỏ bao bì bột ngọt loại 1kg; 500 vỏ bao bì loại 454kg; 80 vỏ bao bì loại 100g. Nguyên liệu bột ngọt 390kg; 47 vỏ bao bì có chữ tượng hình (chữ Trung Quốc) loại 25kg; 12 gói bột giặt nhãn hiệu OMO loại 800g; 41 gói bột giặt nhãn hiệu SURF, loại 250g; 370 vỏ bao bột giặt, nhãn hiệu OMO, loại 100g. Nguyên liệu bột giặt 40 kg; 7 chiếc cân nhãn hiệu Nhơn Hòa (các loại); 5 chiếc máy biến áp nhãn hiệu Tân Thanh; 1 máy ép nhiệt nhãn hiệu Tân Thanh; 2 chiếc máy đóng hạn sử dụng ( không có nhãn hiệu); 85 gói vỏ chai nước mắn nhãn hiệu Chin – su Nam Ngư, loại 500ml; 40 gói nắp chai nhựa màu đỏ; cùng một số giấy tờ, sổ sách, tài liệu có liên quan.
Toàn bộ số hàng và số nguyên liệu trên đều được Lập tự đóng gói làm giả nhưng chưa kịp tiêu thụ thì bị cơ quan điều tra phát hiện thu giữ.
Số hàng giả nêu trên có giá trị tương đương với hàng thật trên thị trường Việt Nam là 9.779.100 đồng.
Tại phiên tòa xét xử sáng nay, căn cứ vào hồ sơ vụ án, các tình tiết tăng giảm, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Lập 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 60 tháng về tội “Buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm”.