Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra khuyến cáo cho người tiêu dùng trong dịp mua sắm Black Friday.
Black Friday là “ngày vàng mua sắm” của người dân tại nhiều nước trên thế giới. Ban đầu, sự kiện này bắt nguồn từ Hoa Kỳ và diễn ra vào ngày Thứ Sáu sau Lễ Tạ ơn, nghĩa là khoảng từ ngày 23 đến ngày 29 tháng 11 hàng năm. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây, doanh nghiệp Việt đã hưởng ứng sự kiện này rất tích cực, đánh dấu một trong những sự kiện mua sắm, giảm giá lớn của năm.
Black Friday 2017, các trung tâm thương mại và sàn thương mại điện tử lớn trong nước, đặc biệt là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang đồng loạt công bố các chương trình khuyến mại, giảm giá đặc biệt với sự đa dạng, phong phú về chủng loại…. Một số siêu thị còn triển khai các chương trình thu hút sự chú ý của người tiêu dùng như quảng cáo khách hàng may mắn sẽ được chính tay người nổi tiếng đi giao hàng.
Black Friday được coi là dịp vàng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam, khi mà doanh nghiệp có thể đạt mức doanh thu khổng lồ, còn người tiêu dùng có thể mua rất nhiều mặt hàng với mức giá hời. Đây là một sự kiện được khuyến khích phát triển vì hiệu ứng tích cực của nó cho hoạt động kinh doanh và tiêu dùng.
Tuy nhiên, sau một vài mùa Black Friday gần đây, bên cạnh những mặt tích cực, đã xuất hiện nhiều vụ việc quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xâm phạm như: cung cấp hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, quảng cáo gian dối thậm chí là lừa đảo người tiêu dùng…
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, để tham gia, hưởng lợi từ Black Friday và hạn chế việc quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về cửa hàng, đơn vị kinh doanh mà mình sẽ giao dịch, ưu tiên giao dịch với những đơn vị có uy tín; Tìm hiểu các công cụ hỗ trợ nếu có tranh chấp phát sinh trong quá trình giao dịch như: email, điện thoại của doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng địa phương…;
Người tiêu dùng nên xây dựng thói quen tiêu dùng thông minh, tập trung vào những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cần thiết, hạn chế việc mua hàng chỉ vì mặt hàng đó “được giảm giá”. Điều này sẽ giúp người tiêu dùng tránh khỏi tình trạng mua quá nhiều hàng hóa không cần thiết, làm cho trải nghiệm mua sắm Black Friday trở nên tiêu cực.
Thực hiện việc đánh giá và kiểm tra lại các thông tin do doanh nghiệp công bố trong sự kiện, đặc biệt là liên quan đến giá cả. Ví dụ, doanh nghiệp quảng cáo một hàng hóa được giảm giá 50%. Với sự hỗ trợ của điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể dễ dàng kiểm tra, so sánh với giá cả của mặt hàng tương tự được bán tại các cửa hàng khác để đánh giá chính xác mức độ giảm giá, ưu đãi của chương trình…
Trong trường hợp mua hàng trên mạng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo người tiêu dùng cần cảnh giác với những trang web không đầy đủ thông tin, thông tin giả mạo (số điện thoại không liên hệ được, không có địa chỉ hoặc địa chỉ không tồn tại…) hoặc có những phản hồi thiếu tích cực từ những người mua hàng trước. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng nên thận trọng với những điều khoản liên quan đến bảo hành, đổi, trả sản phẩm. Tại nhiều trang web, đồng ý mua hàng đồng nghĩa với việc đồng ý với điều khoản mua hàng. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng phải tham khảo kỹ phần này, tránh trường hợp mua hàng tại một số trang web quy định “hàng giảm giá trong dịp Black Friday không được đổi, trả”, thậm chí khi lỗi không thuộc về người tiêu dùng.
Cơ quan chức năng cũng lưu ý , trong sự kiện Black Friday nhiều năm qua, có tình trạng người tiêu dùng ứng lương, nghỉ làm, thậm chí vay tiền để mua hàng, rồi sau đó phải bán thanh lý để lấy lại tiền vì nhiều lý do khác nhau. Đây thực sự không phải là một thói quen tiêu dùng bền vững, làm mất đi ý nghĩa tích cực của ngày Black Friday.