Kỷ yếu vinh danh Người Thẩm phán Tòa án nhân dân

Mai Thoa| 13/09/2021 14:16
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nhân dịp kỷ niệm 13/9 năm nay, TANDTC đã cho ra mắt cuốn “Kỷ yếu Vinh danh người Thẩm phán Tòa án nhân dân”. Đây là một trong những hoạt động kỷ niệm ngày lễ lớn của ngành Tòa án có ý nghĩa sâu sắc, thiết thực. Đặc biệt đây cũng là món quà có ý nghĩa dành cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong những năm qua.

Những phong trào thi đua làm “bệ phóng”…

Trước đó, ngày 29/4/2021 TANDTC đã ban hành Quyết định số 88, thành lập Ban chỉ đạo, Ban biên tập xây dựng cuốn kỷ yếu vinh danh này. Ban Chỉ đạo do đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC, Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT TAND làm Trưởng ban; cùng các thành viên Ban biên tập là các lãnh đạo Văn phòng TANDTC, các lãnh đạo cấp Vụ tham gia xây dựng, biên tập nội dung cuốn kỷ yếu. 

Bên cạnh việc khắc họa chân dung các Thẩm phán tiêu biểu với những thành tích xuất sắc trong quá trình công tác, cuốn kỷ yếu còn khái quát những thành tựu mà ngành Tòa án đã đạt được trong nhiều năm qua, đặc biệt là 5 năm gần đây.

ky-yeu.jpg
Trang bìa cuốn kỷ yếu

Cùng với cả nước, 5 năm qua, TANDTC đã phát động phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị. Phong trào đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống Tòa án. Nhiều Tòa án địa phương, Tòa án quân sự đã sáng tạo, đổi mới cách làm, tổ chức nhiều phong trào thi đua với chủ đề hành động dễ nhớ, dễ thực hiện như: “2 tăng, 2 giảm, 3 không trong công tác nghiệp vụ”; phong trào“Làm hết việc, không làm hết giờ”; “Cấp trên nêu gương, đơn vị kỷ cương, cấp dưới tự giác, công tác hiệu quả”; “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng”; “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”; “Nghĩa tình đồng đội”; “Tham gia xây dựng nông thôn mới”v.v… Kết quả của các phong trào thi đua đã tạo ra khí thế sôi nổi, phấn khởi, động viên cán bộ, công chức các cấp Tòa án nỗ lực phấn đấu; đề ra những sáng kiến, giải pháp, mô hình hay, mang tính đột phá; lập nên nhiều thành tích xuất sắc, ấn tượng.

Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình, được Nhà nước, Chính phủ và TANDTC ghi nhận,  phong tặng các danh hiệu cao quý. Đã có 63 tập thể và 96 cá nhân điển hình tiên tiến được suy tôn; 19 Thẩm phán mẫu mực, 56 Thẩm phán tiêu biểu và 281 Thẩm phán giỏi được vinh danh; 3 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Hồ Chí Minh”; 4 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Độc lập”; 172 tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Huân chương Lao động”; 19 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, “Cờ thi đua của Chính phủ”, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Sự nỗ lực phấn đấu của ngành Tòa án đã được Đảng, Nhà nước trao tặng “Huân chương Độc lập hạng Nhất” danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” cho Tòa án quân sự Trung ương. Đây là phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức Tòa án trong suốt hơn 75 năm và 5 năm qua.

Những cá nhân được tuyên dương đó tiếp tục là những tấm gương sáng, có sức lan tỏa tới mọi cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị; thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua.

Lãnh đạo ngành Tòa án cũng đã truyền đi thông các thông điệp về việc phát huy thành tích đã đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn 5 năm qua, đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua trong thời gian tới, lãnh đạo TANDTC phát động phong trào “Thi đua vì công lý”. Mục tiêu chính của phong trào “Thi đua vì công lý” là xây dựng hệ thống Tòa án ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Trong số những cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành Tòa án không kế hết được những tấm gương đã nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn, vị sự nghiệp Tòa án đã đạt được những thành tích đáng nể.

