Ký ức về những trận đòn của bà mẹ đơn thân có con bị tự kỷ

Đắc Chuyên| 12/12/2015 07:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tôi đã từng đánh con rất nhiều, đánh đến nỗi chính bản thân mình còn thấy sợ”, đó là tâm sự của chị Nguyệt Thu - một bà mẹ đơn thân có con bị tự kỷ.

Rơi xuống hố tuyệt vọng khi phát hiện con mình bị tự kỷ

Là một bà mẹ đơn thân, một mình bươn trải cuộc sống nơi đất khách quê người, chị Nguyệt Thu, nghệ sĩ viola quốc tế thấy cả thế giới quay lưng lại với mình khi phát hiện con mình bị tự kỷ. Chị nhớ, chị đã đánh con rất nhiều, những trận mưa đòn liên tiếp trút xuống đầu cậu con trai đầu lòng khi cậu có những hành vi rối loạn.

Ký ức về những trận đòn của bà mẹ đơn thân có con bị tự kỷ

Một tiết học âm nhạc dành cho trẻ tự kỷ ở Trường Sunrise for Arts

Chị Thu kể, cách đây hơn 10 năm về trước khi đó chị ở Hà Lan, mới chia tay chồng và có một cậu con trai đẹp như thiên thần. Cứ ngỡ cuộc sống của hai mẹ con sẽ trôi đi yên ả, vì cậu con trai ăn ngoan, chơi ngoan để chị yên tâm đi làm. Thế nhưng chính sự “ngoan” một cách bất thường đó của con chị lại là nguyên nhân gây nên bao đau khổ về mặt tinh thần cũng như thể xác cho cả hai mẹ con.

Chị Thu đánh con liên tục nhất là khi con chị có những biểu hiện, hành vi bất thường khiến chị phải xấu hổ, đau lòng. Chị đánh cũng vì chị thương con quá nhiều, vì những hy vọng chị đặt vào cậu con trai đang vỡ vụn. Khi đánh con, chị Thu biết mình thực sự bất lực. Áp lực về tiền bạc, tinh thần khiến chị quay cuồng và càng như vậy chị càng đánh con, vòng luẩn quẩn trong sự đau khổ về tinh thần và cạn kiệt về tài chính khiến chị thấy con đường trước mắt là ngõ cụt.

“Khi đó, mình gần như không chấp nhận sự thật rằng con mình bị tự kỷ, mình càng cố giải thoát khỏi suy nghĩ ấy bao nhiêu thì những hành vi của con khiến mình bế tắc bấy nhiêu. Cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn khi mình không còn đủ tâm trí, sức lực để đi làm, tài khoản nhà băng luôn luôn trong tình trạng bị âm”, chị Thu kể lại quãng thời gian đen tối nhất cuộc đời mình.  

Sau những cú sốc về mặt tinh thần, từ chỗ ngại cho con ra đường, tiếp xúc với mọi người chị Thu cố gắng cho con hòa nhập và được giao tiếp với mọi người nhiều hơn. Chị lên mạng, đến gặp các chuyên gia tâm lý, bác sĩ để đọc, học về chứng tự kỷ ở trẻ. Sau khi nhận thức được tự kỷ không phải là bệnh mà là một hội chứng, thay vì đánh đập, bắt con thay đổi thì chị đã thay đổi nhận thức và hành vi của mình trước, sau chị dần dần giúp con điều chỉnh để con giống như những đứa trẻ bình thường khác.

Để làm được điều đó, chị đã di chuyển ít nhất là 5 nước trên thế giới để tìm cho con một môi trường sống và học tập thích hợp. Chính trong thời gian đó, chị Thu có cơ hội được tiếp xúc với nhiều bà mẹ có con bị tự kỷ khác. Chị thấy rằng, bà mẹ nào cũng khốn khổ và rơi xuống hố tuyệt vọng khi phát hiện con mình bị tự kỷ. Đương nhiên những trận đòn trút lên đầu con là không tránh khỏi.

