Như một xu hướng chung, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt công bố hạ lãi suất huy động tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) với những khoản vay ngắn hạn.
Dù có giảm lãi suất thì nguồn tiền nhàn rỗi sẽ vẫn tiếp tục đổ vào hệ thống ngân hàng.
Xét về kỳ hạn gửi 1 tháng, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) có mức giảm sâu nhất là 4,5%/năm. Kế đó là Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) là 4,8%/năm và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) là 5%/năm. Ở kỳ trung hạn từ 9 đến 12 tháng thì Vietinbank có mức lãi suất huy động thấp nhất là 6%/năm, trong khi Vietcombank là 5,7% đến 6,5%/năm; BIDV vẫn giữ mức cũ là 6,5% đến 7,2%/năm.
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước về hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng trong trung tuần tháng 8 cho thấy, lãi suất huy động bằng VND tiếp tục ổn định và phổ biến ở mức từ 0,8% đến 1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; từ 5% đến 6%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và có kỳ hạn dưới 6 tháng; từ 6% đến 7,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và kỳ hạn trên 12 tháng là từ 7,5% đến 8,1%/năm. Như vậy, thực tế vẫn có khoảng cách so với mức lãi suất huy động tiền gửi vừa được công bố ở các ngân hàng thương mại.
Những thông tin về việc giảm lãi suất đang phát đi tín hiệu các ngân hàng thương mại dường như không mặn mà khi huy động tiền gửi và phải chăng đang chịu sức ép lớn trước mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi ngày một cận kề tới hạn định cuối năm. Vấn đề đặt ra là nếu ứ đọng nguồn vốn tại các ngân hàng thương mại, thì liệu có dẫn tới tình trạng cho vay ồ ạt, cho vay khó kiểm soát hay không, trong khi bài toán nợ xấu còn đeo đẳng và chưa tìm được lời giải hữu hiệu ?
Trên thực tế, các ngân hàng thương mại đang rất nỗ lực thúc đẩy ”đầu ra” thông qua các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất. Như với cá nhân thì có các sản phẩm tín dụng như cho vay tiêu dùng, cho vay mua nhà, mua ô tô, hỗ trợ con em học hành, vay vốn kinh doanh, lập nghiệp..., mức vay tối đa tới 90% giá trị hợp đồng và lãi suất không quá 8%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại nhỏ còn khuyến khích những khoản vay ngắn hạn với lãi suất là 0%/năm như LienVietPostbank, Maritime Bank, SeaBank... Trong khi đó, tín dụng dành cho doanh nghiệp cũng hết sức ”cởi mở”, không chỉ ưu đãi về lãi suất, về khoản vay mà còn tạo nhiều điều kiện về thời gian và các thủ tục hành chính khác.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng, dù đã kiểm soát tốt lạm phát và ổn định vĩ mô song nền kinh tế từ nay tới cuối năm chưa có nhiều khởi sắc, thể trạng của số đông doanh nghiệp hiện còn ”yếu” và đại đa số người dân còn mang tâm lý thắt chặt chi tiêu, đó là lý do vì sao khó thúc đẩy đầu ra tín dụng cho phía ngân hàng.
Thực tế là khi đầu ra tín dụng của các ngân hàng thương mại còn chưa được khơi thông, hoạt động cho vay còn khó khăn, trầy trật và lãi suất cho vay nhiều khả năng sẽ còn phải hạ thấp nữa thì chuyện phải giảm lãi suất huy động tiền gửi là điều dễ hiểu.