Biểu lãi suất huy động mới nhất tại 4 ngân hàng lớn (Big 4) vừa đồng loạt giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), lãi suất huy động kỳ hạn 1 và 2 tháng đã giảm từ 3,4%/năm xuống 3,3%/năm.
Riêng tại Agribank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn dài từ 13 đến 24 tháng tại quầy cũng đồng loạt giảm từ 6,3%/năm xuống còn 6%/năm.
Đối với tiền gửi tiết kiệm trực tuyến, BIDV điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng từ 4%/năm xuống còn 3,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 5,6%/năm còn 5,3%/năm.
Vietcombank cũng giảm lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1 tháng từ 3,6%/năm xuống 3,4%/năm; kỳ hạn 3 tháng giảm từ 4,3%/năm xuống 4,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng từ 5,2%/năm xuống 5,1%/năm.
Lãi suất cao nhất tại 4 ngân hàng này vẫn là 6,3%/năm dành cho các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng.
Sau đợt điều chỉnh này, lãi suất các kỳ hạn ngắn từ 1-3 tháng tại Big 4 đã trở về bằng với thời điểm cách đây 1 năm, trong khi lãi suất huy động đối với kỳ hạn dài vẫn còn cao hơn gần 1%/năm.
Trước đó, nhiều ngân hàng vốn huy động lãi suất ở mức cao như Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)... cũng đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất.
Hiện, không còn ngân hàng nào niêm yết mức lãi suất 8%/năm. Lãi suất huy động phổ biến đối với kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại dao động từ 7-7,5%/năm.
Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn trên có thể về mức 6,5-6,8%/năm vào cuối năm 2023 và xuống thấp hơn nữa vào năm 2024.
Xu hướng giảm lãi suất đã liên tục được ghi nhận từ cuối quý I/2023 đến nay. Nhưng dường như kênh gửi tiền tiết kiệm ngân hàng vẫn là lựa chọn an toàn đối với người dân khi tiền gửi của dân cư đổ vào hệ thống ngân hàng tăng cao gần gấp đôi so với mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.