80% cuộc gọi đến tư vấn là mẹ đơn thân

Càng đi tìm một môi trường thích hợp cho con chị càng thấy bản thân mình cần phải làm gì đó để hỗ trợ cho con mình cũng như những đứa trẻ tự kỷ khác một cách tốt nhất. Với suy nghĩ đó, chị mong muốn thành lập một ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ ở chính đất nước mình được sinh ra. Nung nấu ý định đã lâu nhưng phải đến tháng 6/2015, chị mới hiện thực hóa được mong muốn đó của mình. Ngôi trường mang tên SFORA (Sunrise for Arts, thuộc một nhánh của chương trình Bình minh cho em), được ra đời.

Ký ức về những trận đòn của bà mẹ đơn thân có con bị tự kỷ

Với những trẻ tự kỷ mỗi hành động, cử chỉ, việc làm đều phải chứa đựng tình cảm ở trong đó

Đây là trường đầu tiên ở Việt Nam cũng như ở Đông Nam Á sử dụng âm nhạc và nghệ thuật để trị liệu chứng tự kỷ ở trẻ em. Vì là một nghệ sĩ viola nên chị hiểu âm nhạc có thể hàn gắn mọi vết thương. Trong âm nhạc có ngôn ngữ, hình ảnh, vận động và cả tình cảm, điều này đặc biệt tốt cho những trẻ ít giao tiếp và rối loạn hành vi.

Tại đây, các em được học các tiết học phát triển cá nhân, kỹ năng sống, âm nhạc…mỗi tiết học kéo dài 45 phút. Chị Thu cho biết, chị không quá chú trọng tới việc ép trẻ tự kỷ phải sống và giống những trẻ em bình thường khác ở việc học văn hóa mà chị muốn bảo tồn thế giới của trẻ tự kỷ, tức là một thế giới với những tiếng cười, sự hồn nhiên và phát huy được những thế mạnh, những tiền năng mà các em đang có.

Ví dụ như Hiếu, một cậu bé vẽ tranh rất đẹp, Thảo thì chơi piano điệu nghệ như một người nghệ sĩ…Chị Thu khẳng định, thế giới trong tâm hồn của các em phải tuyệt vời lắm thì các em mới có thể vẽ nên những bức tranh đầy màu sắc, tràn nhựa sống và chơi những bản nhạc hay như vậy.

Hiện tại, trường có 30 em học sinh theo học, trong số đó có cả nội trú và bán trú. Chị Thu cho hay, hằng ngày chị nhận rất nhiều cuộc điện thoại từ các mẹ có con tự kỷ gọi đến tư vấn. Đại đa số là các bà mẹ đơn thân, con số này chiếm 80%. Số còn lại không đơn thân thì cuộc sống gia đình cũng bị đảo lộn hoàn toàn, vợ chồng cãi cọ liên miên.

Chị Thu nhớ một cặp vợ chồng đưa con đến trường của chị, nhưng chỉ có mẹ đưa con vào còn bố thì đứng ở ngoài xe đợi, mặt cúi gằm, chị Thu mời kiểu gì cũng nhất định không chịu vào trường. Trường hợp khác, khi người vợ đưa con vào lớp học, người chồng quát ầm lên “sao cô lại đưa con đến chỗ toàn đứa điên như thế này”? Sau đó người vợ bật khóc và họ mang con về.

Nếu như không có sự sẻ chia, thông cảm cũng như sự hiểu biết, kiến thức về chứng tự kỷ thì việc gia đình có con bị tự kỷ suốt ngày lục đục, thậm chí ly thân, ly dị là điều rất dễ xảy ra.  

Tuy nhiên, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa thì các ông bố bà mẹ nên dành tình yêu thương nhiều hơn nữa cho những đứa trẻ tử kỷ, những lúc bực tức thay vì đánh con thì hãy ốm ấp, vuốt ve, che chở để các con mãi là thiên thần trong thế giới riêng của nó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký ức về những trận đòn của bà mẹ đơn thân có con bị tự kỷ