Quốc hội đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ và chuẩn bị phê chuẩn nhân sự Chính phủ mới. Các ĐBQH và cử tri cả nước gửi gắm nhiều kỳ vọng vào một Chính phủ hành động, tạo sự phát triển bứt phá cho đất nước trong giai đoạn mới.
Nhìn lại nhiệm kỳ đã qua
Đi lên từ bất ổn, bắt tay vào triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội 5 năm, với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, Chính phủ nhiệm kỳ qua đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP/2011 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Sự ra đời của Nghị quyết số 11/NQ-CP là quyết sách hết sức kịp thời và hợp lý, làm xoay chuyển tình hình đem lại những thành tựu quan trọng và trở thành kim chỉ nam, định hướng mang tính xuyên suốt trong công tác quản lý điều hành của Chính phủ suốt nhiệm kỳ. Nghị quyết 11/NQ-CP là sự khẳng định bước chuyển chiến lược trong tư duy điều hành của Chính phủ: Nhất quán chuyển từ tập trung “duy trì tăng trưởng” sang nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là “tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”.
Quyết sách táo bạo ấy như một cột mốc, tạo ra bước ngoặt mới trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Quan điểm đổi mới mạnh mẽ của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, của cộng đồng các nhà tài trợ, đầu tư và bạn bè quốc tế. Kết thúc giai đoạn 5 năm 2011-2016, những nỗ lực và sự kiên trì trong quản lý, điều hành với tư duy đổi mới của Chính phủ đã thu được kết quả mong đợi. Hai chỉ số ấn tượng nhất đọng lại sau 5 năm của nhiệm kỳ là tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015 (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5-7%), thấp nhất kể từ năm 2001 và mức độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm (trong đó, năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008). Đây là minh chứng sống động nhất, kết quả làm thỏa mãn cả người dân và giới quan sát kinh tế đối với nỗ lực hoàn thành mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ và thực hiện thành công.
Khi đánh giá về nhiệm kỳ Chính phủ, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng, thành công lớn nhất, nổi bật nhất trong nhiệm kỳ 5 năm vừa qua là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành một cách chủ động, linh hoạt trên cơ sở ban hành và thực hiện kiên quyết nhiều chính sách kiểm soát tốt lạm phát, ổn định về cơ bản kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, chú trọng cải cách thể chế cũng được coi là điểm sáng của nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua. Hai Nghị quyết điển hình trong việc thay đổi tư duy quản lý theo hướng cởi mở, công bằng và sát với tư duy quản lý kinh tế thị trường hơn của Chính phủ theo tinh thần của Hiến pháp 2013 đó là Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Hai Nghị quyết này đã đưa ra một cách tiếp cận mới đối với vấn đề cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm hướng tới mục tiêu sớm nâng tầm vị trí của Việt Nam trong bản đồ đầu tư-kinh doanh của khu vực và thế giới.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã thành công trong việc khởi động giai đoạn đột phá mới về cải cách thể chế, mà chúng ta vẫn thường nói làn sóng cải cách lần 2 trong nền kinh tế. Hai Nghị quyết mang số 19, chính là một cách tiếp cận, một “công nghệ” mới trong việc thúc đẩy cải cách thể chế.
Thành tựu to lớn, tuy nhiên bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Năm 2015, lần đầu tiên chi ngân sách nhà nước đã vượt 1,2 triệu tỷ đồng. Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2015 nợ công ở mức 62,2% GDP, nợ Chính phủ ở mức 50,3% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 43,1% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức 16,1% tổng thu ngân sách nhà nước.
Không chỉ gặp những khó khăn trong nền kinh tế, việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực và ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực còn chậm được hoàn thiện. Việc thực thi pháp luật có lúc, có nơi còn thiếu hiệu quả.
Trong khi đó, công tác phòng chống tham nhũng, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát. Trong nước thì vậy, bên ngoài không phải không có những thế lực nhăm nhe, vấn đề chủ quyền đất nước đang bị đe dọa trước những diễn biến phức tạp của tình hình Biển Đông…
Tin tưởng vào một “Chính phủ hành động”
Rất nhiều kỳ vọng, rất nhiều kế sách đã được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước bày tỏ đối với nhiệm kỳ Chính phủ mới cũng như tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Trong đó, nổi lên kỳ vọng vào Chính phủ mới phải là chính phủ hành động, có “bàn tay sắt” trong việc xử lý, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng và kiên quyết, nhất quán trong vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ sẽ chống tham nhũng, lãng phí mạnh mẽ và hiệu quả hơn. Khi Thủ tướng đã tuyên thệ như thế thì chắc chắn Thủ tướng sẽ tìm mọi giải pháp để đấu tranh và đẩy lùi thực trạng tham nhũng, lãng phí vốn đang diễn ra. Tuy nhiên, muốn đấu tranh với tham nhũng hiệu quả thì phải thực hiện từ trên xuống và từ trong ra ngoài.
Nhiều đại biểu bày tỏ tin tưởng rằng, đã từng giữ cương vị Phó Thủ tướng chuyên trách về lĩnh vực nội chính, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ quyết liệt trong đấu tranh chống tham nhũng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) thì cho rằng: Quản lý hành chính Nhà nước trong nhiệm kỳ tới đây phải được thực thi một cách nghiêm khắc hơn. Nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh cải cách hành chính, tái cơ cấu nền kinh tế nên sự đụng chạm đến “lợi ích nhóm” là rất lớn. Điều đó, đòi hỏi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần phải có bàn tay sắt để bảo vệ lợi ích của đất nước, của nhân dân. Chính phủ phải sẵn sàng xử lý, điều chuyển, thay đổi cán bộ. Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các thứ trưởng, bộ trưởng, phó chủ tịch, chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.
Đại biểu Lê Văn Lai gửi gắm hai điều tới những vị lãnh đạo tới đây sẽ tiếp tục chèo lái con thuyền đất nước, tránh tụt hậu, phát triển ngày càng tiến lên ngang bằng các nước khác: "Tôi chỉ muốn gửi tới các đồng chí được bầu vào vị trí lãnh đạo mới của đất nước hai điều. Một là giặc nội xâm thì làm sao phải chống được tham nhũng. Hai là, giặc ngoại xâm thì phải bảo vệ được chủ quyền quốc gia. Chỉ cần làm được hai điều đó thì nhân dân sẽ không bao giờ quên và tôn vinh các đồng chí. Còn lại mọi thứ khác đều là thứ yếu".