Nhiều gương mặt tiêu biểu được vinh danh

Chúng tôi xin điểm qua đây một vài những gương mặt tiêu biểu trong số những cán bộ công chức đó đã có nhiều thành tích trong 5 năm vừa qua.

tapthe.jpg
Nhiều tập thể được tuyên dương trong các phong trào thi đua

Điển hình như Thẩm phán Long Thị Tuyết Mai, Chánh án TAND huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Là nữ Thẩm phán tâm huyết với công tác xét xử, nhiều năm qua chị đã thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”. Trong thời gian từ ngày 01/10/2013 đến 31/5/2019 đã giải quyết, xét xử 365 vụ án các loại, không có vụ án nào bị hủy, sửa do lỗi chủ quan; không xử oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm; công bố được 24 bản án quyết định;  xét xử  03 phiên tòa rút kinh nghiệm…

Để đạt được những thành tích vượt trội trong công tác, chị đã có những đổi mới trong công tác quản lý, cải cách hành chính đồng thời đề ra được các giải pháp công tác; các sáng kiến, kinh nghiệm được ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn công tác chuyên môn. 

Điển hình như việc, xây dựng cơ chế phân công một Thư ký chuyên trách giúp việc cho một Thẩm phán giải quyết án, dựa trên năng lực, sở trường của từng cán bộ, Thẩm phán để đảm bảo giải quyết toàn diện các loại án;

Duy trì việc đọc báo buổi sáng tại đơn vị để triển khai kịp thời các văn bản, luật, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của TAND tỉnh, cấp uỷ địa phương hàng tháng cơ quan và cán bộ công chức xây dựng kế hoạch công tác sát đúng với công việc. 

Cùng với đó, kiểm tra thường xuyên việc giải quyết xét xử các loại án (có sổ theo dõi giao đơn, hồ sơ, hàng tuần, tháng kiểm tra tiến độ giải quyết án của từng Thẩm phán). Nếu có án bị sửa, hủy, đều đưa ra tập thể bàn bạc rút kinh nghiệm chung, Thẩm phán chủ động báo cáo lãnh đạo những vụ án khó, vướng mắc để đưa ra họp bàn hướng điều tra xác minh giải quyết. Có đánh giá mức độ hoàn thành của từng công chức, đảng viên thông qua các cuộc họp cơ quan, chi bộ hàng tháng... Đây cũng là một trong những tiêu chí, thước đo đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cán bộ có chức danh tư pháp khi thực hiện công vụ…

Tăng cường công tác giải thích pháp luật và chú trọng công tác hòa giải, việc phân tích, giải thích pháp luật cho đương sự được thực hiện ngay từ giai đoạn xử lý đơn và xuyên suốt quá trình tố tụng, Thẩm phán luôn giải thích rõ ràng, cụ thể, dễ hiểu theo phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

 Thẩm phán Lý Ngọc Sơn, Phó Chánh án TAND tỉnh An Giang cũng là một trong những gương mặt tiêu biểu được vinh danh. Trong 5 năm, từ ngày 01/10/2014 đến 31/5/2019, ông làm chủ tọa trực tiếp xét xử được 515 vụ án hình sự, tham gia HĐXX do các Thẩm phán khác làm chủ tọa trên 200 vụ án các loại. Việc xét xử đảm bảo nghiêm minh, không có án oan sai.

Bằng tâm huyết nghề nghiệp và thực tiễn làm công tác xét xử của mình, Phó Chánh án Lý Ngọc Sơn đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong quá trình xét xử án hình sự mà có bị cáo là người chưa thành niên. 

Ông cho biết, để đảm bảo quyền bào chữa tốt nhất cho bị cáo, nhất là bị cáo chưa thành niên, hoặc bị cáo bị truy tố xét xử với khung hình phạt cao nhất, trong quá trình xét hỏi Thẩm phán nên đưa ra những câu hỏi mang tính đặt vấn đề để bị cáo tự nhận tội, tự nhận thức hành vi phạm tội và tự đánh giá mức độ nghiêm trọng của hành vi, để mỗi khi tuyên án, bị cáo cúi đầu nhận tội, không kêu oan. Đối với vụ án có đồng phạm cần xác định đúng vai trò chủ mưu,cầm đầu và trách nhiệm của từng bị cáo, để lượng hình cho phù hợp với hành vi phạm tội của từng bị cáo. 

