Giữa tháng 5, một loạt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, lập nên mặt bằng lãi suất huy động mới.
Thị trường ghi nhận thêm một loạt ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi giữa tháng 5/2022, ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank). Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng 0,3 - 0,5%/năm so với cuối năm 2021 ở hầu hết ngân hàng thương mại.
Lãi suất tiền gửi ngân hàng giữa tháng 5 đang dao động từ 5%/năm đến 7,3%/năm. Đa số ngân hàng đã tăng lãi suất so với ghi nhận hồi đầu tháng, trong đó mức cao nhất là 0,6%.
Trong đó, cao nhất là SCB khi nhà băng này tăng mạnh lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng từ 7%/năm lên 7,3%/năm cho cả tại quầy và online. Thậm chí, với các kỳ hạn gửi từ 18 tháng trở lên, lãi suất cao nhất khách hàng gửi tiền online tại SCB có thể nhận được là 7,55%/năm. Một loạt kỳ hạn khác cũng được ngân hàng này tăng 0,3%, 0,4% và mức cụ thể được đẩy lên phổ biến 6,5%/năm.
Sau một thời gian dài duy trì thấp, lãi suất tiết kiệm của một số ngân hàng đang được đẩy lên trên 7%/năm, đặc biệt tại nhóm ngân hàng cổ phần quy mô vừa, nhỏ.
Ngoài SCB, NamABank trả lãi suất tối đa 7,4%/năm với tiền gửi online kỳ hạn trên 16 tháng; PVComBank trả lãi suất tối đa 7,25%/năm với tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng trở lên; CBBank áp dụng mức lãi suất 7,05%/năm với tiền gửi online kỳ hạn 13 tháng.
SHB cũng gia nhập cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi. Hiện mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy cao nhất của SHB là 6,6%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng ở sản phẩm Tiết kiệm Đại lợi; lãi suất 6,7%/năm cho khách gửi tiết kiệm online từ 36 tháng.
Trong khi đó, lãi suất ở một số kỳ hạn chủ chốt tại MB tăng 0,15-0,24%/năm, như kỳ hạn 6 tháng ở mức 4,44%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 5,39%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 5,75%/năm.
Theo đánh giá của SSI Research, biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng. Trong đó, xu hướng tăng tập trung ở một số ngân hàng vừa và nhỏ, mặt bằng lãi suất huy động tăng cao nhất 0,5%. Đồng thời, lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng đã tăng 0,2% ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cỡ lớn.
Các chuyên gia Công ty chứng khoán VCBS cho rằng, mức độ biến động của lãi suất huy động sẽ tiếp tục phụ thuộc nhiều vào độ dồi dào của dòng vốn trên thị trường liên ngân hàng. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng và diễn biến lạm phát trong các quý tới cũng sẽ là yếu tố ảnh hưởng đến mức độ tăng của lãi suất huy động. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng. Cụ thể, lãi suất huy động có thể chịu áp lực tăng 100-150 bps trong cả năm 2022.
VCBS cũng dự báo lãi suất cho vay sẽ ghi nhận áp lực tăng tuy nhiên sẽ có độ trễ so với thời điểm tăng của lãi suất huy động. Cùng với đó, sẽ có sự phân hoá giữa mức tăng và thời điểm tăng giữa các ngành nghề.
Sở dĩ ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi để hút vốn nhàn rỗi trong dân, đáp ứng cầu tín dụng tăng sau dịch. Đồng thời, việc tăng lãi suất với các kỳ hạn dài của các ngân hàng còn để đối phó với lộ trình NHNN đưa ra về việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và nâng hệ số rủi ro. Cụ thể, từ 1/10/2021 đến 30/9/2022, tỷ lệ trên sẽ giảm về 37%. Từ 1/10/2022 đến 30/9/2023 còn 34%; và giảm xuống 30% từ ngày 1/10/2023.