Đối với các phiên tòa rút kinh nghiệm cần có phương pháp điều hành phiên tòa làm sao vừa đúng thủ tục tố tụng, vừa đảm bảo quyền của các bên, trên cơ sở lập đề cương xét hỏi, bảng kê lời khai của các bên, so sánh đối chiếu lời khai tại phiên tòa, scan hình ảnh và chiếu lại trong phiên tòa, đối với những vụ án xung đột mâu thuẫn gay gắt giữa người bị hại và bị cáo thì tại phiên tòa cần lưu ý đến tâm lý, thái độ của từng bên để đặt câu hỏi phù hợp, làm sao vừa đảm bảo đúng quy định pháp luật, vừa khai thác được lời khai của bị cáo, bị hại nhưng không làm căng thẳng thêm giữa các bên, giải thích pháp luật, tạo điều kiện cho các bên tự nhìn nhận, đánh giá, đưa ra những hướng thương lượng bồi thường hợp lý cho bị cáo, bị hại nhằm hạn chế xung đột giữa các bên. Khi xem xét lượng hình, Thẩm phán cần đánh giá toàn diện các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để đảm bảo mỗi phán quyết đưa ra phải công tâm, khách quan đúng quy định của pháp luật, để Tòa án thật sự là  niềm tin và là thành trì bảo vệ công lý của Nhân dân.

 Với kết quả đạt được trong quá trình công tác, ông Lý Ngọc Sơn  đã vinh dự được Chánh án TANDTC tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực” năm 2019. Để ghi nhận thành tích và sự cống hiến cho sự nghiệp Tòa án, tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV TAND, ông Lý Ngọc Sơn  được vinh danh là điển hình tiên tiến của hệ thống TAND và là một trong 19 cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.

Nhân vật nữa được kể đến đó là TS. Phạm Minh Tuyên, hiện là Giám đốc Học viện Tòa án. Ông là số ít cán bộ có nhiều thành tích trong công tác Tòa án và nghiên cứu khoa học.

PGS.TS Phạm Minh Tuyên, với những  thành tích đạt được trong quá trình công tác, từ năm 2015 đến năm 2017 TAND tỉnh Bắc Ninh liên tục đạt tập thể lao động xuất sắc, trong đó năm 2015 được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Cờ thi đua của Chính phủ năm 2017,  được Chánh án TANDTC tặng Cờ thi đua của Tòa án năm 2015, 2017; Chủ ttịch nước đã tặng “Huân chương Lao động hạng Nhất” cho tập thể TAND tỉnh Bắc Ninh và cá nhân PGS.TS Phạm Minh Tuyên.

Ngoài ra, PGS. TS Phạm Minh Tuyên còn là một nhà nghiên cứu Luật học có nhiều thành tựu to lớn. Ông đã xuất bản 4 cuốn sách (được chuyên gia của tổ chức JICA cùng Vụ Hợp tác quốc tế thẩm định) hiện nay được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các Thẩm phán và Thư ký khi nghiên cứu giải quyết các vụ án. Chủ biên Giáo trình “Kỹ năng xét xử các vụ án hình sự”, Giáo trình “Luật tố tụng hình sự” cho Học viện Tòa án.

Ông đã có 72 bài báo khoa học được đăng trên các Tạp chí trong và ngoài nước; tham gia giảng dạy tại Học viện tư pháp; Học viện Cảnh sát, Học viện Khoa học xã hội; tham gia Hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ tại Học viện Khoa học xã hội và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, đã trực tiếp hướng dẫn thành công 55 học viên bảo vệ luận văn Thạc sĩ Luật học; hai nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ…

PGS.TS Phạm Minh Tuyên chia sẻ: Mặc dù công việc rất bề bộn nhưng tôi say mê nghiên cứu khoa học. Việc nghiên cứu vì vậy gắn liền với thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn và những đề xuất kiến nghị cũng gắn với thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án, cũng như trong quá trình giảng dạy, tiếp xúc với các học viên đến từ các Tòa án, các cơ quan trong cả nước, tôi lại học thêm được nhiều điều, biết thêm nhiều tình huống pháp lý xảy ra trong thực tiễn.

Và còn rất nhiều nữa, những gương Thẩm phán tiêu biểu được vinh danh đã khắc họa trong cuốn Kỷ yếu này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ yếu vinh danh Người Thẩm phán Tòa án nhân dân